Tình nghệ sĩ trong kháng chiến
Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Văn Lưu (1917- 2003) quả thật xứng đáng là người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến. Ông tham gia kháng chiến và bắt đầu chụp các văn nghệ sĩ từ khi Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời. Xem lại những bức ảnh về một thời chưa quá xa ấy cứ thấy ấm áp cái tình nghệ sĩ trong thời kỳ mà người ta sẵn sàng bỏ bớt cái tôi, sẵn sàng lo cho nhau, tin ở nhau…
Tháng Tám về, mùa thu đã về. Trên tay tôi là cuốn sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” do hai tác giả Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Trần Chính Nghĩa - con trai nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu biên soạn. Từng trang sách mở ra như tham gia một hành trình ngược dòng thời gian trở về với mùa thu cách mạng của hơn 70 năm trước, khi ấy Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam) mới thành lập.
Có một dấu mốc không thể không nhắc tới: Trong hai ngày 17 và 18/11/1949, tại Việt Bắc, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị đầu tiền của các nhà nhiếp ảnh. Hội nghị quyết định thành lập Đoàn Nhiếp ảnh Việt Nam, thông qua điều lệ, chương trình hoạt động và bầu Ban Chấp hành, gồm các nhà nhiếp ảnh: Vũ Năng An, Hồng Tranh, Trần Văn Lưu, Bàng Bá Lân, Đinh Đăng Định, Lương Xuân Nhị, Đỗ Văn Thành.
Ở tuổi 32, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã nhanh chóng hòa mình với đời sống văn nghệ và chuyên tâm chụp văn nghệ sĩ. Ống kính máy ảnh của Trần Văn Lưu đã lưu lại nhiều chân dung văn nhân một thời, bằng những nét hào hoa và đặc biệt nhất.
Hơn 200 bức ảnh trong sách cho chúng ta thấy những câu chuyện về một thời văn nghệ trong trẻo. Đồng thời ta có thể gặp lại những bức ảnh chân dung “rấ lạ” về những văn nghệ sĩ một thời, như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Tô Ngọc Vân…
Bây giờ, trong căn phòng ở số 11 phố Hàng Bông (Q. Hoàn Kiếm - Hà Nội), ông Trần Chính Nghĩa - con trai NSNA Trần Văn Lưu, vẫn còn lưu giữ rất cẩn thận những tấm phim nhỏ xíu. “Cha tôi mất tháng 2/2003” - ông Nghĩa nhớ lại - “Trước khi mất, điều ông căn dặn các con là bằng mọi giá phải giữ được hòm phim, ảnh ông đã chụp và khi điều kiện cho phép, thay ông in những bức đó thành sách để mọi người cùng xem, cùng biết. Cũng phải sau 15 năm cha tôi mất, sau nhiều lần “gõ cửa” nhiều nơi, tôi đã gặp được anh Nguyễn Huy Thắng. Khi tôi cho anh ấy xem những bức ảnh của cụ để lại thì gần như ngay lập tức anh đề nghị gia đình phối hợp với NXB Kim Đồng in thành sách…”
Còn ông Nguyễn Huy Thắng tiết lộ, để xử lý kho ảnh và hoàn thành bản thảo cuốn sách, ông đã mất gần nửa năm. Khi xem lại kho ảnh của NSNA Trần Văn Lưu, ông Thắng nhận ra một điều: Các gương mặt văn nghệ sĩ hiện ra mỗi người mỗi vẻ, không ai lẫn với ai. Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... đều mỗi người một cốt cách, một phong thái, cũng khác biệt như phong cách sống và sáng tác của họ vậy. Cả nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng vậy. “Đặc biệt ai nấy đều rất có nội tâm, có cái gọi là chiều sâu của tâm hồn mà người chụp phải rất hiểu người mình chụp mới nắm bắt được. Nhưng đồng thời họ lại có những nét gì đó rất chung. Tôi nghĩ đó là vẻ bình dị, chân thành, hồn hậu của những người đồng lòng, đồng chí, sống với nhau chan hòa để cùng lo việc chung, toát ra qua mỗi cử chỉ, sắc thái của họ trong bức ảnh. Những biểu cảm hết sức tự nhiên mà nếu không phải xuất phát từ đáy lòng thì khó mà “diễn” được. Theo tôi, đời sống văn nghệ trong kháng chiến có một điểm nổi bật. Đó là các văn nghệ sĩ tuy nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu về tâm hồn, tình cảm, rất phong phú về nội tâm, tính cách” - ông Thắng nhận xét.
Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu, biên soạn những cuốn hồi ký, nhật ký của văn nghệ sĩ thời kháng chiến, đặc biệt là bộ “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng”, ông Thắng có dịp tìm hiểu kỹ về đời sống văn nghệ sĩ ở chiến khu. “Qua nhật ký của cha mình, tôi biết rằng hồi ấy các ông sống rất gắn bó, lo cho nhau, tin ở nhau. Mặc dù ai nấy đều có cái tôi riêng, thậm chí là có cách nghĩ, cách làm việc khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở những nét lớn, nét chính, đó là vì việc chung. Điều này chỉ có được khi người ta tin tưởng nhau, tôn trọng nhau”.
Đánh giá về di sản ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu là một việc làm cần thiết và hữu ích với thế hệ đi sau. Ông Nguyễn Huy Thắng nhận xét: Tôi rất trân trọng gia đình nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu khi đã bảo quản, xử lí các bức ảnh của ông tốt một cách không ngờ. Chắc chắn đây là một ý thức trân trọng các giá trị văn hóa, tinh thần đã được truyền lại từ chính nhà nhiếp ảnh!
Cũng theo ông Thắng, khi tiếp cận với kho ảnh mà NSNA Trần Văn Lưu để lại, điều khiến ông ấn tượng nhất đó chính là tính hệ thống. “Ở đây không chỉ có ảnh chân dung mà cả ảnh sự kiện, không chỉ có ảnh các văn nghệ sĩ và hoạt động của họ mà cả ảnh về bộ đội, thiếu sinh quân, về công tác y tế và cả những người dân thường... Riêng về các văn nghệ sĩ thì lại càng đáng nể. Không chỉ một vài người mà hầu hết các văn nghệ sĩ có tên tuổi ở Việt Bắc đều hội tụ qua ống kính của nhà nhiếp ảnh. Không chỉ một, hai ảnh mà có khi đến 5, 7 bức mỗi người, như loạt ảnh chụp vợ chồng nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Tuân... Thực tế, tôi đã biên soạn thành những “phóng sự ảnh” của không ít văn nghệ sĩ, với sự xâu chuỗi bằng các lời dẫn hoặc ghi chú cần thiết để làm rõ thêm”- ông Thắng nói.
Đánh giá về hơn 300 bức ảnh NSNA Trần Văn Lưu để lại, ông Thắng khẳng định, đó là những tư liệu lịch sử vô giá. “Những bức ảnh đó đã có một quãng lùi thời gian tới 70 năm, lại là ảnh về những gương mặt hàng đầu của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại, gắn với những nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ tài danh của đất nước ở vào một thời điểm mà tất cả đều phơi phới hiến mình cho cách mạng và kháng chiến. Vì thế đó là những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá. Mặt khác, các nhà chuyên môn về nhiếp ảnh cũng nên quan tâm thêm về giá trị nghệ thuật của những bức ảnh đó, những bức ảnh mà người nghệ sĩ Trần Văn Lưu đã bằng tâm huyết ghi lại chỉ với hai sắc màu đen trắng”, theo ông Thắng.
Trong cuốn sách có nhắc đến địa chỉ văn hóa 11 Hàng Bông (Hà Nội) là nơi ở của gia đình NSNA Trần Văn Lưu, cũng là nơi rộng mở cho văn nghệ sĩ đến đàm đạo. Từ tình cảm bạn bè trân quý, cùng nhau trải nghiệm mọi vui buồn thời cuộc, ống kính của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã “bắt” được những khoảnh khắc vàng, bừng sáng cái tôi của mỗi gương mặt nghệ sĩ, lưu lại những chi tiết sống động nhất của hiện thực kháng chiến. Đằng sau mỗi bức ảnh in hằn dấu ấn thời gian, là tình cảm thao thiết với văn nghệ, yêu cái đẹp và biết ơn cuộc sống mà ông Trần Văn Lưu gửi gắm.
NSNA Trần Văn Lưu sinh ngày 10/1/1917 ở phố Hàng Sắt, Nam Định. Năm 1949, Trần Văn Lưu tham gia Hội Văn nghệ Việt Nam - ngành Nhiếp ảnh và được bầu vào Ban Chấp hành. Ở cương vị mới này, ống kính Trần Văn Lưu càng có điều kiện bám sát các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam. NSNA Trần Văn Lưu qua đời năm 2003. Năm 2004, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba.