Có còn là đại diện của dân?
Sự việc ông Phạm Phú Quốc (Đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận) bị lộ thông tin mang hai quốc tịch Việt Nam và Cyprus (Síp) mà không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền đã khiến dư luận cả nước xôn xao. Ngành chức năng liên quan khẳng định sẽ sớm có kết luận và xử lý theo quy định.
Ông Phạm Phú Quốc thừa nhận hai quốc tịch
Hãng tin Al Jazeera (Qatar) đã đăng tải loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này. Điều này đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đáng chú ý, ông Phạm Phú Quốc (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, TP HCM) nằm trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu tại Síp.
Sự việc nhanh chóng gây xôn xao dư luận bởi ông Quốc đang là Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM.
Sự việc bại lộ, ông Phạm Phú Quốc đã thừa nhận mình có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, quốc tịch này do gia đình của ông bảo lãnh chứ không phải ông bỏ tiền ra mua.
Cũng theo ông Quốc, thời điểm ứng cử ĐBQH (tháng 5/2016), ông Quốc chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018 ông Quốc đã hai lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin thôi nhiệm vụ công tác (khi đang là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM), chuyển đến Thành ủy, UBND TP HCM.
“Khi biết tôi có làm đơn xin thôi nhiệm vụ, giữa năm 2018 gia đình tôi (vợ và con tôi đã có quốc tịch Síp trước đó) đã đề nghị với tôi và thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Síp cho tôi để tương lai khi tôi được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình”, ông Quốc chia sẻ trên Báo chí.
Ông Quốc khẳng định “tôi có quốc tịch Síp là do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD” và cho biết mình đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo ông Quốc, con trai ông học tập và đang làm việc ổn định tại Anh từ năm 2013. Đến năm 2017, vợ và con gái ông có nhu cầu ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai ông nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại Síp. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, giữa năm 2018 gia đình ông đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho ông tại Síp.
Được biết, ông Phạm Phú Quốc (SN 1968 tại Quảng Trị) từng giữ các chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV. Ngày 4/12/2019, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Ông Quốc trúng cử Đại biểu Quốc hội lần đầu năm 2016, khi đang là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM.
Có thể triệu tập họp bất thường để xử lý
Trao đổi với Báo chí, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ông nhận được phản ánh về việc đại biểu Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, bao gồm quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp, nên đã chỉ đạo xác minh thông tin.
Theo ông Túy, Ban Công tác đại biểu có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội các vấn đề liên quan về nhân sự, vì vậy, khi đại biểu nào đó thay đổi về lý lịch thì phải báo cáo với cơ quan này. Tuy nhiên, Ban Công tác đại biểu không nhận được báo cáo của ông Quốc về vấn đề quốc tịch.
Ông Túy cũng cho hay, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có hay không việc ĐBQH Phạm Phú Quốc sở hữu hai hộ chiếu, bao gồm hộ chiếu nước ngoài. Sở hữu hộ chiếu thứ hai vào thời gian nào. Sau đó, trên cơ sở xác minh, Ban Công tác đại biểu sẽ làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM. Sau đó, Hồ sơ sự việc gồm kết quả xác minh và ý kiến của các tổ chức liên quan sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, đoàn ĐBQH TP HCM đã yêu cầu ông Phạm Phú Quốc giải trình. Sau khi ông Quốc giải trình, Đoàn ĐBQH TP HCM sẽ trao đổi và báo cáo Thường trực Thành ủy TP HCM, đồng thời báo cáo Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.
Bà Châu khẳng định, tinh thần là sẽ có kết luận sớm nhất. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tham gia vào quá trình này theo đúng quy định của luật pháp.
Về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội đã ghi rõ, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri nơi ứng cử, đồng thời cũng đại diện cho quyền lợi của cử tri trên cả nước. Luật cũng ghi rõ, đại biểu Quốc hội là công dân của nước Việt Nam.
Theo đó, ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm khi nhập quốc tịch Síp từ năm 2018, nhưng lại không báo cáo trung thực với cơ quan có thẩm quyền.
Ông Tiến cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm xác minh, làm rõ và nếu rõ rồi phải xử lý kịp thời. Trong trường hợp này, không cần phải chờ đến kỳ họp Quốc hội tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thực hiện ngay trong phiên họp gần nhất, thậm chí họp bất thường.