Học giả - Giáo sư Phan Ngọc: Một tấm gương, một nhân cách
Học giả - Giáo sư Phan Ngọc bút danh Nhữ Thành, sinh ngày 10/10/1925, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Với hàng chục công trình nghiên cứu giá trị, vài chục bản dịch các công trình nghiên cứu, Triết học, Sử học, Văn học phương Tây, phương Đông, sử dụng được khoảng 12 ngoại ngữ, ông thực sự là một học giả uyên bác. Sau một thời gian tai biến, ốm nặng, ông đã từ trần lúc 20h ngày 26/8/2020, thọ 96 tuổi.
Học giả, Giáo sư Phan Ngọc là con trai của Thượng thư, dịch giả Phan Võ. Ông sinh ra trong thời kỳ thuộc Pháp. Dù được đào tạo thời Pháp, nhưng quá trình trở thành học giả, giáo sư của ông là quá trình gian nan tự học. Ít ai nghĩ bằng cấp cao nhất của ông chỉ là Tú tài. Ông cũng từng học qua nghề y nhưng khi đất nước có chiến tranh, ông là người lính của Sư đoàn 304.
Năm 1954, hòa bình lập lại, ông về làm việc tại Bộ Văn hóa. Khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông về giảng dạy tại trường. Ông là Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học đầu tiên (1956-1957) của khoa Ngữ văn, đồng thời giảng dạy một số bộ môn khác của trường.
Đang giảng dạy thì ông bị quy là có dính tới “nhân văn, giai phẩm”. Thế là ông phải chuyển sang làm “tư liệu viên” chuyên làm tư liệu cho khoa Văn. Vậy mà ông không hề chán chường, lại biến khó khăn, lực cản đó thành thế mạnh. Ông có thời gian để tự học. Học ngoại ngữ. Đọc các triết gia, sử gia, nhà văn hóa… trên thế giới.
Nhiều người biết tới Giáo sư Phan Ngọc ở vốn ngoại ngữ đáng kinh ngạc. Có người còn ví ở Việt Nam, sau Trương Vĩnh Ký (một ký giả, dịch giả lớn đầu thế kỷ 20) thì GS Phan Ngọc là người thứ hai có một vốn ngoại ngữ phong phú. Những ngôn ngữ mà học giả Phan Ngọc thông thạo là La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italia, Nga. Những ngôn ngữ khác sử dụng trôi chảy là tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Thái Lan và tiếng Campuchia… Thậm chí, ông còn soạn từ điển Anh – Việt và Việt – Anh với hơn 100.000 từ.
Nhiều năm trước, GS Phan Ngọc từng kể với tôi và bạn hữu của ông trong Chiếu văn của nhà văn Sơn Tùng: Để lao động kiếm sống, ông từng phải đánh máy thuê. Từng phải dịch cho nhiều nhà xuất bản. Không tiện xuất hiện với bút danh Phan Ngọc, ông ký bút danh Nhữ Thành. Đó là bút danh mà người cha – người thầy dạy của ông – cụ Phan Võ đặt cho.
Người bạn cùng học với tôi là Đinh Thanh Hiếu, rất uyên thâm Hán học và điển tích, cho biết: Nhữ Thành là điển tích được rút ra từ một câu trong bài “Tây minh” của đại nho Trương Tái đời Tống: “Phú quý phúc trạch, thiên hậu ngô chi sinh dã; Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã”. Nghĩa là: Giàu sang phúc ấm là trời hậu với cuộc sống của ta; Nghèo hèn lo buồn là để rèn dũa ta nên ngọc”. Điển tích này cũng được Hồ Chủ tịch mượn viết trong bài “Văn thung mễ thanh” (bài giã gạo) nổi tiếng: “Gạo lúc đang giã, rất đau đớn; Lúc giã xong rồi, trắng tựa bông; Người sống trên đời cũng như vậy; Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc”.
Chính vì tự mình rèn dũa, Học giả Phan Ngọc đã dịch Thần thoại Hy Lạp từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý; Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy từ nguyên bản tiếng Nga; Shakespeare từ nguyên bản tiếng Anh... Với tôi, thích đọc các nhân vật lịch sử thì say sưa đọc Sử ký Tư Mã Thiên mà giáo sư chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Hán.
Dù không được học ông trên bục giảng ngày nào, nhưng với tôi, ông là người thầy lớn. Nhiều công trình của ông không chỉ đem lại khối lượng tri thức lớn cho tôi mà còn tạo cho tôi những tư duy tự học trước một vấn đề. Đọc các công trình của ông ta thấy ngôn ngữ rất giản dị dù ông bàn đến những vấn đề rất to tát. Những phát hiện mang tính học thuật của ông trong các công trình nhưng lại cho thấy sự từng trải trong cuộc sống.
Sau khi đất nước mở cửa, Giáo sư Phan Ngọc được một số nước thỉnh giảng. Ông từng kể với tôi là sang đó ông phải giảng bằng tiếng Anh. Có những công trình ông viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh để giảng, sau chính ông dịch lại sang tiếng Việt để xuất bản trong công trình “Bản sắc văn hóa Việt Nam”.
Công trình nghiên cứu của Học giả, Giáo sư Phan Ngọc trải dài trên nhiều lĩnh vực như Triết học, Dân tộc học, Mỹ học, Sử học, Ngôn ngữ học, Hán học, Văn học…
Trong các công trình của Học giả, Giáo sư Phan Ngọc, những công trình được nhiều người nhắc tới là: “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985, Giải thưởng Nhà nước 2001), Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994), “Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á” (1983), “Bản sắc văn hóa Việt Nam” (in lần đầu năm 1998, sau đó tái bản rất nhiều lần), “Thử xét văn hóa học -Văn học bằng ngôn ngữ học” (2000)…
Khác với nhiều nhà nghiên cứu có tuổi, Giáo sư Phan Ngọc còn tự học tin học để sử dụng thành thạo máy vi tính, giúp ông tự soạn và lưu trữ các công trình của mình.
Năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, dù trước đó bị tai biến nặng, Học giả, Giáo sư Phan Ngọc và AHLĐ, nhà văn Sơn Tùng vẫn nhờ người thân đưa đến dự lễ tang tại nhà riêng.
Tinh thần tự học và nhân cách của Học giả, Giáo sư Phan Ngọc thực sự là một tấm gương lớn để những trí thức các thế hệ sau noi theo.