Mốc son mới trong chặng đường xây dựng và phát triển Thanh Hóa
Nghị quyết 58 có một ý nghĩa hết sức quan trọng, là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 31/8/2020, tại Thanh Hóa, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế tăng trưởng cao (bình quân trên 10%/năm), luôn thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt; quốc phòng, an ninh củng cố vững chắc…
Những thành tựu này rất quan trọng và đáng tự hào, tạo nên diện mạo phát triển mới cho Thanh Hóa. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế và năng lực nội sinh của Thanh Hóa, nhất là tiềm năng con người và chiều sâu văn hóa - lịch sử còn rất lớn. Nếu phát huy hiệu quả những tiềm năng này, thì Thanh Hóa còn phát triển nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa, và đóng góp quan trọng hơn nữa vào phát triển chung của đất nước.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện, sâu sắc các mặt về Thanh Hóa, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển Thanh Hóa. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã xác định rõ 5 quan điểm cho Thanh Hóa. Thanh Hoá là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ.
Vai trò, vị trí chiến lược của Thanh Hoá trong vùng và cả nước; chỉ ra tầm nhìn cho Thanh Hoá đến năm 2045 theo lời căn dặn của Bác Hồ. Tiềm năng, lợi thế; các trụ cột phát triển và triết lý phát triển của Thanh Hoá.
Mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là trung tâm của vùng và cả nước: Công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ logistics, du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao. Đặc biệt, Thanh Hóa phải là cực tăng trưởng mới trong tứ giác tăng trưởng. Người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hoá và lịch sử được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng và an ninh được bảo vệ vững chắc; các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa phải trở thành “Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”. Trong đó phải đảm bảo, phát triển toàn diện các ngành kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển hài hoà giữa các vùng, miền; thành thị và nông thôn. Phát triển nhanh, đột phá nhưng bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường). Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 là kết tinh những nỗ lực rất to lớn của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Thanh Hóa trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua, đồng thời là sự quan tâm sâu sát của Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa.
Nghị quyết có một ý nghĩa hết sức quan trọng, là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa, và còn là một mốc son để khẳng định vai trò quan trọng của Thanh Hóa trong những đóng góp đổi mới, phát triển của cả đất nước chúng ta. Nghị quyết đặt ra cho Thanh Hóa phải là một cực phát triển để tạo ra một tứ giác phát triển trên nền tảng tam giác phát triển là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Với sự phát triển của Thanh Hóa thì Thanh Hóa trở thành một cực phát triển, một động lực phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ, tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Bộ với tứ giác phát triển, đồng thời tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa với Duyên hải Bắc Bộ cũng như với vùng Tây Bắc.
Có nghĩa là với sự phát triển của Thanh Hóa, tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của hầu như toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Điều đó cho thấy, Nghị quyết này không chỉ dừng lại việc phát triển cho Thanh Hóa mà còn góp phần thúc đẩy, lan tỏa cho các tỉnh trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị: Làm sao cho người dân cũng đồng tình ủng hộ và nắm chắc chương trình này, để qua đó người dân sẽ đồng hành, sẽ tham gia, sẽ ủng hộ các nội dung trong Chương trình, nhưng đồng thời người dân cũng sẽ giám sát các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền trong việc quán triệt Nghị quyết.
Để làm sao qua hàng năm, qua từng thời kỳ, người dân Thanh Hóa sẽ là người được thụ hưởng thành tựu của quá trình phát triển này - như vậy Nghị quyết mới thực sự đi vào cuộc sống, mới thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong Nghị quyết.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá cho biết, để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị và tổ chức triển khai thực hiện, ngày 27/8/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 215-KH/TU nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.
Mục đích: Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo những bước phát triển toàn diện, đột phá của tỉnh theo đúng quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết.
Chương trình cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết của Bộ Chính trị thành các mục tiêu, chỉ tiêu, các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, các đề án, chương trình trọng tâm, khâu đột phá, các dự án lớn, các nghị quyết của cấp ủy để tổ chức thực hiện; gắn việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của các cấp ủy đảng trong tỉnh.
Chương trình hành động phải thể hiện được vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Với tinh thần đó, ông Trịnh Văn Chiến mong muốn bên cạnh sự ủng hộ, tạo điều kiện của Trung ương thì các thế hệ lãnh đạo của Thanh Hóa, toàn thể quân và dân Thanh Hóa tiếp tục đóng góp, thực hiện quyết liệt hơn nữa để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trong Nghị quyết cũng như tổ chức thực hiện.