Nam sinh sáng chế máy đo thân nhiệt tự động

03/09/2020 09:34

Nguyễn Đặng Quốc Hưng, học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chế tạo máy đo thân nhiệt tự động phục vụ kỳ thi tốt nghiệp.

Hai máy đo nhiệt độ tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Video: Đắc Thành.

Chiều 2/9, thí sinh đến điểm trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT đợt hai bất ngờ khi không phải đo thân nhiệt bằng máy cầm tay và lấy nước sát khuẩn.

Cổng trường được bố trí 10 máy sát khuẩn tự động, thí sinh chỉ việc đưa tay vào thì nước sát khuẩn chảy ra, sau đó tiến đến hai máy đo thân nhiệt tự động. Lần lượt thí sinh cho phần trán áp sát máy, sau hai giây thì nhận được kết quả.

Nguyễn Đặng Quốc Hưng - người sáng chế ra đo thân nhiệt tự động. Ảnh: Đắc Thành.

Chiếc máy do Nguyễn Đặng Quốc Hưng sáng chế. Ý tưởng xuất phát từ việc trường Nguyễn Bỉnh Khiêm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt một ngày 9-10/8, nhân viên y tế phải đo thân nhiệt cho thí sinh bằng dụng cụ cầm tay, vừa mất thời gian, vừa không an toàn. Máy tự động sẽ giải quyết được việc này.

Hưng đưa ra ý tưởng và được lãnh đạo nhà trường, gia đình ủng hộ, tạo điều kiện sáng chế. Quá trình thực hiện, Hưng được một số giáo viên tham gia góp ý. Sau một tuần viết chương trình và một ngày thiết kế, lắp ráp, hai chiếc máy đo thân nhiệt tự động hoàn thành. Sau thời gian thử nghiệm và so sánh đo thân nhiệt với máy cầm tay cho kết quả đúng, máy được lắp đặt.

Hệ thống máy của Hưng nặng khoảng 0,5 kg, sử dụng cảm biến nhiệt độ ánh sáng, chíp tốc độ cao để xử lý dữ liệu. Khi đưa trán vào máy, cảm biến hồng ngoại sẽ xác định có người đo và cảm biến nhiệt độ sẽ tiến hành đo, dữ liệu đưa về chíp để xử lý, đưa thông số ra màn hình.

Khi nhiệt độ người đo quá cao, máy sẽ tự động phát tín hiệu báo động. Quá trình vận hành, máy chỉ đặt ở một điểm tựa và không cần người điều khiển.

Ngoài hai máy tự động đo nhiệt độ, 10 máy rửa tay sát khuẩn tự động do Hưng sáng chế cũng được lắp đặt để phục vụ thí sinh.

Nhiệt độ được báo lên màn hình chiếc máy. Ảnh: Đắc Thành.

Hưng mong muốn được các chuyên gia, nhà khoa học giúp đỡ khắc phục nhược điểm của máy là chưa thể tự động tính toán nhiệt độ môi trường, phải chỉnh bằng tay mỗi giờ một lần, và có cơ quan y tế công nhận máy này đạt chuẩn đo nhiệt độ chính xác.

Là học sinh lớp chuyên Vật lý, Hưng cùng thầy giáo từng sáng chế máy tập phản xạ trong môn cầu lông, đoạt giải nhất tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Sau máy đo thân nhiệt tự động, Hưng ấp ủ ý định sáng chế một số công trình, dự án có liên quan đến điện tử, vì Hưng vốn đam mê lĩnh vực này.

Làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt hai tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà Lê Thị Hồng, cán bộ y tế phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, rất bất ngờ về chiếc máy. Bà đã dùng máy cầm tay đo và so sánh với máy do Hưng sáng chế, kết quả đều giống nhau.

"Chiếc máy này rất thiết thực và tiện ích cho cán bộ y tế khi tham gia phòng chống Covid-19", bà Hồng nhận xét. Ở những nơi đông người, thay vì cần nhiều cán bộ y tế hướng dẫn sát khuẩn, đo thân nhiệt, với chiếc máy này chỉ cần một cán bộ hướng dẫn đưa tay vào máy sát khuẩn và vị trí đứng để máy đo thân nhiệt.

Thi sinh đưa trán áp sát vào máy sẽ cho kết quả nhiệt độ sau hai giây. Ảnh: Đắc Thành.

Thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng đánh giá máy đo thân nhiệt tự động là sáng kiến hay, hữu ích, ứng dụng tốt trong đời sống. Máy vừa tiết kiệm kinh phí, vừa phục vụ tốt cho yêu cầu đo thân nhiệt hàng ngày với 800 học sinh của trường.

"Hiện nhà trường đưa máy phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt hai, sau đó sử dụng cho suốt quá trình dạy và học trong tình hình dịch bệnh", thầy Chương nói.