Việc thiện giữa đời thường
Việc thiện là tài sản và là hành trang riêng trong cuộc đời mỗi người. Việc thiện nảy nở, sinh sôi giữa đại dịch, khiến con người gần gũi nhau hơn trong yêu thương lan tỏa.
Việc thiện cũng giúp vơi đi căng thẳng khi từng phút từng giờ phải đối mặt với tốc độ lây lan của các ca dương tính Covid-19 đầy nghiệt ngã. Nhưng không phải lúc nào việc thiện cũng thuận buồm xuôi gió. Bản thân người làm việc thiện cũng phải đối mặt với thách thức từ áp lực dư luận với những ý kiến trái chiều.
Có 3 sự kiện được dư luận quan tâm trong tuần qua là việc nguyên Chủ tịch UBND quận 1 (TP Hồ Chí Minh) Đoàn Ngọc Hải bỏ ra gần 1 tỷ đồng, mua xe cứu thương phuc vụ miễn phí bệnh nhân nghèo; người đàn ông quê Tây Ninh bị rắn độc cắn, cần giúp đỡ ở Bệnh viện Chợ Rẫy và em bé Cà Dong của vùng núi cao Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) vác cây măng lớn từ rừng về, hỗ trợ cho người dân tâm dịch Đà Nẵng.
Trong 3 sự kiện nêu trên, việc ông Đoàn Ngọc Hải xuất hiện trước Bệnh viện Ung bướu TP HCM cùng chiếc xe cứu thương mới với dòng chữ “xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí”, đã thực sự gây bất ngờ với nhiều người. Ông Hải là “gương mặt thân quen” qua chiến dịch làm sạch vỉa hè quận 1, TP HCM cách đây vài năm khi ông còn là Phó Chủ tịch UBND quận này, nên hình ảnh ông bên chiếc xe cứu thương mới mua, ngay lập tức được chia sẻ nhanh trên mạng xã hội, thu hút quan tâm đặc biệt của giới truyền thông.
Nhiều người ủng hộ ông Hải nhưng cũng có không ít người cho rằng ông “chơi ngông” hay cố tình tạo ra sự khác biệt để đánh bóng lại tên tuổi của mình. Lại có ý kiến tỏ ra thương cảm vì một người đã từng ở cương vị lãnh đạo quận trung tâm nhất của TP HCM giờ trở thành anh lái xe cứu thương, dặm trường gió bụi, khó cạnh tranh nổi với công cuộc kiếm ăn của vài ngàn lái xe cứu thương khác.
Cũng có những người từng là đồng nghiệp, cộng sự của ông trước đây bày tỏ nghi ngại khi mà theo ước tính mỗi chuyến xe chở bệnh nhân cùng người nhà về quê ở cách xa hàng ngàn cây số phải tiêu tốn vào chục triệu đồng, trong khi đó ông Hải lại “hoàn toàn miễn phí”. Ông Hải và chiếc xe cứu thương được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị cấp cứu (thậm chí cả bảo quản thi hài khi bệnh nhân qua đời); không cô đơn giữa cơn bão của đại dịch Covid-19, bởi chỉ cần ai đó tĩnh tâm, sẽ dễ dàng nhận thấy ông Hải cũng như bao nhiêu người đang làm công việc mà họ thấy cần phải làm là giúp đỡ các hoàn cảnh, mảnh đời còn khó khăn.
Người đàn ông nghèo, cần tiền nên liều mạng bắt rắn độc ở Tây Ninh chắc chắn không qua khỏi nếu như không có sự giúp đỡ của nhóm người trên chiếc xe ô tô “bị lạc đường”. Nhờ lái xe đi lạc mà họ phát hiện ra anh Phan Văn Tâm (36 tuổi, trú ở thị trấn Dương minh Châu, tỉnh Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cực độc cắn, đứng bên đường cầu cứu trong cơn nguy kịch. Trong khi những người khác đi qua dừng lại hỏi han đôi câu rồi bỏ đi thì người phụ nữ tên là Gấm thuê bao chuyến xe hôm ấy để đi lễ chùa; đã chấp nhận ngồi chờ ở ven đường để lái xe (tên là Thắng, trú tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đưa nạn nhân trong cơn thập tử nhất sinh đến bệnh viện.
Người phụ nữ tên Gấm ngay sau đó cũng dốc tiền túi và quyên góp từ người quen được tổng cộng 10 triệu đồng, trao cho chị Bùi Thị Tuổi (vợ người bắt rắn) mua thuốc men cấp cứu cho chồng. Cộng đồng xã hội sau đó cũng nhanh chóng quyên góp được 100 triệu đồng giúp vợ chồng người bắt rắn vượt qua cơn hoạn nạn, trang trải cuộc sống. Bên cạnh những tấm lòng, động cơ trong sáng làm viêc thiện, mạng xã hội cũng lan truyền, thêu dệt câu chuyện thiếu thiện ý về vợ chồng người đàn ông bắt rắn gặp nạn; thậm chí còn xuất hiện facebook giả mạo người quyên góp tiền để trục lợi!
Việc thiện bắt nguồn từ tầm lòng, nghĩa cử cao đẹp nên nó luôn luôn lấp lánh trong mọi hoàn cảnh. Rất dễ dàng bắt gặp ở tâm dịch Đà Nẵng hình ảnh người lao động nghèo đêm đến cho nhân viên làm nhiệm vụ ở các chốt trực cách ly phòng, chống dịch khi thì nải chuối, khi gói bánh với câu nói mộc mạc chân tình “ăn đi mà lấy sức!”.
Việc thiện đến từ hàng trăm nhóm thiện nguyện ra đời ở Đà Nẵng trong cơn bão dịch bệnh Covid-19 với dãy xe bán tải 0 đồng túc trực ngày đêm ở bệnh viện; hàng chục ngàn suất ăn miễn phí mỗi ngày cho người nghèo trong bệnh viện và các khu cách ly; hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tấn gạo thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà nẵng hỗ trợ cho người khó khăn…
Đáng chê trách đối với những ai chưa nhận thức hết về động cơ, ý nghĩa cao đẹp của việc thiện. Trong khi dư luận và cộng đồng dành cho cậu bé Cà Dong (thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) những lời lẽ đẹp nhất thì cũng có những ý kiến quy chụp thiếu thiện ý về tấm lòng người vùng núi khó khăn với tâm dịch Đà Nẵng.
Những quy chụp cực đoan trở nên lạc lõng trước hình ảnh cậu bé Cà Dong tên là Hồ Ánh Khiết có khuôn mặt, ánh mắt trong veo, vác trên vai búp măng rừng to, về xếp gọn ở nơi tập kết nông sản của xã để chia sẻ với nơi đang bị dịch bệnh hoành hành. Bức ảnh do một thầy giáo vùng cao tình cờ chụp được; đã lay động, lan tỏa đến hàng triệu người xem tình cảm ấm áp thân thương. Giữa cơn bão dịch bệnh Covid-19, những hành động, nghĩa cử đẹp đã và đang được nhân lên, lan tỏa trong đời sống xã hội, xóa nhòa mọi ranh giới, khoảng cách.