Hạt gạo Việt Nam trên đường đến ngôi đầu

Hải Nhi 02/09/2020 09:00

Với một đất nước coi nông nghiệp là trụ đỡ, hiện là “thời điểm vàng” để Việt Nam thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xuất khẩu nông sản. Trong đó, mặt hàng gạo Việt đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới.

Hạt gạo Việt đã có mặt ở trên 150 thị trường.

Thời điểm vàng để quảng bá

Nếu như giai đoạn 1976-1987, Việt Nam còn phải nhập khẩu gạo của các nước cho tiêu dùng trong nước, thì đến năm 1989 đã trở thành nước xuất khẩu gạo. Như vậy, có thể thấy sau hơn 30 năm, từ chỗ thiếu đói, gạo Việt vươn lên vị trí hàng đầu thế giới trong xuất khẩu gạo. Sự chuyển mình của ngành lúa gạo Việt Nam được cả thế giới ghi nhận và xem đó là một kỳ tích.

Lượng gạo Việt Nam xuất khẩu những năm gần đây chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới và đã có mặt ở gần 150 quốc gia, vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Thời điểm này, dù dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới, trong bức tranh chung kim ngạch xuất khẩu của không ít mặt hàng nông sản tỷ USD như cá tra, hạt điều, cao su, rau quả... giảm mạnh thì xuất khẩu gạo thực sự là điểm sáng khi tăng cả về giá trị và sản lượng xuất khẩu. Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt trên 4 triệu tấn, tương đương 1,95 tỷ USD, giá trung bình 487,2 USD/tấn, tăng 0,6% về lượng, tăng 12,5% về giá và tăng 13,1% kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2019.

Đáng chú ý, mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam hiện từ 473 - 477 USD, cao hơn Ấn Độ 100 USD/tấn, hơn Pakistan 50 USD/tấn và cao hơn giá xuất khẩu gạo của Thái Lan 10 USD/tấn. Đây là lần đầu tiên giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn giá gạo Thái Lan. Ông Nguyễn Văn Đôn- Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, tỉnh Tiền Giang cũng xác nhận, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tốt hơn so với gạo của Thái Lan. Trong lịch sử hơn 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm đến 20 USD/tấn.

Ở góc nhìn chuyên gia, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay: Ngoài việc nhu cầu về gạo trên thế giới gia tăng liên quan đến lo ngại vì dịch bệnh Covid-19 thì sự tăng giá còn nằm ở chất lượng của gạo Việt Nam. Tuy nhiên, đi đôi với cơ hội luôn là những thách thức với gạo Việt Nam. Bởi thị trường EU đòi hỏi cao về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm… nên chất lượng vẫn là yếu tố then chốt cho xuất khẩu gạo. Như vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu, như giống gạo ST25 ngon nhất thế giới để “định vị” các sản phẩm gạo Việt Nam. Cùng với đó, cần xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cho xuất khẩu.

Có thể thấy, hiện là thời điểm vàng để Việt Nam quảng bá thương hiệu gạo Việt. Bởi cơ hội mở ra cho hạt gạo Việt Nam tiếp cận rộng hơn ở thị trường EU khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8-2020.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ): Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU thường là loại chưa qua chà xát, không có thương hiệu và chịu thuế nhập khẩu rất cao. Khi EVFTA có hiệu lực thì gạo thơm Việt Nam được ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn/năm. Đây thật sự là cú hích giúp gạo Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU. Một khi đã xuất được vào EU với thương hiệu riêng thì tên tuổi gạo Việt Nam sẽ được thế giới chú ý. Hơn nữa, phải khẳng định là Việt Nam có rất nhiều chủng loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới như ST24, ST25... đủ sức cạnh tranh với các loại gạo thơm từ Thái Lan, Ấn Độ.

Làm gì để xuất khẩu gạo bền vững?

Nhưng cũng có một nghịch lý, dù nhiều năm qua, Việt Nam liên tục nằm trong top ba quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, hạt gạo Việt đã có mặt ở trên 150 thị trường. Thực tế là hạt gạo Việt Nam không gắn nhãn Việt Nam hay doanh nghiệp Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng. Lý do bởi hạt gạo Việt Nam hầu hết vẫn là loại “hàng xá” đóng bao 50kg hoặc hàng container chứ không có thương hiệu cụ thể, do đó hạt gạo Việt “mất hút” tại các thị trường nhập khẩu.

Mặt khác những năm qua trong khi các loại gạo thơm Thái Lan được bán 1.200 - 1.300 USD/tấn từ rất lâu thì giá xuất khẩu các loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới của Việt Nam vẫn chưa tới 1.000 USD/tấn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa biết cách “làm giá”, luôn trong tâm thế muốn phá giá để bán được hàng nhanh mà chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích của người trồng lúa.

Bên cạnh đó, mặt hàng gạo Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn. Đó là, năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo còn hạn chế. Một nguyên nhân sâu xa hơn là Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho từng DN dưới bệ đỡ là thương hiệu quốc gia. Chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao một cách mạnh mẽ trên thương trường quốc tế dù sản xuất lúa gạo đứng đầu thế giới. Tới các nước, chúng ta thấy hàng loạt thương hiệu của DN được xây dựng trên nền tảng thương hiệu quốc gia, chúng ta thì chưa có. Các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Người tiêu dùng cuối cùng chủ yếu biết đến gạo Việt thông qua một thương hiệu khác…Muốn khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thế giới, các nhà xuất khẩu phải đồng lòng, kiên quyết đàm phán giá bán tương xứng với giá trị, chất lượng hạt gạo, đồng thời chia sẻ lợi nhuận với người trồng lúa, giúp ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.

Nói như TS Nguyễn Đăng Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, những hạn chế trên và cần hành động ngay để khắc phục. Để rộng đường cho hạt gạo Việt Nam ra thế giới thì vấn đề đặt ra là phải làm sao để người tiêu dùng thế giới biết đến giá trị của gạo Việt Nam. Làm thương hiệu không phải để bán được nhiều gạo hơn, mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, doanh nghiệp và cho nông dân trồng lúa.

Phải chiếm được lòng tin của khách hàngTS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: Cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu DN. Khi có thương hiệu thì phải biết giữ gìn nó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng.
Chiếm lĩnh thị trường bằng cách nào?Mặc dù đang nắm nhiều lợi thế, song để đạt ngôi vị quán quân về xuất khẩu gạo thì sự cạnh tranh không hề nhỏ. GS Võ Tòng Xuân phân tích: Thái Lan đang có nhiều khách hàng hơn Việt Nam. Hệ thống sản xuất lúa gạo cũng rất bài bản, trong khi nông dân Việt Nam vẫn mạnh ai nấy trồng. Muốn chiếm lĩnh thị trường, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách sản xuất. Nông dân phải liên kết với nhau trong một hợp tác xã. Hợp tác xã liên kết với DN và DN cũng phải xông xáo chào hàng ra thị trường, cho người tiêu dùng thế giới thấy gạo Việt Nam ngon không thua gạo Thái.

Hải Nhi