Đề nghị truy tố 2 cựu sếp GPBank gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng
Cố tình vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng để vụ lợi, gây thất thoát hơn 961 tỷ đồng, nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc GPBank cùng 11 bị cáo khác bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố.
Ngày 3/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố các bị can liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại Công ty CP Phát triển Điện lực Sài Gòn, Công ty CP M&C, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ GPBank về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” gồm: Tạ Bá Long (65 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank), Đoàn Văn An (62 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT), Phạm Quyết Thắng (47 tuổi, nguyên TGĐ), Đỗ Trung Thành (50 tuổi, nguyên Phó TGĐ), Nguyễn Văn Thành (43 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Tái thẩm định và Phê duyệt tín dụng), Nguyễn Thuỳ Dương (40 tuổi, chuyên viên), Lương Hồng Thái (39 tuổi, nguyên Phó GĐ GPBank chi nhánh TP HCM), Nguyễn Toàn Thắng (46 tuổi, nguyên Phó GĐ PGBank chi nhánh TP HCM), Nguyễn Thanh Tuấn (43 tuổi, nguyên Trưởng phòng Hỗ trợ tín dụng), Lê Ngọc Thắng (35 tuổi, chuyên viên).
Đề nghị truy tố 3 bị can khác liên quan đến vụ án trên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Phùng Ngọc Khánh (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sài Gòn One Tower, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần M&C), Nguyễn Trọng Hiếu (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Điện lực Sài Gòn), Kim Văn Bộ (nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Điện lực Sài Gòn).
Theo kết luận điều tra, Công ty Sài Gòn One được thành lập để thực hiện dự án Cao ốc Sài Gòn M&C. Tháng 9/2009, nhằm sử dụng các căn hộ tại dự án để huy động, vay vốn trái phép các tổ chức, cá nhân nên bị can Phùng Ngọc Khánh (không thông qua HĐQT Công ty Sài Gòn One) đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm sàn căn hộ hình thành từ dự án và chuyển giao quyền chuyển nhượng, bán sản phẩm sàn căn hộ của Công ty Sài Gòn One cho Công ty M&C.
Tháng 8/2011, Phùng Ngọc Khánh biết Nguyễn Trọng Hiếu (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Phát triển Điện lực Sài Gòn) có nhiều mối quan hệ với các tổ chức tín dụng nên đã gặp và nhờ Hiếu sử dụng các căn hộ tại Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C để thế chấp vay vốn ngân hàng 305 tỷ đồng.
Sau đó, bị can Hiếu đã gặp lãnh đạo GPBank là Tạ Bá Long, Phạm Quyết Thắng đề nghị cho Công ty M&C vay 305 tỷ đồng.
Tại các cuộc gặp gỡ, bị can Long và Thắng đồng ý cho Công ty M&C vay tiền kèm theo điều kiện phải chi 10% trên tổng số tiền được vay (ngoài tiền trả gốc, lãi) cho lãnh đạo GPBank. Sau khi kiểm tra hồ sơ, lãnh đạo GPBank nhận thấy dự án cao ốc Sài Gòn M&C đã thế chấp và vay vốn tại nhiều ngân hàng khác nên đã phản hồi lại cho Khánh và Hiếu biết.
Hiếu và Khánh đã gặp lại lãnh đạo của GPBank đề nghị phương án, Công ty M&C sẽ làm thủ tục bán 6 căn hộ của dự án cho Công ty CP Phát triển Điện lực Sài Gòn để công ty này làm hồ sơ vay vốn. Sau khi hoàn tất, số tiền vay được GPBank giải ngân, chuyển đến tài khoản của Công ty M&C, Phùng Ngọc Khánh đã rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân. Bị can Khánh cũng đã chỉ đạo nhân viên chuyển lại tổng cộng hơn 101 tỷ đồng vào tài khoản Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn.
Bên cạnh đó, bị can Hiếu cùng nhân viên ra ngân hàng rút 30 tỷ đồng để chuyển cho Đoàn Văn An (Phó Chủ tịch GPBank) theo thỏa thuận.
Kết luận của Cơ quan điều tra xác định, sau khi giải ngân cho Công ty CP Phát triển Điện lực Sài Gòn vay hơn 300 tỷ đồng, GPBank đã không kiểm tra định kỳ sau cho vay theo quy định, không kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến Công ty này không trả được tiền cho GPBank.
Đến ngày 25/8/2020, GPBank xác định tổng số tiền thiệt hại bao gồm cả gốc và lãi là hơn 961 tỷ đồng, trong đó số nợ gốc là 305 tỷ đồng, tiền lãi và lãi quá hạn là hơn 656 tỷ đồng.