Vừa học vừa thoát hiểm
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chuyện học hành thật là khó khăn. Nhà trường khổ, học sinh khổ, phụ huynh cũng khổ. Nhưng rồi nhà trường đã uyển chuyển, linh hoạt cách dạy mới: nhiều nơi tổ chức dạy và học trực tuyến để không gián đoạn kiến thức cũng như bảo đảm kế hoạch năm học.
Vì thế, năm học 2019-2020 được coi là năm học thật đặc biệt, khi mà có người cho là năm học này sẽ phải “tháo khoán” vì không dạy được mấy, không học được mấy. Thế nhưng mọi sự đã qua trong bão táp dịch bệnh, với kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua cần được xem như một “bằng chứng”.
Năm học mới 2020-2021 đã tới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đó, từ kinh nghiệm phòng, chống đại dịch thời gian qua, có thể yên tâm những gì sẽ diễn ra. Vừa học vừa thoát hiểm - ấy là nói đến việc đến trường vẫn đeo khẩu trang, vẫn sát khuẩn tay… cùng những biện pháp phòng chống khác. Để việc dạy và học diễn ra thật an toàn.
Suy cho cùng, trong đời mỗi con người biến cố là khó tránh. Học là để tích tụ kiến thức, mà kiến thức là để làm người - để trở thành con người văn hóa chứ không dừng lại ở con người sinh học. Vậy thì việc dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh cũng là cách trang bị những kĩ năng thoát hiểm. Tưởng chừng như đơn giản nhưng đó là những gì thực sự cần cho cuộc đời của mỗi một con người, ngay từ khi bước chân vào lớp học.
Viết tới đây lại nhớ đến câu chuyện Nhật Bản, với nhiều trận động đất, sóng thần. Để sống sót qua những tai họa luôn chực chờ, người ta đã phải tự tích lũy cho mình kinh nghiệm. Nhưng rất quan trọng là ngay từ nhỏ một đứa trẻ đã được cha mẹ, thầy cô dạy cho cách thoát hiểm. Khi động đất xảy ra thì phải làm gì. Khi sóng thần ập đến thì phải làm gì. Kể cả những việc tưởng chừng rất đơn giản như lên tàu điện ngầm ra sao, qua đường thế nào… cũng được rèn cặp rất chu đáo.
Cũng chính vì kĩ năng sống được trang bị từng li từng tí như vậy nên người Nhật rất bình tĩnh trước các sự cố và cả trong sinh hoạt hàng ngày- không vội vàng hấp tấp, mà cẩn trọng khi đưa ra quyết định sau khi đã quan sát, cân nhắc một cách kĩ lưỡng.
Còn nhớ, thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản đã xóa sổ nhiều thị trấn, gây sự cố rò rỉ hạt nhân khiến hàng nghìn người dân bị đẩy tới bờ vực tuyệt vọng. Nhưng toàn thế giới đã chứng kiến sự bình tĩnh phi thường của người Nhật. Không phải vì họ đã “quen” với thảm họa, mà chính là do đã học được cách thoát hiểm, cho dù rơi vào tình cảnh khó khăn nhất.