Rào cản thương mại với hàng hóa xuất khẩu
Nằm trong top xuất khẩu mạnh, song ngành gỗ cũng đối diện với hàng loạt khó khăn khi đang trở thành “tâm điểm” của các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Số liệu thống kê cho biết, chỉ từ năm 2018 đến nay, mặt hàng này đã vướng vào 4 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong khi giai đoạn 10 năm trước đó ngành này mới chỉ bị điều tra 3 vụ việc.
Đối diện 174 vụ kiện phòng vệ thương mại
Cánh cửa hội nhập rộng mở, cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam rất lớn song bên cạnh đó cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Đặc biệt khi các nước nhập khẩu đưa ra những biện pháp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Số vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng cho thấy, khi bước chân ra thị trường thế giới, hội nhập sâu rộng, các DN Việt cần phải rất cẩn trọng, trang bị cho mình những hành trang cần thiết để không bị “hớ” khi gặp phải những rủi ro, rào cản từ phía nước bạn đưa ra.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, không ít lần chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã nêu lên nhận định, việc gia tăng xuất khẩu với các sản phẩm hàng hóa có giá rẻ nhờ vào những điều kiện thuận lợi ở trong nước chính là một trong những nguyên nhân khiến cho DN Việt phải đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.
Quả thực, nếu nhìn vào con số 174 vụ việc nước ngoài khởi xướng phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, không ít DN sẽ cảm thấy nản lòng bởi những rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đưa ra là quá nhiều. Với 174 vụ việc khởi xướng, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong số này có 98 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 19 vụ việc điều tra chống trợ cấp còn 23 vụ việc điều tra chống lẩn tránh và 34 vụ việc là tự vệ.
Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ với tổng số 34 vụ việc, Ấn Độ với 26 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ việc, Canada và Australia với lần lượt 15 và 11 vụ việc.
Gỗ bị vướng nhiều rào cản
Đáng chú ý, trong khoảng 7 tháng trở lại đây, ngành gỗ nổi lên trở thành tâm điểm của các vụ kiện phòng vệ thương mại. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, dư luận đã chứng kiến 4 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong khi giai đoạn 10 năm trước đó, ngành này mới chỉ bị điều tra trong 3 vụ việc Không chỉ gia tăng nhanh về số lượng vụ kiện, giá trị kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm gỗ là đối tượng trong các cuộc điều tra cũng có xu hướng tăng cao.
Đơn cử, năm 2015, Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá với gỗ MDF của Việt Nam, xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang Mỹ năm 2019. Năm 2019, khi Hàn Quốc khởi xướng điều tra gỗ dán của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trị giá tới 170 triệu USD… Gần đây nhất, ngày 11/6/2020, Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp áp dụng với sản phẩm gỗ dán của Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này là khoảng 309 triệu USD, chiếm 5,8% tổng lượng.
Và như vậy, sau thép, ngành gỗ tiếp tục trở thành “tâm điểm” của các vụ kiện phòng vệ thương mại. Điều này đặt ra một vấn đề cho các ngành sản xuất trong nước, không chỉ riêng đối với ngành gỗ, đó là, hội nhập sâu rộng là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các nước đối tác đưa ra những biện pháp bảo hộ DN nội địa.
Để tránh nguy cơ bị áp dụng các loại thuế trên của Mỹ, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khuyến cáo, các DN xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam cần tham gia đầy đủ trong quá trình điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ để tự bảo vệ mình. DN Việt rất cần hợp tác chặt chẽ, nỗ lực trong trả lời, cung cấp đầy đủ các thông tin mà phía đối tác yêu cầu, qua đó chứng minh không có hiện tượng hàng Trung Quốc lẩn tránh qua Việt Nam để trốn thuế.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng như hiện nay, không riêng gì ngành gỗ, các lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Do vậy, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin từ VCCI, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan, xác định nguy cơ và tìm phương án phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra.