Chủ sản xuất Pate Minh Chay có thể bị xử phạt cao nhất tới 20 năm tù…?
Việc hàng chục người ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu sau khi sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH 2 thành viên Lối Sống Mới (trụ sở tại Hà Nội) đã gây hoang mang dư luận trong những ngày qua. Vụ việc đang được Công an TP Hà Nội khẩn trương điều tra, làm rõ.
Dưới góc nhìn pháp lý, ThS.LS Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên tới 20 năm tù.
PV: Với những dấu hiệu vi phạm từ sản phẩm pate Minh Chay, theo quy định của pháp luật, Công ty TNHH 2 thành viên Lối Sống Mới có thể đối mặt với những hình phạt nào, thưa Luật sư…?
Luật Sư Nguyễn Đức Hùng: Sau khi cơ quan chức năng làm rõ và tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như nguy cơ đến từ đâu, tắc trách ở khâu vận chuyển, sản xuất hay từ nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm, tùy từng mức độ, Công ty TNHH 2 thành viên Lối Sống Mới có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể theo Điều 317 Bộ luật Hình sự quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng... thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng, phạt tù từ 1 năm đến 20 năm tù.
Theo quan điểm của Luật sư, Công ty TNHH 2 thành viên Lối Sống Mới có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng sản phẩm pate Minh Chay hay không…?
- Theo các quy định của pháp luật, khi đã có căn cứ chứng minh sản phẩm có yếu tố lỗi, kém chất lượng gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng, Công ty TNHH 2 thành viên Lối Sống Mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 (sửa đổi bổ sung 2018), các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường.
Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, các khoản bồi thường bao gồm: chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Bên cạnh đó, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.
Trường hợp độc tố trong sản phẩm pate Minh Chay không phải lỗi cố ý của Công ty TNHH 2 thành viên Lối Sống Mới, thì Công ty có bị xử lý trách nhiệm…?
- Vô ý phạm tội được quy định tại Điều 11 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), theo đó lỗi vô ý được chia làm 2 loại sau: Lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (Khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự).
Thứ 2, lỗi vô ý do quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội,nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (Khoản 1 Điều 11 Bộ luật Hình sự).
Tùy theo tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định có đủ dấu hiệu pháp lý để khởi tố hình sự, thì lỗi vô ý trong trường hợp này là một trong những dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.