Xét xử vụ án lợi dụng chức vụ tại Thanh Hoá: Cần làm rõ các chữ ký nghi bị làm giả
Sau 6 ngày xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, dự kiến, hôm nay (28/8), TAND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá) sẽ tuyên án đối với 4 bị can, nguyên cán bộ, công chức nhà nước. Tuy nhiên, kết quả đối chất, thẩm vấn… tại toà cho thấy, còn nhiều tình tiết cần làm được làm rõ.
Lập khống hồ sơ để rút tiền bồi thường
Ngày 23/8, TAND thị xã Bỉm Sơn mở phiên xét xử sơ thẩm 4 bị cáo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Những người này gồm: Vũ Đức Cường, nguyên Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Dương Thị Hà, nguyên công chức địa chính; Vũ Mạnh Quyến, nguyên Phó Bí thư Chi bộ khu phố Đông Thôn và Nguyễn Văn Kỳ, lao động tự do. Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công văn chấp thuận chủ trương, địa điểm xây dựng Nhà máy xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Long Sơn.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn ban hành quyết định thành lập tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án. Ban đầu, tổ có 15 thành viên, về sau được kiện toàn lên 18 thành viên, do Vũ Đức Cường là tổ trưởng, Dương Thị Hà là tổ viên. Trong quá trình thực hiện GPMB, có hơn 35.000m2 đất đã được san phẳng để trồng mía nên chưa xác định được chủ sử dụng đất cũng như diện tích cụ thể của từng hộ. Để đẩy nhanh tiến độ, phía Long Sơn ứng trước 4,5 tỷ đồng cho UBND phường Đông Sơn. Đổi lại, phường sẽ có trách nhiệm hoàn trả tiền cho từng hộ, đồng thời bàn giao lại hồ sơ liên quan đến phần đất nêu trên cho Công ty.
Ngày 19/3/2015, UBND phường tổ chức họp xét nguồn gốc đất cho từng hộ dân, kết quả được niêm yết công khai. Tuy nhiên, khi lập hồ sơ bồi thường, bị cáo Cường và Hà phát hiện tổng diện tích các hộ được bồi thường thiếu hơn 4.500m2 so với phần đất mà Long Sơn đã lấy và chi trả trước. Cáo trạng cho rằng, hai bị cáo muốn chiếm đoạt số tiền bồi thường còn thừa nên lập hồ sơ khống cho bốn hộ dân để “khớp” số liệu. Trong đó, ba hộ Vũ Mạnh Quyến, Nguyễn Văn Kỳ và Nguyễn Thị Quế đã lập thành công với diện tích gần 4.300m2, tương ứng hơn 605 triệu đồng.
Trong ba hộ lập khống thành công, bị cáo Quyến và Kỳ trực tiếp nhận hơn 370 triệu đồng sau đó chuyển lại cho bị cáo Hà. Hơn 220 triệu đồng còn lại được bồi thường cho hộ bà Quế, nhưng bà không tới phường nhận tiền, tiền được chuyển thẳng cho bị cáo Hà. Do đó, chỉ hai bị cáo Quyến và Kỳ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đề nghị trả hồ sơ
Tại phiên tòa, Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà đều phản đối bản cáo trạng của VKS. Bị cáo Cường liên tục kêu oan, nói trong hai năm qua đã gửi hàng trăm lá đơn đến rất nhiều cơ quan tỉnh Thanh Hóa cũng như Trung ương nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Bị cáo Cường cho rằng, hồ sơ của ba hộ dân lập vào tháng 6/2015, trong khi từ ngày 19/5/2015, ông không còn giữ chức Chủ tịch UBND phường nên không thể thực hiện chức vụ và quyền hạn trong việc lập hồ sơ GPMB.
“Sau ngày 19/5, dù còn một số công việc dang dở nhưng tôi không liên quan gì đến việc xác định nguồn gốc đất cho các hộ nữa. Hoạt động của tổ công tác lúc này do chủ tịch phường kế nhiệm phụ trách”, bị cáo Cường khai.
Cựu Chủ tịch phường còn nói biên bản hội nghị xét nguồn gốc sử dụng đất của các hộ ngày 19/3/2015 mà công an thu thập để làm căn cứ buộc tội là bản photo, không có dấu giáp lai, hoàn toàn có thể bị làm giả. “Hồ sơ tôi ký báo cáo thị xã đều có dấu đỏ và đóng dấu giáp lai”- bị cáo Cường khẳng định.
Cũng theo Vũ Đức Cường, tháng 4/2015, trong số 49 hộ dân nằm trong danh sách, tổ công tác đã lập dự toán cho 44 hộ, năm hộ còn lại (bao gồm ba hộ mà cáo trạng nêu) do chưa đủ điều kiện nên phải dừng. Đến khi bị cáo thôi giữ chức chủ tịch phường, tổ công tác vẫn chưa kiểm kê khối lượng bồi thường cho năm hộ này. Ba hộ không có đất mà vẫn được lập hồ sơ GPMB là sai. Trách nhiệm thuộc về ai ký vào các văn bản, hồ sơ gây thiệt hại cho Long Sơn.
Tương tự, bị cáo Hà cũng khai đã làm hết trách nhiệm được giao. Tại thời điểm lập hồ sơ, bị cáo xác định ba hộ trên đều có đất thuộc dự án, đã niêm yết danh sách công khai và không có ai thắc mắc gì. Nữ bị cáo cương quyết bác bỏ việc nhận tiền từ các hộ dân, cho rằng cơ quan tố tụng không đưa ra được chứng cứ trực tiếp nào chứng minh cho cáo buộc này.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại toà khẳng định, dù bị cáo Cường, bị cáo Hà không nhận tội như cáo trạng truy tố. Nhưng căn cứ vào hồ sơ tài liệu vụ án, lời khai của bị cáo còn lại, các nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… đủ căn cứ buộc tội các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ như cáo trạng truy tố.
Vụ án rất nghiêm trọng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân nên cần xử lý nghiêm. Viện Kiểm sát xác định bị cáo Cường là đầu vụ, bị cáo loanh quanh chối tội, cần thiết phải cách ly xã hội. Tuy nhiên, mỗi bị cáo có tình tiết giảm nhẹ. Từ các căn cứ trên, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Vũ Đức Cường: 6-6,6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh này, bị cáo Dương Thị Hà bị đề nghị tuyên phạt 5,6-6 năm tù; bị cáo Vũ Mạnh Quyến: 30-36 tháng tù cho hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Văn Kỳ: 24-30 tháng tù cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, tại phiên toà, luật sư bào chữa cho các bị cáo đặt vấn đề, trong hồ sơ của ba hộ dân có một số chữ ký bị làm giả, nên cần phải làm rõ những hộ này ký ở đâu, thời điểm nào, ký vào những giấy tờ gì…
Cùng với đó, trách nhiệm của chủ tịch phường kế nhiệm cũng như cán bộ kiểm kê GPMB phải được xem xét, bởi đây là những người trực tiếp quyết định việc ba hộ dân được nhận bồi thường. Từ những căn cứ trên, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ các điểm mâu thuẫn đã nêu.