Gò Đống Thây chờ giải cứu
Khu di tích lịch sử văn hóa Gò Đống Thây thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1990. Thế nhưng, đến nay di tích vẫn bị xâm lấn, mặc dù đã có nhiều phương án giải cứu được đề ra.
Khu di tích Gò Đống Thây gắn liền với chiến công oanh liệt của người anh hùng áo vải Quang Trung đánh tan 29 vạn quân xâm lược Thanh, bảo vệ nền độc lập cho đất nước.
Tại thời điểm được xếp hạng di tích, theo quy hoạch của TP Hà Nội thì Gò Đống Thây có tổng diện tích là 26.722 m2. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, tình trạng xâm lấn di tích xuất hiện khiến cho khuôn viên gò bị “bóp nghẹt” bởi những công trình không phép.
Trước tình trạng lấn chiếm xâm hại di tích khiến cho dư luận bức xúc trong suốt một thời gian dài, ngày 24/5/2016, trên trang cổng thông tin điện tử của UBND TP Hà Nội có viết: “Hiện nay, một phần đất của di tích đã được giao cho Quân khu 3, UBND phường Thanh Xuân Trung, dòng họ ông Nguyễn Phạm Quyền và một phần đất bị nhà dân lấn chiếm; môi trường ô nhiễm do rác thải bừa bãi.
Để thuận tiện cho việc quản lý, tách phần đất không có yếu tố gốc cấu thành di tích ra ngoài khu vực bảo vệ để đảm bảo tính khả thi của dự án tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây, UBND TP Hà Nội thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao về việc điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ và lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân”.
Sau khi thực hiện điều chỉnh khoanh vùng di tích, Gò Đống Thây hiện tại chỉ còn khoảng hơn 15.000 m2. Mặc dù mục đích điều chỉnh khoanh vùng được thực hiện nhằm bảo vệ và lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích thế nhưng thực tế tình trạng xâm lấn vẫn tồn tại khiến cho cảnh quan khu di tích nhếch nhác còn dự án tu bổ, tôn tạo vẫn chỉ nằm trên giấy chưa có đích cụ thể.
Công văn số 1390/UBND-QLDA ngày 4/11/2015 của UBND quận Thanh Xuân gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc lập kế hoạch di dời 186 hộ dân trong khu vực di tích đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích Gò Đống Thây có nêu: “Di tích được phân cấp về quận theo quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 2/3/2011 của UBND thành phố, đồng thời nguồn vốn đầu tư đã chuyển thành nguồn vốn ngân sách quận. Vì vậy kế hoạch di dời 186 hộ dân trong khu vực di tích thuộc thẩm quyền của UBND quận. Tuy nhiên, Sở VHTTDL đã có văn bản số 42/SVHTT-QLĐT ngày 23/9/2015 đề nghị UBND quận thực hiện hướng dẫn của Sở tại văn bản số 2061/ SVHTT-QLDT ngày 13/7/2015”.
Tại công văn này, UBND quận Thanh Xuân đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sớm có văn bản hướng dẫn về việc lập kế hoạch di dời 186 hộ dân trong khu vực di tích, đảm bảo tính khả thi triển khai thực hiện.
Đến nay đã gần 5 năm trôi qua nhưng kế hoạch trùng tu tôn tạo mới chỉ nằm trên giấy. Tình trạng xâm lấn, “bóp nghẹt” di tích vẫn diễn ra khiến cho khuôn viên nơi đây trở nên nhếch nhác không xứng tầm với một di tích.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ UBND phường Thanh Xuân Trung (xin giấu tên) cho biết: “Gò Đống Thây hiện tại đang thực hiện triển khai dự án, đã đến bước xin quỹ nhà tái định cư nên không có chuyện lấn chiếm đang triển giải phóng mặt bằng vì thế chẳng ai dại gì mà xây dựng lấn chiếm (xây dựng công trình mới). Chuẩn bị đợt tới sẽ di dời hết để làm một dạng kiểu cảnh quan như Gò Đống Đa”.
Tuy vị cán bộ phường Thanh Xuân Trung nói vậy nhưng mới đây, một công trình đã mọc lên trong khuôn viên di tích. Còn theo một số người dân thì xung quanh di tích đều bị lấn.
Câu chuyện về bảo vệ trùng tu và tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội bấy lâu này trở thành vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm. Điển hình như khu di chỉ Vườn Chuối có niên đại 3000 năm tuổi giá trị bậc nhất cả nước được phát hiện nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xếp hạng di tích để có biện pháp bảo vệ; có những di tích lịch sử cấp quốc gia bị đập đi xây mới trong khi vẫn còn chắc chắn nó thể hiện sự lãng phí như đình Hoàng Cầu… còn đối với di tích Gò Đống Thây đang bị xâm lấn nghiêm trọng thì các cấp chính quyền lại loay hoay nhiều năm vẫn chưa thể có biện pháp quyết liệt.
Phải chăng do năng lực của những người làm trong ngành văn hóa nơi đây? Hay do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này, sự chỉ đạo chưa thật quyết liệt? Dường như Nghị quyết số 33-NQ/TW vẫn còn đang xa vời với mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Đã gần 5 năm trôi qua nhưng kế hoạch trùng tu tôn tạo vẫn chỉ nằm trên giấy. Tình trạng xâm lấn, “bóp nghẹt” di tích vẫn diễn ra khiến cho khuôn viên nơi đây trở nên nhếch nhác không xứng tầm với một di tích. Một cán bộ UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, Gò Đống Thây hiện tại đang thực hiện triển khai dự án, đã đến bước xin quỹ nhà tái định cư nên không có chuyện lấn chiếm đang triển giải phóng mặt bằng vì thế chẳng ai dại gì mà xây dựng lấn chiếm (xây dựng công trình mới). Chuẩn bị đợt tới sẽ di dời hết để làm một dạng kiểu cảnh quan như Gò Đống Đa.
Tuy vị cán bộ phường nói vậy nhưng mới đây một công trình đã mọc lên trong khuôn viên di tích.