Chớp thời cơ xuất khẩu gạo
Trên thị trường thế giới giá gạo xuất khẩu đối với gạo phẩm cấp cao của Việt Nam đạt mức 1.500USD/tấn, gạo 5% tấm ổn định ở mức 488-492USD/tấn. Lúa tươi cũng đang được giá. Dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao trong vài tuần tới.
Ngày 3/9, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới tiếp tục giữ ổn định ở mức 488 - 492 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, với mức giá bán tốt như hiện nay, các địa phương cần chớp thời cơ khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu, cùng với đó, nông dân các tỉnh ĐBSCL cũng nhanh chóng sản xuất vụ lúa Thu Đông. Tính đến đầu tháng 9, toàn vùng đã xuống giống hơn 550.000/800.000ha, số diện tích còn lại sẽ cố gắng gieo sạ dứt điểm vào giữa tháng 9 này.
Có thể thấy, từ đầu tháng 8 tới nay, giá gạo của Việt Nam đang cạnh tranh từng ngày rồi cao hơn Thái Lan từ 10 USD, sau đó lên gần 20 USD/tấn. Đây là chuyện khá hiếm, các chuyên gia lúa gạo cho rằng ngọn nguồn xuất phát từ việc người nông dân chịu thay đổi, làm lúa chất lượng. Các công ty cũng từng ngày nâng chất lượng, giữ uy tín hạt gạo Việt, nhất là gần đây gạo ST25 thắng giải gạo ngon nhất thế giới nên thế giới công nhận và ưa chuộng hạt gạo Việt của ta hơn.
Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An cho biết: Trong năm 2020, Trung An phấn đấu đạt ngưỡng xuất khẩu 80.000 tấn gạo thơm có phẩm cấp cao. Với phẩm cấp gạo chất lượng gạo, giá gạo xuất khẩu của Trung An đạt mức bình quân 700-900 USD/tấn. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu sang Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ… đang ở mức cao nhất, lên tới 1.500 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu chất lượng cao của thương hiệu gạo Cỏ May cũng đạt giá trị từ 1.000-1.300USD/tấn, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường cao cấp như Úc, Châu Âu...
Nhìn nhận giá lúa gạo đang tăng cao, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá: Có được kết quả này là nhờ tác động không nhỏ của Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua. EU cho phép hạn ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này là 80.000 tấn/năm với mức thuế suất 0%. Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cũng nhận định, trong 80.000 tấn gạo Việt Nam được phía EU cấp hạn ngạch thuế quan hàng năm, chỉ có 30.000 tấn gạo thơm. Đây là số lượng nhỏ, nhưng nếu Việt Nam tận dụng tốt sẽ tạo cơ hội lớn hơn nhiều cho xuất khẩu gạo vào EU những năm sau này.
Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục cao trong nhiều tuần tới bởi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc khi đất nước này đang đối mặt với lũ lụt nặng nề. Hiện Philippines đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo với gần 37% thị phần. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu gạo có giá trị tăng mạnh nhất là Senegal (gấp 19,6 lần, đạt 41.100 tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần, đạt 45.200 tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9%, đạt 457.600 tấn).
Trước những dự báo sáng sủa về thị trường lúa gạo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: Theo kế hoạch hằng năm, vụ thu đông ở ĐBSCL sẽ gieo trồng không quá 750.000ha nhưng năm nay, trước bối cảnh dịch Covid-19 và giá gạo đang tăng cao, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo các địa phương tăng cường gieo trồng ít nhất 800.000ha để bảo đảm tăng trưởng của ngành, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Để tăng được giá trị xuất khẩu gạo thì điều DN cần quan tâm nhất vẫn là bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc hạt gạo, đặc biệt tập trung xuất khẩu các loại gạo thuộc phân khúc chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản để có mức giá tốt.
7 tháng đầu năm, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân nửa đầu năm đạt 487,6 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, năm nay lúa trúng mùa, nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội ở các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 3,9 tỷ USD.