Việt Trì - Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt

Tùng Duy 01/09/2020 18:00

Việt Trì – thành phố tỉnh lỵ của Đất tổ Phú Thọ, đất cội nguồn phát tích lịch sử huy hoàng của cả dân tộc Việt, đang phát triển năng động cùng cả nước mà vẫn giữ được nét hiền hòa, duyên dáng của đô thị sạch đẹp, hiện đại.

Một góc thành phố Việt Trì ngày nay.

Việt Trì là vùng đất các Vua Hùng chọn làm kinh đô nước Văn Lang, nơi hội tụ khí thiêng sông núi có vị trí rất đặc biệt, nơi giao hòa tam giang (sông Hồng, sông Ðà, sông Lô) và trấn trụ bởi đại sơn Nghĩa Lĩnh. Chính từ đây, các cộng đồng dân tộc Việt đã mở đầu công cuộc dựng nước với thời đại Hùng Vương huy hoàng. "Đất cội nguồn nuôi chí lớn ông cha” có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và hào hùng, hiện còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, và những dấu tích khảo cổ quan trọng. Điểm nhấn lớn nhất của Việt Trì chính là Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Ðền Hùng, nơi hằng năm đón hàng triệu lượt du khách tụ về Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tỏ lòng thành kính, tri ân Tổ Tiên của cả dân tộc Việt Nam.

Nằm ở vị trí thuận lợi nối liền các tỉnh miền núi phía bắc với Hà Nội, Việt Trì những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã được Bác Hồ chọn đặt xây dựng thành phố có khu công nghiệp đầu tiên của miền Bắc khi bước vào xây dựng xã hội chủ nghĩa. Về thăm Việt Trì năm 1962, Bác nói: "Đây là khu công nghiệp đầu tiên của cả nước, làm cơ sở của CNXH. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của đất nước. Vinh dự này thuộc về các cô, các chú đang xây dựng Đất Tổ...".

Liên tiếp hàng thế hệ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, và đặc biệt hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân Đất Tổ đã đoàn kết, kiên cường, năng động, sáng tạo vượt mọi khó khăn, thử thách, bước vào xây dựng thành phố Việt Trì như một vinh dự và trọng trách lớn nhất. Từ đây, thành phố công nghiệp với những sản phẩm như giấy, đường, hóa chất, sứ, vật liệu xây dựng, đã tiếp sức cho nền kinh tế nước nhà, góp phần đánh thắng giặc Mỹ, và tiếp tục nâng tầm diện mạo, sức sống kinh tế xã hội thành phố trong thời kỳ mới.

Hàng triệu lượt du khách trong nước và kiều bào Việt Nam từ nước ngoài hành hương về Đất Tổ hằng năm).

Việt Trì ngày nay đã là đô thị loại 1 và được Chính phủ phê duyệt mục tiêu, giải pháp xây dựng “Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa xã hội. Một thành phố khang trang, quy hoạch hiện đại và hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành hai di sản của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan ở Phú Thọ”, đáp ứng tình cảm, nguyện vọng, nhu cầu văn hóa tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, góp phần củng cố tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt. Về thăm Đất Tổ, bất kỳ ai ghé qua miếu Lãi Lèn mà đắm tình thắm lễ với câu Xoan làn Ghẹo, hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đình cổ Hùng Lô mà cảm nhận nét xưa, hoặc may mắn chứng kiến lễ rước kiệu dịp Giỗ Tổ, có thể thấy mỗi công dân vùng đất này đang là chủ thể thực hành nghi lễ, đang rất tự hào là người gìn giữ, trao truyền và làm sống động giá trị nguyên bản của di sản quê hương, dân tộc Việt. Và chính người Đất Tổ đang tạo lập nên thành phố sinh thái thực sự chất lượng “một Việt Trì xanh, sạch, đẹp, bình yên” – xứng đáng là vùng đất cội nguồn.

Chưa đến 1 giờ xe chạy từ Hà Nội đã chạm cửa ngõ Thành phố Việt Trì. Những con phố đan ô thẳng tắp được đặt tên gợi nhớ cội nguồn như Âu Cơ, Lạc Hồng, Tiên Dung, Tản Viên, Bạch Hạc. Những cây cầu hiện đại kết nối giao thông liên vùng như Văn Lang, Việt Trì, Sông Lô xe qua vun vút. Và sức sống phát triển kinh tế xã hội đã tạo nên những tiêu chí quan trọng đưa Phú Thọ trở thành vùng Thủ đô – điều kiện nền tảng tạo sức bật cho Thành phố hôm nay.

Hát Xoan ở Phú Thọ là di sản của nhân loại.
Hát Xoan ở Phú Thọ là di sản của nhân loại.

Diện mạo một đô thị hiện đại với công viên, quảng trường, khu thương mại dịch vụ, chợ trung tâm và các khu đô thị mọc lên, Việt Trì trở nên khác biệt so với ngày nào của một thành phố nhiều khói bụi. Hiện mạng lưới phân phối hàng hóa của Việt Trì phát triển đa dạng với 2 trung tâm thương mại, 8 siêu thị lớn, hàng chục cửa hàng chuyên doanh, tổng hợp, 18 chợ và 778 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thành phố đầu tư nhiều dự án hạ tầng dịch vụ du lịch như: quảng trường Hùng Vương, công viên Văn Lang, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Sài Gòn – Phú Thọ. Đẩy mạnh xây dựng đô thị nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời vùng Đất Tổ, chỉ 5 năm qua, Việt Trì huy động hơn 45.000 tỷ đồng đầu tư toàn xã hội, trong đó nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng gần 28.000 tỷ đồng (nâng cấp gần 134 km giao thông nội thị, 83% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa). Thành phố đã hoàn thành Trung tâm điều hành đô thị thông minh và hệ thống 200 camera giám sát giao thông và khu vực công cộng, xây dựng trạm dừng nghỉ đỗ xe, vệ sinh…

Đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XXI tiếp tục xác định xây dựng đô thị văn minh, hiện đại là khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn tới. Trong đó thể hiện rõ nhất từ quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng phong cách công dân thành phố Việt Trì “Thanh lịch, thân thiện, mến khách, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ”. Thành phố đã tập trung đầu tư tôn tạo, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, tổ chức đa dạng văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống gắn với hai di sản, quy hoạch và xây dựng tuyến phố chuyên doanh, ẩm thự và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Việt Trì đón hơn 8 triệu lượt khách tham quan, lưu trú, góp phần tăng tỷ lệ ngành dịch vụ lên 45,2%.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Mạnh Sơn, Bí thư Thành ủy Việt Trì, khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ quyết tâm thực hiện 3 khâu đột phá về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 47.000 tỷ đồng trở lên với tổng thu ngân sách đến năm 2025 đạt trên 1200 tỷ đồng.

Việt Trì sẽ tập trung vào 5 giải pháp chính gồm: phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế theo hướng bền vững, lấy thương mại, dịch vụ là động lực; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tùng Duy