Mặt trận cùng cả nước chống đại dịch Covid-19

Lê Ái 03/09/2020 14:00

Đất nước đã bước sang năm độc lập thứ 75, nhìn lại hành trình của dân tộc, không ít lần phải đứng trước những thử thách sinh tồn và để vượt qua những thách thức ấy, luôn có sứ mệnh của người Mặt trận.

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã tiếp nhận 500 máy trợ thở trị giá 120 tỷ đồng từ Trường Đại học Văn Lang cùng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để trao cho Bộ Y tế.

Trong đại dịch toàn cầu Covid-19 cũng vậy, Mặt trận đã đứng lên kêu gọi từng người dân trong nước và ở nước ngoài chung tay, một lòng góp sức chiến đấu với dịch bệnh. Việt Nam đã và đang trở thành biểu trưng sức mạnh của tình đoàn kết trước thử thách mang tính toàn cầu.

1. Không phải chỉ đến thời điểm này, chúng ta mới thấy được mối hiểm nguy khủng khiếp của đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen trên tất cả các châu lục và hầu hết các quốc gia trên thế giới và nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh. Từ đầu tháng 3 đến nay, hầu hết người dân Việt Nam đều đặt mối quan tâm hàng đầu, hàng ngày là tình hình dịch bệnh đã lây lan như thế nào; Việt Nam có bao nhiêu ca nhiễm virus SARS-CoV-2; bao nhiêu người được chữa khỏi; cuộc sống ở khu cách ly tập trung như thế nào…

Trước những thử thách chưa từng có của đất nước, ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Sau đó liên tiếp là các chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ như Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 đưa ra những mệnh lệnh, yêu cầu người dân thực hiện những biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh.

Nhưng có lẽ điều phải kể đến là trước đó, ngày 17/3, được sự đồng ý của Ban bí thư Trung ương Đảng và thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động toàn dân phòng chống dịch Covid-19, cũng tại đây, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.

Hoạt động này diễn ra trong thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 cùng với những diễn biến mới đầy cam go thử thách, đã cho thấy tinh thần Mặt trận, tấm lòng Mặt trận trong những thời điểm khó khăn của đất nước.

Lời kêu gọi của Mặt trận như một ngọn lửa thắp lên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, mở đầu cho hàng loạt các phong trào chung tay ủng hộ công tác phòng chống dịch trên toàn quốc. Cánh cổng trụ sở Mặt trận từ trung ương đến các địa phương tấp nập những dòng người tìm về, mỗi người một tấm lòng gửi đến Mặt trận, bằng tình yêu, sự sẻ chia và niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng.

Chúng tôi nhớ mãi ánh mắt trong trẻo của cậu bé Lê Minh Tuệ, lớp 2H, Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, TP Hà Nội khi theo mẹ đến cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam để ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm 467 nghìn đồng mà cậu bé dành dụm từ ngày học mẫu giáo. Hay hình ảnh bà Nguyễn Thị Ba, 87 tuổi, ở thôn Kỳ Phong, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đi bộ, xách theo 5kg gạo cùng vài bó rau tìm đến tận điểm cách ly tập trung tại Trường Mầm non xã Thạch Đài.

Bà Nguyễn Thị Ba là mẹ liệt sĩ nên hơn ai hết bà là người thấu hiểu những gian khổ, hy sinh và mất mát khi phải đối diện với một cuộc chiến. Bà không có tiền, chỉ có dăm cân gạo cùng với mớ rau, trái cà trong vườn mang đến để động viên, chia sẻ với những người đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch.

Trong giai đoạn khó khăn của công tác phòng chống dịch, bên cạnh sự ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức thì nghĩa cử nhân ái của mỗi một người dân bình thường như cậu bé Lê Minh Tuệ hay cụ bà Nguyễn Thị Ba đã cho thấy những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều xuất phát từ tấm lòng của mỗi cá nhân nhỏ bé.

Nhờ sự đồng lòng ấy, ông Trần Thanh Mẫn- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã công bố con số hơn 2.200 tỷ đồng ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thông qua MTTQ Việt Nam các cấp. Nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì đây là con số ủng hộ lớn nhất từ trước đến nay.

Điều này thể hiện cho niềm tin của người dân vào sự công khai minh bạch của Mặt trận trong công tác tiếp nhận hỗ trợ và giám sát hỗ trợ. Nhưng lớn hơn cả một con số là những ân tình mà người Việt Nam đã dành dụm cho nhau. Đó cũng là tài sản vô giá, là truyền thống “tương thân tương ái” bao đời của người Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của toàn dân tộc lại dâng cao như lúc này.

