Cảnh báo bức xạ tia cực tím nguy hại

Khánh Vy 04/09/2020 07:00

Trong vòng 3 ngày tới, nhiều tỉnh thành trong cả nước có mức chỉ số UV cao, nguy cơ gây hại rất lớn với cơ thể người.

Chỉ số tia cực tím UV cao gây hại sức khỏe con người. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 3 ngày tới, Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ phổ biến 34 đến 36 độ C, có nơi trên 36 độ C.

Đi cùng với nắng nóng là chỉ số tia cực tím UV trong 3 ngày tới (từ 4 đến 6/9) đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại sức khỏe con người khi ra đường. Hình thái thời tiết này diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước.

Tại Thủ đô Hà Nội, chỉ số tia UV trong các ngày lần lượt là 9, 8, 9; tại TPHCM là 9, 9, 10. Còn tại Đà Nẵng và Hội An (tỉnh Quảng Nam), chỉ số UV là 10, 9, 8 trong các ngày nói trên.

Chỉ số tia UV trên 8 được cảnh báo là có nguy cơ gây hại rất cao.

Trong ngày 3/9, trên phạm vi toàn quốc, Cà Mau là địa phương có chỉ số cực đại tia UV thấp nhất, chỉ ở mức nguy cơ gây hại cao từ 10 đến 13 giờ. Còn các khu vực khác đều có mức cực đại ở mức nguy cơ gây hại cao.

Tia UV (Ultraviolet, còn gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại) là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng mắt người nhìn thấy. Nếu con người bị phơi dưới tia UV có cường độ cao trong thời gian dài sẽ bị sạm da, bỏng nắng, da mau bị lão hóa, làm viêm giác mạc và đục thủy tinh thể, và nguy hiểm nhất là bị ung thư da. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân khi ra đường vào thời điểm tia UV cao cần đội nón rộng vành, sử dụng dù, đeo mắt kính màu sậm, bịt kín khẩu trang. Nếu không có việc cần thiết, cần hạn chế ra ngoài, nhất là vào thời điểm buổi trưa (nên tránh trú hoặc đứng ở nơi có bóng mát).

Trong một diễn biến khác, chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội có xu hướng xấu hơn, đặc biệt trong tuần vừa qua, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém, xấu hơn hẳn so với tuần trước đó. Với chỉ số AQI 172 đo được vào sáng 3/9, Hà Nội xếp trên Kuala Lumpur (Malaysia) - 155, Thâm Quyến (Trung Quốc) - 153, Hong Kong - 137, Trùng Khánh (Trung Quốc) - 118, Mumbai (Ấn Độ) - 113… Các khu vực có chất lượng không khí xấu là Tây Hồ -177, Trâu Quỳ - 174, khu vực trung tâm thành phố - 172, Quốc Oai và Thạch Thất cùng 170.

Còn theo trang quan trắc không khí PamAir, chất lượng không khí tại nhiều điểm của Hà Nội vượt ngưỡng 200 đơn vị (mức rất xấu). Chỉ số đo được tại quận Ba Đình là 201, Ô Chợ Dừa là 203, khu vực Hoàn Kiếm là 209. Đáng chú ý, khu vực Nam Từ Liêm chỉ số còn lên mức 220, Thanh Xuân 221 và Minh Khai 215.

Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí suy giảm là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm (khoảng 9-10 độ C) hình thành một lớp sương mù tầng thấp, gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm. Ngoài ra, tốc độ gió thấp, khoảng 0-1,7m/s làm giảm khả năng khuấy trộn của khối khí.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ.

Quảng Nam khởi công dự án ứng phó biến đổi khí hậu

Ban Quản lý Dự án các công trình giao thôngT tỉnh Quảng Nam cho biết, đã tổ chức khởi công Dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT 608. Đây là dự án có tầm chiến lược quan trọng nhằm phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Hội An. Tổng dự án dài hơn 6,4km qua nhiều địa phương của TP Hội An và thị xã Điện bàn (Quảng Nam), với tổng vốn đầu tư 234 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ADB. Thời gian thi công 720 ngày. Tấn Thành

Khánh Vy