Ẩm thực Việt trong những ngày Covid-19
Cùng chịu chung sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, trong suốt thời gian qua, các cửa hàng kinh doanh ẩm thực Việt Nam tại thủ đô Moskva (Nga) hay Mỹ, Nepal… gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà hàng phải đóng cửa, nếu có trụ được thì cũng chỉ mong hòa vốn để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.
1. Công việc kinh doanh ẩm thực của người con kiều bào khá thành công tại xứ sở bạch dương là bởi người dân Nga chuộng món ăn Việt. Ở thời kỳ đỉnh điểm đã có khoảng 500 nhà hàng ẩm thực Việt hoạt động tại thủ đô Moskva, trong đó, phở và nem là những món ăn chủ đạo. Chị Lê Phương Hạnh, quê gốc Nam Định, sang Nga được gần 30 năm, hiện là chủ của chuỗi 4 quán ăn ở Moskva.
Theo lời chị, các món ăn của Việt Nam rất đa dạng, mỗi vùng miền lại có những món khác nhau nhưng khi sang bên này các nhà hàng thường chế theo khẩu vị của người Nga nên ẩm thực Việt ngày càng trở nên quen thuộc với người sở tại. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nước Nga buộc phải giãn cách xã hội, ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thủ đô Moskva nói chung và các nhà hàng Việt nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Người Nga giờ vẫn phòng virus Corona bằng cách đeo khẩu trang khi mua sắm trong các cửa hàng và di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng. Họ cũng hạn chế ăn uống ở bên ngoài vừa vì lý do an toàn, vừa do phải thắt chặt chi tiêu. Mặc dù các nhà hàng đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như khoảng cách, kính chắn, đảm bảo an toàn cho khách…thế nhưng vẫn vắng vẻ.
Nhiều nhà hàng không cầm cự được đã phải đóng cửa do không đủ chi phí để trả tiền mặt bằng, nhân viên. Cũng có một số chủ nhà hàng tiếp tục thử các biện pháp khác nhau để có thêm khách hàng như bán online, phục vụ tận nhà… Một số người Việt làm ăn ở Moskva cho biết họ sẽ buộc phải tính cách khác để đối phó với tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay.
Nổi tiếng trong giới ẩm thực ở Moskva, phải kể đến chuỗi nhà hàng Viet Express, khai trương từ tháng 6/2017 và được điều hành bởi hai cử nhân của Đại học kinh tế Plekhanov là Dương Quang Vương (1994) và Lê Trung Sơn (1994). Viet Express được nhiều người biết đến bởi có thiết kế độc đáo, với những món ăn đậm đà hương vị Việt, được cả thực khách Việt và Nga ưa chuộng nên luôn duy trì một lượng khách ổn định. Vậy mà trong cơn bão dịch này, doanh thu của nhà hàng đã sụt giảm đáng kể, 1 trong 3 cửa hàng của Viet Express đã phải tạm thời đóng cửa.
2. Tại Mỹ, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tới nay đã làm hơn 26 nghìn nhà hàng phải đóng cửa, trong đó gần 16.000 nhà hàng phải đóng cửa vĩnh viễn vì không thể trụ nổi. Những cửa hàng kinh doanh ẩm thực cũng nằm trong số đó. Các chủ cửa hàng phải xoay xở đủ mọi cách để cầm cự.
Mới đây, một cửa hàng bánh mì Việt Nam ở New York đã kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người nhằm lan toả thông tin để có thêm nhiều người đến mua hàng. Cụ thể, tấm biển được dán bên trong cửa hàng bánh mì Việt này có nội dung như sau: “Xin hãy giúp chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động bằng cách chia sẻ về cửa hàng lên tài khoản mạng xã hội của bạn. Chúng tôi cần thêm nhiều khách hàng giống như bạn để có thể tiếp tục mở cửa”. Lời kêu gọi này trên Instagram đã nhận được rất nhiều lượt like và chia sẻ. Rất nhiều người sau khi biết thông tin cũng đã tìm đến cửa hàng để ủng hộ.
Bánh mỳ Việt là một món ăn rất được ưa chuộng tại Mỹ, thời “vàng son” hàng loạt cửa hàng bánh mỳ Việt Nam trên khắp các bang của Mỹ nhộn nhịp khách ra vào và được người dân bản địa coi là một món ăn đặc sắc, hấp dẫn. Tại khu chợ châu Á của thành phố Boston, bang Massachusetts, bờ đông nước Mỹ, rất nhiều cửa hàng bánh mỳ Việt Nam ngon như Banh My Ba Le, Nhu Lan, 163 Vietnamese Sandwiches & Bubble Tea, New Saigon Sandwich, Bánh Mỳ house... Mỗi cửa hàng hút khách bằng một hương vị rất riêng. Bánh mì thịt nướng thường có dưa chuột thái lát hoặc đu đủ thái sợi, thêm chút rau thơm khiến thực khách phương Tây rất ưa thích, do vừa tốt cho tiêu hóa, vừa tạo nên một hương vị rất riêng.
3. Tại Nepal, tình hình dịch Covid-19 đang vô cùng phức tạp. Tính ra mỗi ngày có hàng nghìn ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các nhà hàng, cửa tiệm đều phải đóng cửa. Võ Thị Kim Cương hiện là chủ một chuỗi cửa hàng “Pho 99” ở Nepal. Trước dịch, công việc kinh doanh của chị khá thuận lợi. Món phở nói riêng và ẩm thực Việt nói chung rất được người dân địa phương ưa thích bởi sự đậm đà, nhiều loại rau gia vị ăn kèm rất ngon.
Có lẽ đó cũng là lý do để những dịp cuối tuần hay ngày lễ Tết thì “Pho 99” chính là nơi mà khoảng hơn chục gia đình người Việt ở đây lui tới vừa là để thưởng thức, vừa là trò chuyện, hỏi thăm và trao đổi tình hình ở quê nhà.
Thế nhưng cả gần tháng nay theo lời của chị Cương thì công việc kinh doanh gần như đình trệ. 4 cửa hàng phở 99 đóng cửa, nhân viên đều nghỉ ở nhà. Trong khi tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả hàng tháng nên vô cùng khó khăn. Thế nhưng ai cũng hiểu, đó là tình hình chung, việc cần làm bây giờ là tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch của chính quyền để dịch nhanh chóng được khống chế.
“Ở bên này nước sát khuẩn khá khan hiếm, người dân phải mua với giá cao nên mình đã tự học công thức pha chế nước rửa tay của WHO phát cho toàn bộ nhân viên trong cửa hàng và tặng cho một số anh chị em người Việt. Mỗi chai nước rửa tay trao tặng mình đều muốn gửi đi thông điệp, mọi người hay đề cao cảnh giác, phòng bệnh cho mình và cho cả cộng đồng”, chị Cương chia sẻ thêm.