Vì vậy, hơn 2.200 tỷ đồng chưa phải là con số cuối cùng vì người dân vẫn tìm đến Mặt trận để trao gửi tấm lòng, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Sau 3 tuần phát đi Lời kêu gọi, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao số tiền 150 tỷ đồng phân bổ đợt 1 cho Bộ Y tế. Ảnh: Quang Vinh.

2. Trong từng thời điểm cụ thể, công tác phòng chống dịch của nước ta nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ; sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng của toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”.

Cũng đồng nghĩa với việc này, trong từng thời điểm cụ thể, Mặt trận lại có thêm quyết sách mới, nhiệm vụ mới để đảm bảo sự thích ứng kịp thời với những biến động của từng giai đoạn, kề vai sát cánh cùng đất nước để vượt qua thử thách.

Đó là lúc, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ ra đời được xem như là phao cứu sinh đối với khoảng 20 triệu người gặp khó khăn do dịch Covid-19. Để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng, Mặt trận lại vào cuộc với trách nhiệm của người giám sát theo tinh thần Nghị quyết 42- NQ/CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân. Nhân dân chính là tai mắt soi chiếu những hành vi tiêu cực, tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân luôn có vai trò tích cực trong việc tham gia phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách ngay từ cơ sở.

Do vậy để chính sách kịp thời đến đúng đối tượng, không để xảy ra trường hợp nào có tiêu cực trong thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã nêu cao trách nhiệm của MTTQ, ngành Lao động Thương binh và xã hội, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải: “Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai”.

Trên tinh thần đó, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động Thương binh và xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ cũng như công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ra Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ, phòng chống dịch Covid-19, Mặt trận tiếp tục vào cuộc giám sát gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.

Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, đất nước lại bước sang một giai đoạn mới vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Ngay lúc này, Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai, khoá IX đã thông qua Nghị quyết về Vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết đã cho thấy trách nhiệm của tổ chức Mặt trận trong hệ thống chính trị mà còn thể hiện cho tinh thần Mặt trận, tấm lòng Mặt trận trong những bước chuyển mình quan trọng của đất nước.

Trước yêu cầu cấp bách, khẩn cấp trong phòng, chống dịch và phát huy tối đa nguồn đóng góp của nhân dân, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai, khoá IX, MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ cho phép được sử dụng một phần kinh phí mà Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp nhận được để hỗ trợ cho một số đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà không thuộc các đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15.

Đó là những người nông dân không tiêu thụ được sản phẩm; người lao động làm việc tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân đăng ký kinh doanh; các cơ sở giáo dục ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

3. Để thực hiện thành công hai nhiệm vụ vừa phòng chống dịch vừa phát triển phục hồi kinh tế có thể nói, ở vai trò là trung tâm kết nối của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận tiếp tục đặt ra trách nhiệm phải làm sao cho nhân dân hiểu rõ, quyết tâm và chủ động trong thực hiện hai mục tiêu này.

Nhất là khi “cơn bão“ Covid-19 quay trở lại Việt Nam, và bắt đầu bùng lên ở Đà Nẵng vào hồi cuối tháng 7, thì tại Hà Nội những tổ giám sát cộng đồng do Mặt trận thành lập tại các địa bàn dân cư lần lượt được ra đời và kích hoạt trở lại để hoạt động.

Tổ giám sát này như những chiếc “ăngten” di động đi từng ngõ, gõ từng nhà, để rà soát và kiểm soát sớm nhất những người trở về từ các địa bàn có dịch để bà con yên tâm và chủ động phòng dịch một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban Công tác Măt trận khu phố Nguyễn Xá 1, Phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, khi nhận được tin xảy ra dịch bệnh thì toàn bộ cán bộ Mặt trận cơ sở đã được huy động rà soát, khoanh vùng các đối tượng. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, lần này những cán bộ Mặt trận ở khu dân cư đã chia mọi việc một cách nhịp nhàng và đều tay hơn. Các thành viên Ban công tác Mặt trận còn được huy động vào tổ giám sát cộng đồng để giám sát các đối tượng cách ly sao cho hiệu quả nhất.

Theo ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, sau khi nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị của Thành ủy cũng như công điện của UBND thành phố thì Ủy ban MTTQ thành phố đã có văn bản chỉ đạo UBMTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống dịch.

