Thi tốt nghiệp THPT 2020: Điểm thi 'vênh' với điểm học bạ

Thu Hương 29/08/2020 09:10

Việc đối sánh điểm trung bình của điểm thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh nhằm kiểm tra tính nghiêm túc trong việc đánh giá học sinh ở bậc phổ thông và tính nghiêm túc trong tổ chức thi tại địa phương.

Tuy nhiên, theo kết quả đối sánh học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh, thành do Bộ GDĐT công bố, hầu hết các địa phương đều có độ “vênh” giữa 2 điểm này, cao nhất lên tới 1,7 điểm. Câu hỏi đặt ra là nhiều trường đại học (ĐH) xét tuyển bằng học bạ liệu có đảm bảo chất lượng đầu vào?

Theo kết quả đối sánh học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh, thành do Bộ GDĐT công bố, hầu hết các địa phương đều có độ “vênh”.

Chênh lệch từ 0,32 đến 1,7 điểm

Theo Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, các thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên sẽ tính điểm trung bình điểm thi các môn thi bắt buộc và các môn Hóa, Sinh và Vật lý, sau đó so sánh điểm trung bình của các môn này trong học bạ lớp 12 của thí sinh. Việc đối sánh chỉ dừng lại ở lớp 12 bởi phạm vi kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT chỉ tập trung ở lớp 12.

Tương tự, học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội sẽ tính trung bình điểm thi tốt nghiệp của 6 môn thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) và đối sánh với trung bình điểm học bạ của 6 môn học tương ứng ở lớp 12.

Theo quy định về đánh giá học sinh hiện hành, ngoài việc đánh giá điểm trung bình từng môn học thì phải đánh giá tổng thể các môn học để ra điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình cả năm. Với kết quả đối sánh vừa được Bộ GDĐT công bố, ở tất cả các tỉnh thành đều có sự “vênh” nhau giữa điểm học bạ và điểm thi.

Cụ thể, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi nhiều nhất là 1,7 điểm, xảy ra ở các tỉnh như Nghệ An, Long An (điểm trung bình tốt nghiệp của thí sinh Nghệ An là 6,03, điểm trung bình học bạ tương ứng với các môn thi là 7,74 điểm; Ở Long An con số này lần lượt là 6,30 và 8,0 điểm)

Tỉnh Quảng Ninh có độ chênh 1,69 điểm; Bắc Ninh 1,61 điểm; Hải Phòng 1,59 điểm; Hà Giang 1,65 điểm.

Tỉnh có điểm thi và điểm học bạ “vênh” ít nhất là Bình Dương với 0,32 điểm. Đáng lưu ý đây cũng là tỉnh luôn lọt vào trong danh sách 10 địa phương có điểm thi trung bình cao nhất về Toán, Ngữ Văn, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục Công dân và Tiếng Anh liên tục trong 4 năm liên tiếp từ 2017 đến nay.

Ngoài ra, có 16 địa phương khác có độ lệch dưới 1 điểm. Từ kết quả đối sánh mà Bộ GDĐT công bố, có thể các tỉnh đều có sự chênh lệch theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế. Ông Thành nhận định ở một số tỉnh ở vùng khó khăn có điểm thi thấp hơn điểm học bạ, khoảng chênh lệch giữa hai trường dữ liệu này cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi. “Việc điểm thi thấp hơn học bạ ở một số tỉnh vùng khó khăn có thể do thầy, cô cho điểm học sinh có phần linh động hơn để động viên các em có động lực cố gắng” - ông Thành nêu quan điểm.

Tuy nhiên, xét về tổng thể thì kết quả điểm thi và điểm học bạ vẫn có sự tuyến tính với nhau khi cả 2 đều đứng vị trí tốp cuối của cả nước. Từ kết quả này, những địa phương nào có sự chênh lệch rõ giữa điểm học bạ và điểm thi thì cần tiếp tục điều chỉnh quá trình dạy học để nâng cao hơn nữa chất lượng và đánh giá trong nhà trường cho sát với yêu cầu.

GS.TS Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nhận định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, công khai minh bạch. Qua đây phản ánh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, rất thành công, có sự phân hóa thí sinh, đạt các mục tiêu đề ra.

Mặt khác, cũng khẳng định rằng khi học sinh cả nước cùng tham dự một kỳ thi với chung đề thi, thì việc đánh giá học sinh sẽ sát hơn trình độ của các em, qua đó đồng thời cung cấp nhiều thông tin để các nhà trường, địa phương và ngành giáo dục điều chỉnh việc dạy và học, điều chỉnh việc kiểm tra đánh giá phù hợp hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, địa phương và toàn ngành.

Băn khoăn xét tuyển ĐH bằng học bạ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra muộn hơn so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Để chủ động, nhiều trường ĐH đã lên phương án tuyển sinh với các hình thức khác như xét học bạ, kết hợp với các chứng chỉ khác, các bài thi riêng… Điều này, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn tới đây các trường công bố dự kiến sẽ tăng cao hơn so với mọi năm.

Câu hỏi đặt ra là chất lượng của các thí sinh trúng tuyển bằng các hình thức khác có thực sự đảm bảo, nhất là với tiêu chí xét học bạ? Bởi qua mỗi kỳ thi, việc so sánh điểm thi của các thí sinh với điểm học bạ có sự vênh nhau rõ rệt. Đây là thực tế diễn ra nhiều năm và ở nhiều kỳ thi, không chỉ riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 mà các kỳ thi vào lớp 10, thi vào các lớp chọn, trường điểm…

Nhiều thí sinh sở hữu học bạ “đẹp long lanh” nhưng chất lượng chưa chắc đã cao. Thậm chí có những học sinh giỏi, điểm tổng kết toàn 9 với 10 nhưng bài thi thực tế chỉ đạt dưới mức trung bình – hiện tượng xảy ra cả ở những thành phố lớn chứ không chỉ các tỉnh thành vùng sâu, vùng xa… khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về việc xét tuyển bằng học bạ có đảm bảo chất lượng đầu vào của các nhà trường?

Nhất là khi năm nay, nhiều trường tốp giữa, thậm chí tốp trên cũng sử dụng hình thức này thay vì chỉ các trường top dưới sử dụng phương thức xét học bạ để tuyển sinh như các năm trước. Thậm chí nhiều trường xem đây là phương thức tuyển sinh chính.

Thu Hương