Góp ý lộ trình quy hoạch thành phố Thủ Đức
Ngày 4/9, tại TP HCM, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đã được ghi nhận tại buổi tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP Thủ Đức - TP sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình”.
Tại buổi tọa đàm, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM cho biết, việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô tại khu vực phía Đông của TP HCM đã được nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố trăn trở, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cho TP nói riêng và cả nước nói chung. Theo đề án TP Thủ Đức dự kiến có diện tích 21.000 ha và quy mô hơn 1 triệu dân, chiếm khoảng 1/10 diện tích và 1/10 dân số toàn thành phố.
Ủng hộ việc thành lập TP Thủ Đức, TS Võ Kim Cương cho rằng, thành phố cần tìm ra những khó khăn, thách thức để có giải pháp phù hợp, kèm theo đó là chính sách theo các cấp hành chính.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM lo ngại tình trạng đầu cơ, thổi giá, phân lô bán nền tràn lan thời gian qua tại các quận khu Đông khiến quy hoạch của TP Thủ Đức mới sẽ rất khó khăn, phức tạp.
Để tháo gỡ rào cản này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị UBND TP TP cần có giải pháp để tạo cơ hội về quỹ đất lớn đón các nhà đầu tư tầm cỡ nhằm phát triển các dự án mang tính đồng bộ, có tiềm năng để góp phần thúc đẩy phát triển chung của TP Thủ Đức mới trong tương lai.
Trong khi đó, GS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia hiến kế về nguồn lực tài chính cho đầu tư xây dựng TP Thủ Đức mới, nhất là các tập đoàn tài chính, các tập đoàn đa quốc gia sau đại dịch Covid-19. Trong đó, luồng vốn chảy ra chảy vào cho đô thị mới phải được tự do hóa, tự do chuyển đổi thế nào, đánh thuế thế nào, được quản lý, bảo mật ra sao, phải được tính toán cẩn trọng và đặt trong tổng thể cả chiến lược quốc gia.
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng góp ý về các cơ chế, chính sách tận dụng từ Nghị quyết 54 mà Quốc hội cho phép TP HCM thí điểm cơ chế đặc thù riêng, từ đó vận dụng vào quá trình hoàn chỉnh đề án TP Thủ Đức mới, trong đó phải có những đề xuất Trung ương giảm mức độ điều tiết, tăng phần ngân sách để lại cho TP để đảm bảo được đầu tư bài bản.