Hồi sinh những con kênh nước đen
Từng là dòng kênh nước đen ô nhiễm, với những khu nhà ổ chuột đầy rác thải, nhưng sau khi được đầu tư, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP HCM) hôm nay đã cơ bản “hồi sinh”. Không những thế thành phố còn có thể mở được các tuyến du lịch đường sông để phục vụ du khách...
Hồi sinh dòng kênh chết
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với chiều dài khoảng 9 km đổ ra sông Sài Gòn tại bến Bạch Đằng, vốn là một trong những biểu tượng phồn hoa của đô thị Sài Gòn.
Trước đây, tên kênh được gọi là Bà Nghè, đặt theo tên của bà Nguyễn Thị Khánh, nguyên là trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Nguyễn Cửu Vân, thường gọi là bà Nghè. Bà Nguyễn Thị Khánh cũng có công là người đầu tiên xây cầu qua kênh cho dân đi lại. Về sau, cụ Vương Hồng Sển đã viết trong Phú Cổ Gia Định miêu tả rằng: “Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải/ Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai…”.
Thời cực thịnh, dòng kênh có bề rộng thênh thang, với ghe tàu chở hàng hóa, cây trái nườm nượp qua lại để cung cấp cho thương thuyền Sài Gòn. Trước khi bị Pháp chiếm vào năm 1859, bên cạnh khu chợ sầm uất cạnh Cầu Bà Nghè (cầu Thị Nghè ngày nay) còn có các ụ đóng tàu chiến cho quân binh chúa Nguyễn ở bến rạch Thị Nghè. Nơi đây cũng chứng kiến cuộc chiến giữa quân Pháp và quân nhà Nguyễn. Sau này, tại đài và bia trên đường ven kênh còn khắc khi công các chiến sĩ đã hy sinh ở mặt trận cầu Thị Nghè vào tháng 10 năm 1945 của giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Một công trình ghi dấu nhiều thăng trầm của lịch sử, thế nhưng thật đáng tiếc khi quá trình đô thị hóa từ những năm 70 của thế kỷ trước đã biến Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành dòng kênh chết, dòng nước đen ngòm cùng với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
Suốt một thời gian dài, hoạt động di dân từ các tỉnh đến sống học ven hai bờ kênh; nhiều công trình cơi nới, những khu nhà tạm hình thành lấn ra mặt kênh khiến nơi đây trở thành nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, ngày càng bị bồi lắng, với dòng đen ngòm và hôi thối. Con kênh “trắng hây hây” khi xưa nay được mệnh danh là “dòng kênh đen” hay “dòng kênh chết” của đô hội Sài Gòn. Mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của con kênh lịch sử cũng càng khiến chính quyền TP HCM không thể ngồi yên.
Từ năm 1993, UBND TP HCM có kế hoạch đầu tư cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với dự án đầu tiên là thực hiện giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ kênh. Tiếp sau đó, thành phố thực hiện cải tạo, nâng cấp hai tuyến đường ven kênh (sau này đặt tên là Hoàng Sa, Trường Sa) từ nguồn ngân sách còn eo hẹp.
Vào thời điểm đó, với quyết tâm rất lớn để “hồi sinh” dòng kênh “chết”, thành phố đã huy động tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, trong đó phần lớn dùng vào đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh. Phần còn lại được chính quyền thành phố dùng vào công tác nạo vét khoảng 260.000 m3 bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh,…
Đến năm 2003, chính quyền TP HCM tiến thêm một bước dài khi mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào cải tạo dòng kênh đen ô nhiễm bậc nhất thành phố. Trong đó, dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm cải tạo triệt để hệ thống nước thải ra kênh, được huy động từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), với số vốn hơn 300 triệu USD. Cùng với đó, dòng kênh được lắp đặt tuyến cống tiêu chuẩn chạy dọc ven kênh đến Trạm bơm xử lý nước thải của thành phố.
