Ngân hàng gấp gáp thanh lý ô tô đòi nợ
Đẩy mạnh mảng cho vay tiêu dùng cá nhân, cho vay mua ô tô, các ngân hàng giờ đang “ngậm quả đắng” đua nhau thanh lý ô tô với giá thương lượng để xử lý nợ.
Ngày 27/8 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đăng thông tin thanh lý tài sản thế chấp trên trang thông tin của mình về hai chiếc xe ô tô hiệu Chevrolet Nisan và Chevrolet Colorado với giá thương lượng để thu hồi nợ.
Chính ngân hàng này cũng đã thống kê, từ đầu năm đến nay đã thanh lý 73 phương tiện vận tải. Đặc biệt số lượng vận tải đăng ký thanh lý tăng vọt từ thời điểm tháng 6.
Không chỉ VIB cần thanh lý ô tô, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), cũng đã đăng thông báo thu giữ và thanh lý tới gần 70 xe ô tô các loại với giá chỉ từ 140 triệu đồng trở lên. Số xe này chủ yếu là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ bị chuyển sang nợ quá hạn từ đầu năm đến cuối tháng 4 vừa qua.
Tương tự, Techcombank cũng liên tục đăng nhiều thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là ô tô. Có thời điểm chỉ trong 1 ngày Techcombank đã phát thông báo bán đấu giá 4 chiếc ô tô, bao gồm 1 xe Mazda 6 với giá khởi điểm gần 763 triệu đồng; một chiếc Chevrolet Aveo giá khởi điểm 189 triệu đồng, cùng với 2 xe bồn hiệu Howo. Thống kê cũng cho biết, Tính từ tháng 7 đến nay, Techcombank đã thông báo bán đấu giá gần 30 xe ô tô các loại.
Tình trạng ngân hàng thanh lý tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo ngày càng nhiều, khi dịch bệnh Covid-19 quay trở lại khiến cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) thu hẹp sản xuất, thu nhập cá nhân bị giảm xuống do bị cắt giảm lương, thưởng. Do vậy nhiều khách hàng cá nhân, lẫn khách hàng DN không thể thu xếp được nguồn tiền để trả nợ cho ngân hàng. Trong khi đó, phía ngân hàng phải tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu, giảm thiểu tài sản không sinh lời. Việc thanh lý tài sản đảm bảo là cách duy nhất của ngân hàng.
Theo cán bộ bộ phận xử lý và thu hồi nợ của một ngân hàng, thời gian gần đây, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ đã khiến nhiều khách hàng mua xe ô tô trả góp không có dòng tiền, mất khả năng thanh toán, do đó, ngân hàng buộc phải thu hồi xe về bán thanh lý.
Nhưng có điều đáng nói, chính dịch Covid-19 cũng khiến cho việc bán hay thanh lý tài sản của ngân hàng bị gặp trở ngại.
Chúng tôi đã lật lại các ưu đãi của ngân hàng thời gian này thấy rằng, ngân hàng mời chào khách hàng vay vốn mua ô tô trả góp rất nhiều với lãi suất khá cạnh tranh. Xung quanh mức lãi suất từ 7,4%/ năm đối với vay mua ô tô và từ 7,5%/ năm vay mua nhà. Các nhà băng còn liên kết cùng các hãng xe để đẩy mạnh doanh số. Trong đó tài sản đảm bảo chính là xe mua hoặc tài sản khác của khách hàng.
Giai đoạn 2018, đầu năm 2019 mảng kinh doanh cho vay mua ô tô được coi là tiềm năng và có sự tranh giành thị phần quyết liệt giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, khi cơn bão Covid-19 càn quét, ngân hàng mới thấm nỗi đau của một thời. Bởi việc xử lý nợ quá hạn không hề dễ!
Theo quy định, ô tô mua trả góp buộc phải thế chấp giấy đăng ký gốc tại ngân hàng, còn việc quản lý tài sản đảm bảo là ô tô được giao cho khách hàng. Vì vậy, có một số trường hợp khách hàng mang ô tô đi thế chấp nơi khác hoặc đưa đi cầm đồ.
“Các hợp đồng thế chấp ô tô hiện nay thường đi kèm điều khoản nếu khách hàng tiếp tục cầm cố phải có ý kiến của ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không cầm cố tại ngân hàng mà tại các hiệu cầm đồ, không hỏi ý kiến ngân hàng nên khi khoản vay thành quá hạn, ngân hàng mới phát hiện, việc thu hồi nợ vì vậy trở nên khó khăn, ngân hàng phải làm việc nhiều lần với chủ xe và hiệu cầm đồ” - một cán bộ ngân hàng nói.
Được biết, hiện cho vay ô tô do 5 ngân hàng giữ thị phần lớn nhất là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.