Đào tạo nhân lực chăm sóc y tế miễn phí: Cơ hội cho lao động yếu thế
Đây là đánh giá của các đại biểu tại Tọa đàm trực tuyến “Nhân lực ngành chăm sóc 2020-2025” do Truyền hình Thông tấn (TTXVN) tổ chức ngày 30/8.
Theo ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), người lao động sẽ được hỗ trợ trong quá trình đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề chăm sóc viên. Sau khi kết thúc đào tạo sẽ được JHL Việt Nam bố trí việc làm trong nước tại hệ thống các bệnh viện đối tác như: Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Viện lão khoa trung ương… với mức lương từ 6,5 đến 10 triệu đồng/tháng.
GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Điều dưỡng của viện phải kiêm cả công việc của người chăm sóc đang là một áp lực quá lớn. Tại các bệnh viện, người nhà bệnh nhân thường phải thuê người chăm sóc ngoài, vừa tốn kém, vừa không đảm bảo vì họ không có chuyên môn, không được đào tạo. Nhu cầu có một đội ngũ những người chăm sóc người cao tuổi là vô cùng lớn.
Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn y học gia đình, Đại học Y Hà Nội cũng cho biết: Trung bình 1 người cao tuổi có thể mắc từ 3 đến 4 bệnh, thường là bệnh mãn tính và thường phải điều trị lâu dài và có đến 10% người cao tuổi phải phụ thuộc vào người khác, ăn cũng phải nhờ vào gia đình, sinh hoạt cũng phải nhờ vào gia đình…
Đứng trước nhu cầu của xã hội, từ cuối năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Tập đoàn JHL Việt Nam để cùng hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng thuộc khối ngành sức khỏe trên cả nước xây dựng mô hình tuyển dụng, đào tạo và cung ứng chăm sóc viên cho thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm.
Chia sẻ về mô hình này, ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) khẳng định, mô hình này sẽ là tiền đề để Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp và JHL Việt Nam nhân rộng giải pháp này ra các ngành nghề khác xã hội cần trong năm 2021. Đặc biệt, góp phần đảm bảo mục tiêu nhân rộng đào tạo nghề nhân viên chăm sóc (chương trình cơ bản) cho lao động nông thôn nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động sang lĩnh vực chăm sóc - dịch vụ; góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để làm việc trong và ngoài nước theo hợp đồng lao động.
Bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc chương trình Chăm sóc viên JHL Việt Nam cho biết: Khi tham gia vào mô hình Đào tạo và cung ứng chăm sóc viên, người lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ nhân viên chăm sóc tại hệ thống các trường CĐ Y tế do Tổng cục GGNN quản lý. Sau khi hoàn thành chương trình, các nhân viên chăm sóc này được JHL phái cử đi làm việc tại các bệnh viện/viện dưỡng lão/cơ sở khám chữa bệnh trong nước để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đồng thời trong quá trình này, JHL sẽ tiến cử người lao động vào các đợt tuyển dụng của các đối tác Nhật Bản.