Khi vận hành, toàn bộ nước thải sinh hoạt của các khu vực dân cư ven kênh sẽ đi vào đường cống thải này, đảm bảo Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn chảy vào theo chế độ thủy chiều lên xuống. Công trình được đầu tư bài bải, với kỳ vọng nước kênh sẽ dần dần được cải thiện chất lượng và hồi sinh trở lại.
Khi các hệ thống đầu tư, cải tạo giai đoạn 1 tương đối hoàn chỉnh, năm 2011 lãnh đạo thành phố thời kỳ này tiến thêm một bước dài khi có quyết định tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa từ đoạn cuối đường Út Tịch (Q.Tân Bình) kéo dài đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1) là đoạn cuối đổ ra sông Sài Gòn, với mục tiêu biến hai con đường có ý nghĩa lịch sử này trở thành một trong những tuyến đường đẹp nhất của thành phố sau “đại phẫu”.
Công trình thế kỷ
Ngót nghét 20 năm thực hiện đầu tư, cải tạo với nhiều công trình đan xen quy mô lớn, với hàng chục ngàn tỷ đồng, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thực sự được hồi sinh.
Năm 2015, đích thân Chủ tịch UBND TP khi đó cùng các lãnh đạo thành phố đã tham gia lễ thả hơn 200.000 con cá các loại (cá chép, cá rô phi, cá trê, cá rô) xuống dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè. Cũng kể từ năm nay, thành phố định kỳ giao Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP tổ chức các đợt thả hàng tấn cá xuống kênh, để thể nghiệm kết quả của công cuộc cải tạo tuyến kênh được mệnh danh là đầu tư tốn kém nhất ở thành phố.
Sau đó, đại diện WB nhận định về cơ bản nguồn gây ô nhiễm cơ bản của dòng kênh đã được triệt tiêu, nước kênh trở nên sạch hơn, các loại cá đã bơi lội trở lại trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và các dự án đã thực sự góp phần thay đổi bộ mặt TP HCM, đồng thời mang đến lợi ích trực tiếp cho trên 1,2 triệu người dân sống hai bờ kênh.
Từ tháng 9 năm 2015, thành phố tiến thêm một bước nữa trên đường khẳng định sự hồi sinh hoàn toàn của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khi cho khánh thành hai bến thuyền trên kênh, nằm tại phường Đa Kao, quận 1, và khu vực phường 7, quận 3. Thành phố kỳ vọng sẽ biến các bến thuyền này thành nơi tổ chức các tour du ngoạn kết hợp nghe đờn ca tài tử dọc theo dòng kênh. Ngoài thể nghiệm các bến du thuyền, những năm gần đây TP HCM còn triển khai dịch vụ xe bus đường thủy dọc theo dòng kênh, thu hút được nhiều đợt khách du lịch và người dân tham gia trải nghiệm.
Việc đầu tư, cải tạo công trình thế kỷ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang bước vào giai đoạn cuối cùng, với Dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2). Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng TP HCM, dự án sẽ hoàn tất thi công và vận hành thử nhà máy từ năm 2019 - 2024 và vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ năm 2024 - 2029. Dự án này sẽ xử lý nước thải chuẩn loại A trước khi đổ ra sông Sài Gòn với công suất ban đầu vào khoảng 480.000 m3/ngày đêm, và có khả năng được nâng lên tối đa là 850.000 m3/ngày đêm sau khi dự án hoàn thành giai đoạn vận hành thể nghiệm giai đoạn đó.
Trước đó, trong giai đoạn 1 của dự án, được khởi công xây dựng từ năm 2003, đã giải ngân tổng vốn đầu tư 18 triệu USD, tương đương 8.600 tỷ đồng.
Kỳ vọng rất lớn vào kết quả của công cuộc đầu tư, cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong từng khẳng định, dự án khi được đưa vào sử dụng sẽ góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân thành phố nói riêng và đóng góp rất lớn vào quá trình khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái của sông Sài Gòn và lưu vực sông Đồng Nai. Đây là dự án vô cùng quan trọng, góp phần lớn để thành phố đạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh trong tương lai và trở thành một thành phố đáng sống.