Quan hệ Mỹ - Trung thêm phần căng thẳng
Chính quyền Mỹ trong hôm 3/9 tuyên bố rằng họ sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc phải được Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép trước khi tới thăm các trường đại học Mỹ hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa có trên 50 người tham gia bên ngoài các cơ sở ngoại giao.
Động thái đáp trả mới
Washington đã đưa ra động thái trên nhằm đáp trả việc Bắc Kinh áp đặt các hạn chế mới đối với các nhà ngoại giao của Mỹ đang làm việc ở Trung Quốc. Động thái trên xuất hiện như một phần trong chiến dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm chống lại cái mà họ cho là các hoạt động do thám của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ cũng sẽ đưa ra hành động nhằm đảm bảo tất cả các tài khoản mạng xã hội của Đại sứ quán, Lãnh sự quán Trung Quốc “được nhận dạng đúng”.
“Chúng tôi chỉ đơn giản là đang yêu cầu sự qua lại lẫn nhau”- Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một cuộc họp báo - “Quyền tiếp cận của các nhà ngoại giao của chúng tôi ở Trung Quốc nên tương đồng với quyền tiếp cận của nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ, và các bước đi ngày hôm nay sẽ giúp chúng tôi đi theo hướng đó”.
Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc ở Mỹ, ngay trước kỳ bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới, trong đó Tổng thống Trump đã biến hướng tiếp cận cứng rắn của ông với Trung Quốc như một nền tảng chính sách ngoại giao chủ chốt.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã gọi động thái trên là “thêm một sự hạn chế và rào cản vô lý mới nhằm vào nhân viên ngoại giao và lãnh sự Trung Quốc”, trong đó “đi ngược lại cái gọi là những giá trị về sự cởi mở và tự do của phía Mỹ”.
Ngoại trưởng Pompeo cũng nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã gửi thư cho ban quản lý các trường ĐH Mỹ để cảnh báo họ về những mối đe dọa từ phía Trung Quốc. “Những mối đe dọa này có thể xuất hiện dưới dạng các nguồn quỹ nghiên cứu, đánh cắp tài sản trí tuệ, mối đe dọa sinh viên nước ngoài và các nỗ lực chiêu mộ nhân tài”, ông Pompeo nói.
Ông Pompeo nói rằng các trường đại học có thể giúp đảm bảo việc nắm giữ những khoản đầu tư sạch và quỹ cung cấp vốn bằng cách công khai tên các doanh nghiệp Trung Quốc trong các khoản quỹ như vậy và loại bỏ những bên có liên quan tới lạm dụng nhân quyền.
Trước đó, trong hôm 2/9, Viện Khổng tử có trụ sở tại Washington mà tháng trước ông Pompeo từng lên tiếng cáo buộc là giúp Bắc Kinh “tăng tầm ảnh hưởng” và yêu cầu phải đăng ký phái bộ nước ngoài, nói rằng họ đã bị Bộ Ngoại giao đánh giá sai là trụ sở của các Viện Khổng tử.
“Ngược lại với điều mà người ta được nghe từ Bộ Ngoại giao, các chương trình của Viện ở Mỹ là độc lập với nhau, được thực hiện và lên kế hoạch bởi các trường học lựa chọn giáo dục tiếng Trung”- đại diện Viện trên nói trong một tuyên bố.
Nhóm họp với các đối tác
Ngoại trưởng Pompeo nói rằng ông đã lên kế hoạch thảo luận về vấn đề Trung Quốc và nhiều vấn đề khác trong khu vực với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước khác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương theo hình thức họp trực tuyến vào tuần tới.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ông Pompeo sẽ tham gia vào cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á và một cuộc khác với những người đồng cấp ASEAN vào ngày 9/9. Thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho hay vào ngày 11/9, ông Pompeo sẽ khởi động quan hệ đối tác với các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong nhằm thúc đẩy sự độc lập về kinh tế và phát triển bền vững.
Cũng trong ngày hôm đó, ông Pompeo sẽ tham gia một cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN.
Động thái mà Mỹ đưa ra trong hôm 3/9 được xem là một bước đi xa hơn nhiều nếu so với động thái mà họ đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, trong đó yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc phải thông báo trước về các cuộc họp với giới chức địa phương và cấp bang, và tại các cơ sở nghiên cứu, giáo dục của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu các hãng truyền thông Trung Quốc đăng ký phái bộ nước ngoài và trong tháng 3 năm nay tuyên bố rằng họ sẽ cắt giảm số lượng nhà báo Trung Quốc được phép làm việc tại các văn phòng ở Mỹ từ 160 xuống còn 100.