Những ngày này, hòa chung với không khí kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, người dân làng Từ Vân (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật để cung cấp những lá cờ Tổ quốc đến mọi miền đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Bên cạnh việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại để năng suất cao hơn, song ở Từ Vân, một số hộ vẫn giữ gìn cách làm cờ truyền thống như gia đình chị Vương Thị Nhung 3 đời truyền nhau thêu cờ Tổ quốc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Chị Nhung năm nay 46 tuổi nhưng đã có hơn 30 năm chuyên thêu cờ Tổ quốc. Chị cho biết nhà chị đã có truyền thống may cờ 3 đời tại làng. Bố chị những năm trước phải học nghề may cờ rồi mới về truyền cho con cháu. Hơn chục năm trở lại đây, nhu cầu về cờ Tổ quốc tăng mạnh, gia đình chị trở nên tất bật hơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). “Ngày trước, cứ mỗi ngày, bố tôi sẽ chở cờ bằng xe đạp lên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) giao cho khách, 94 tuổi nhưng ông cụ vẫn đạp xe mấy chục cây số đi giao cờ. Ông cụ thọ 104 tuổi, cũng là những người đầu tiên đem nghề làm cờ về làng,” chị Nhung tự hào chia sẻ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Để hoàn thiện một lá cờ thêu tay, chị Nhung phải mất 3 - 5 ngày, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Những đường kim mũi chỉ phải đạt độ chuẩn xác cao vì cờ thêu được sử dụng trong các dịp lễ trang trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Chính vì vậy, giá thành của một lá cờ thêu tay từ 300.000-500.000 đồng tùy kích cỡ, cao hơn nhiều lần so với cờ được may bằng máy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Cũng theo chị Nhung, tiền thuê nhân công thêu cờ bằng tay cũng cao hơn so với nhân công may cờ, từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Lý giải nguyên nhân sao không dùng máy móc, chị Nhung cho rằng muốn giữ nghề truyền thống thêu "hồn Tổ quốc" cha ông để lại, truyền lại cho các thế hệ sau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Để thêu được một lá cờ đẹp phải trải qua các công đoạn pha vải, đo, cắt, chèn sao, may… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỷ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Để có thể sản xuất ra một lá cờ thêu tay, loại vải để làm cờ phải là vải sa mua từ làng La Khê (Hà Đông, Hà Nội). Vải phải dày dặn, màu đỏ tươi mới đem lại độ bền và chịu được nắng gió. Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Các loại cờ thêu cỡ đại được cũng được đặt làm hàng nghìn chiếc, chủ yếu sử dụng để duyệt binh trong quân đội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Chị Nhung cũng cho biết làm cờ may đơn giản hơn so với cờ thêu. Một ngày chị có thể làm ra hàng trăm chiếc cờ may, nhưng chiếc cờ thêu thì phải mất hàng tuần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Chị Nhung tự hào khoe về cô con gái năm nay mới 23 tuổi, nhưng cũng đã có hơn 11 năm kinh nghiệm trong nghề thêu cờ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Đây cũng là thế hệ thứ 3 của của gia đình tiếp nối nghề thêu cờ truyền thống. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Trải qua nhiều thăng trầm song những người dân làng Từ Vân vẫn duy trì công việc thêu và may những lá cờ Tổ quốc cung cấp cho khắp trong và ngoài nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Gần đến ngày Quốc khánh 2-9, gia đình chị Nhung phải liên tục sản xuất và vận chuyển cờ Tổ quốc đến phố Hàng Bông, con phố có truyền thống lâu đời bán các loại cờ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+). Sản phẩm cờ của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng ở Hà Nội mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).