Trong đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ sự phức tạp, khó lường của dịch bệnh trong giai đoạn 3 nhưng tuyệt đối không hoang mang trước dịch bệnh để có cách ứng xử một cách phù hợp nhất.

Không chỉ Hà Nội mà Mặt trận ở các tỉnh thành, nhất là những địa phương có ca lây nhiễm từ cộng đồng đã “kích hoạt” trở lại “hệ thống chống dịch” rất riêng của mình.

Bà Phạm Thị Thanh Thuỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, Mặt trận Thanh Hoá đã phối hợp với các bên liên quan thành lập các tổ giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh.

Toàn tỉnh Thanh Hoá thành lập 27 tổ giám sát cấp huyện, 559 tổ giám sát cấp xã và gần 4.500 tổ giám sát tại các thôn, bản, tổ dân phố; hàng chục điểm chốt kiểm soát dịch bệnh tại khu vực đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Trong đó có 5.019 cán bộ MTTQ các cấp tham gia Tổ giám sát cấp huyện, cấp xã, Tổ giám sát thôn, bản, khu phố để tăng cường tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào địa bàn và đôn đốc thực hiện việc cách ly và phòng, chống dịch.

Cuộc chiến chống Covid-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp các ngành, các cơ quan đoàn thể, nhưng cũng là trách nhiệm công dân của mỗi người.

MTTQ Việt Nam lại một lần nữa thể hiện trách nhiệm của mình trong những giai đoạn cam go thử thách. Công văn 1279 vừa được gửi đi 63 tỉnh, thành phố, trong đó Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Ban thường trực Ủy ban MTTQ các địa phương cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-9, để Mặt trận tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và sức khỏe của nhân dân.

Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Mặt trận các tỉnh tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid- 19 thời gian qua, nhất là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Hải Dương...

4. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, phải mất 2 năm, mới có thể khống chế được dịch Covid-19. Và ở Việt Nam, có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ “không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa” như sự đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả địa phương. Chiến lược chống dịch của Việt Nam là chiến dịch của nước còn nghèo. Cho nên, hơn lúc nào hết, cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng.

Có người nói rằng, Covid-19 là bài test trong cuộc đời này, nó như là phép thử đối với mỗi người, đó chính là ý thức, kỷ cương chấp hành quy định của pháp luật; là sự ứng xử, xử lý mọi tình huống trong cuộc sống, và còn là tinh thần đoàn kết để hướng tới lợi ích của cả cộng đồng.

Đoàn kết là sức mạnh vượt qua mọi lực cản. Và để kết nối, nhân lên tinh thần đoàn kết ấy, hơn lúc nào hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với sứ mệnh 90 năm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình trong giai đoạn gian khó này.

Nói như Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, “MTTQ Việt Nam tiếp tục xác định vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc phát huy sức mạnh, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức”.

Thống kê của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đến nay, toàn quốc đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá trên 2.200 tỷ đồng, trong đó UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp nhận hơn 1.100 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp nhận hơn 1.140 tỷ đồng. Hiện toàn bộ số tiền và hiện vật tiếp nhận ủng hộ từ các nhà tài trợ đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế chuyển đến các đơn vị mua các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ các cơ sở y tế, những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra kịp thời đảm bảo theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính.

THÔNG TIN TIẾP NHẬN ỦNG HỘ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
Thông tin chi tiết liên hệ:
-Đồng chí Trần Văn Sinh, Trưởng ban Phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam, ĐT: 0904.232095.
- Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thương, Phó Trưởng ban Phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam, ĐT: 0243.8256.327; DĐ: 0904.058.336, Email: hongthuong_tc@yahoo.com.
I. TIẾP NHẬN ỦNG HỘ QUA TÀI KHOẢN TẠI NGÂN HÀNG:
Tên Tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Số tài khoản: 1261.000.1122.666
Swiftcode: BIDVVNVX
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Ba Đình
II. TIẾP NHẬN ỦNG HỘ BẰNG TIỀN MẶT
Phòng KH-TC (109, 111), Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
46 Tràng Thi - Hà Nội.
Điện thoại: 0243 8256326; 02438256536; Đ/c Đinh Thị Thúy Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính 0904.321.618
III. ĐÓN TIẾP VÀ LÀM BẢNG BIỂN ỦNG HỘ:
Ban Phong trào cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam
46 Tràng Thi - Hà Nội.
Điện thoại: 0243 8256327; 0904.058.336

Lê Ái