Đường dây làm giấy tờ giả ở Đồng Nai: Đầu tư hiện đại, làm giấy tờ 'như thật'

Xuân Ngọc 28/08/2020 15:49

Xưởng sản xuất của Dương đầu tư rất nhiều trang thiết bị, có thể nói là hiện đại nhất từ trước đến nay. Dương cam kết làm mọi loại giấy tờ theo yêu cầu giống gần như 100%.

Các đối tượng bị bắt liên quan đến đường dây làm giả giấy tờ các loại.

Như tin đã đưa, ngày 25/8, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét đồng loạt 8 địa điểm tại TP HCM và Đồng Nai, bắt quả tang gần 20 đối tượng trong đường dây chuyên làm giả giấy tờ cùng hàng nghìn tang vật như bằng lái xe, biển số xe, bằng đại học, bằng ngoại ngữ, chứng minh thư nhân dân, giấy đăng kiểm, sổ đỏ, con dấu, thẻ nhà báo... thu giữ 50 máy móc các loại như: máy in màu, máy dập biển số xe, máy sơn biển số, máy dập con dấu chìm… và hàng nghìn phôi để làm giấy tờ giả.

Đây là chuyên án quy mô lớn về đường dây làm giấy tờ giả hết sức tinh vi, tiêu thụ toàn quốc được Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) xác lập đấu tranh từ khoảng hơn 5 tháng nay. Chuyên án do Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) chỉ đạo, Đại tá Lê Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự làm trưởng ban.

Điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Trọng Dương (31 tuổi, trú tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) là đối tượng cầm đầu đường dây này từ năm 2017 đến nay. Dương lôi kéo đồng phạm, đầu tư máy móc và thuê thêm người để hoạt động, nguồn cung cấp phôi Dương lấy từ Phạm Văn Phi.

Sau một thời gian, đồng phạm của Dương là Trần Đức Toàn (30 tuổi, trú tại quận Bình Tân, TP HCM) và Nguyễn Thanh Phong (44 tuổi, trú tại Vĩnh Long) tách ra làm riêng, mở rộng phạm vi tiêu thụ.

'Chịu khó' đầu tư máy móc làm giấy tờ như thật

Nguồn tin cho biết, địa điểm thuê đặt xưởng sản xuất được các đối tượng thay đổi thường xuyên để tránh bị phát hiện, lập nhiều tai mắt để nghe ngóng, canh chừng.

Xưởng sản xuất của Dương đầu tư rất nhiều trang thiết bị, máy móc, có thể nói là hiện đại nhất từ trước đến nay trong các đường dây làm giả mà Công an đã phát hiện. Mỗi máy làm một công đoạn, sau khi thành thành phẩm thì dùng máy soi hiển vi để kiểm tra chất lượng và phát hiện lỗi. Dương cam kết làm mọi loại giấy tờ theo yêu cầu với độ giống gần như 100%.

Về hình thức đặt hàng, Dương không nhận đặt hàng trực tiếp mà thông qua nhiều đối tượng trên toàn quốc làm “đại lý”.

Các “đại lý” này sử dụng mạng xã hội để quảng bá thông tin, đồng thời “gom đơn” với số lượng nhất định, lúc đó mới đặt hàng Dương làm. Sau khi bán ra cho người mua, các “đại lý” ăn tiền chênh lệch.

Các nhóm nhỏ hơn của Toàn và Phong thì nhận đặt hàng trực tiếp qua mạng, nếu những loại giấy tờ khó thì đặt lại cho Dương làm.

Máy móc, khuôn để làm biển số giả tại hiện trường vụ án.

Theo nguồn tin, thời gian thu thập chứng cứ của chuyên án này kéo dài do các đối tượng rất cảnh giác. Các đối tượng cầm đầu như Dương, Toàn, Phong luôn giấu mặt, thường không bao giờ xuất hiện tại xưởng mà thuê các đối tượng khác quản lý.

Các đối tượng quản lý lại đứng ra thuê nhân viên để làm, ngoài ra, các đối tượng sử dụng giấy tờ nhân thân giả nên nhiều người làm thuê không biết tên thật của “ông chủ” mình.

Hình thức giao hàng: Giao hàng trong nội thành TP HCM, đường dây này đặt các ứng dụng giao hàng như xe ôm công nghệ, mỗi lần giao lại đặt địa chỉ lấy hàng ở một địa điểm khác nhau.

Giao hàng ở ngoại tỉnh, nhóm này sẽ đóng gói hàng hóa và “ship cod” (hình thức giao hàng, thu tiền) qua đường bưu điện.

Giấy tờ giả đủ các loại cơ quan Công an thu được tại hiện trường.

Theo điều tra ban đầu, đường dây của Dương có lượng khách rất lớn sau thời gian dài hoạt động. Khi khám xét các xưởng sản xuất, Ban chuyên án cũng bất ngờ khi phát hiện đủ các loại giấy tờ được làm giả như sổ đỏ, chứng minh nhân dân, giấy phép kinh doanh nhà thuốc, thẻ nhà báo, giấy đăng ký kết hôn,... đã thành phẩm và chuẩn bị đưa đi tiêu thụ, trong đó đáng chú ý có hơn 1.000 con dấu treo, được phân loại theo từng tỉnh thành, từng bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương.

Các đối tượng cũng thường xuyên cập nhật tin tức, lên mạng internet “săn tìm” chữ ký của các cán bộ lãnh đạo để sao chép, từ đó làm giả các giấy tờ liên quan.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận, chúng bán các giấy tờ có giá từ 300 đến 500 nghìn đồng. Đối với các giấy tờ như bằng cấp chứng chỉ, giấy tờ xe thì bán theo bộ, mỗi một bộ có giá khoảng 10 triệu đồng.

Với quy mô và thời gian hoạt động của đường dây này từ 2017 đến nay, có thể đã có hàng chục nghìn giấy tờ giả đã được tiêu thụ khắp cả nước, số lượng giấy tờ giả chính là công cụ để các đối tượng xấu lợi dụng gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng, gây hậu quả khôn lường cho xã hội.

Xuân Ngọc