Nỗi đau dai dẳng

H.Vũ 28/08/2020 08:12

“Giải pháp nào để đảm bảo an toàn giao thông?”- là tên của buổi giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức ngày 26/8.

Ảnh: TQ.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra vào sáng ngày 26/7/2020, tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình làm 15 người chết và 22 người bị thương. Ảnh: T.Q.

Trước đó, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy: Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước đã xảy ra 9.170 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.342 người, bị thương 6.127 người. Một câu hỏi được đặt ra là trong những năm qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đạt được những kết quả rõ rệt; TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn từng bước được khắc phục nhưng vì sao số người chết và bị thương do TNGT vẫn còn ở mức cao?

Con số 4.342 người chết, 6.127 người bị thương làm nhiều người gợi nhớ lại một câu chuyện tại Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2019 được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức vào năm 2019, em Trần Nguyễn Hùng Thắng (học sinh Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè) lặng lẽ khóc. Việc mất đi người mẹ sau một vụ TNGT khiến Thắng bỗng chốc chơ vơ, trở thành trẻ mồ côi. Thắng tâm sự rằng “nếu có điều ước, em chỉ ước gặp lại mẹ một lần”.

Còn kể lại giây phút con trai ra đi vĩnh viễn vì TNGT, chị Hồ Thị Hằng (quận 6) không thể cầm được nước mắt tâm sự rằng: Vì nhà nghèo nên con trai của chị phải học lớp học tình thương để biết được con chữ. Thế nhưng, trong một lần tham gia giao thông, em đã ra đi vĩnh viễn, để lại bao ước mơ còn chưa kịp thực hiện.

Ước mơ của một đứa trẻ mất mẹ, một người mẹ mất con cũng là nỗi đau chung của mỗi gia đình có người thân tử nạn vì TNGT. Đó cũng là nỗi lo chung của toàn xã hội. Nhưng nó cần có những giải pháp để ngăn chặn. Không thể kéo dài từ năm nay qua năm khác, nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: “Việc liên tục xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây lo lắng cho nhân dân. Nhiều vấn đề bức xúc như lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn tái diễn, trong khi đó việc ứng dụng khoa học vào giám sát, xử phạt còn kém”.

Những nguyên nhân được “chỉ tên” không phải là mới nhưng vẫn tồn tại. Và đằng sau nó cũng phần nào nói lên trách nhiệm của những ngành có liên quan.

Từ Giao thông vận tải cho đến Công an, nó gắn liền với việc tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông của lực lượng chức năng trong thực hiện nghĩa vụ quản lý nhà nước của mình. Dù đất nước còn khó khăn song đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư và coi đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược để đưa đất nước đi nhanh và xa hơn.

Song đường sá đã được đầu tư, với những cao tốc vươn tầm lái nhưng hàng ngày tai nạn vẫn cứ xảy ra. Nhiều ý kiến đặt ra rằng: Nếu như trong quá trình tuần tra kiểm soát và xử lý mạnh mẽ tình trạng sử dụng chất kích thích như rượu, bia, rồi ma túy thì sẽ không để xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian qua. Nếu có sự cương quyết, không nhận “mãi lộ” chắc chắn không thể có chuyện xe khách chở quá tải vượt hàng trăm km từ nơi này sang nơi khác, xe vua “băm nát” đường quốc lộ? Sự việc dân biết nhưng lực lượng chức năng lại không biết, chả nhẽ trình độ nghiệp vụ thiếu tinh thông.

TNGT dù có đi qua nhưng nỗi đau luôn đè nặng với người ở lại. Đằng sau mỗi vụ TNGT là những ám ảnh, dằn vặt. Nước mắt không có nhiệm kỳ nhưng trách nhiệm nhiệm kỳ cần được soi tỏ. Nhiệm kỳ được gắn với trách nhiệm cá nhân, không phải nằm trong tập thể.

Thực tế nỗi hoang mang lo lắng trong vấn đề an toàn giao thông luôn được cử tri đề cập đến tại mỗi nhiệm kỳ Quốc hội. Nhưng cử tri còn than phiền khi việc giải quyết kiến nghị cử tri liên quan đến kiềm chế TNGT còn chưa thực sự hiệu quả.

Chiến tranh đã đi qua, nghèo đói từng bước được đẩy lùi nhưng TNGT vẫn luôn rình rập hàng ngày, hàng giờ trong các hoạt động hàng ngày. “Phía trước tay lái là sự sống”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”; “Nhanh một phút chậm cả đời” đã trở thành khẩu hiệu, thế nhưng khẩu hiệu đó cần được lan tỏa trong toàn xã hội.

Giảm TNGT không chỉ nằm ở việc làm tốt các chính sách pháp luật và thực thi pháp luật mà còn nằm ở việc tuyên truyền giáo dục, kết hợp giữa “đức trị” và “pháp trị”.

Nhưng, muốn gì thì muốn, cũng không thể để kéo dài những nỗi đau TNGT- những nỗi đau dai dẳng.

H.Vũ