Người đi tìm mặt
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều năm qua họ sống trong nỗi ám ảnh khôn nguôi về gương mặt mình. Nhiều người còn gọi họ “mặt quỷ” bởi vẻ bề ngoài đáng sợ, xấu xí, dị dạng. Nhưng rồi cơ may đã đến trong cuộc đời giúp họ dần tìm được gương mặt bình thường.
Điều đáng nói, tất cả những hành trình khó khăn ấy đều được thực hiện miễn phí. Nhờ đóng góp công sức của cộng đồng, của những bác sỹ phẫu thuật hay thậm chí cả những chuyến xe đưa đón. Và họ, không chỉ tìm được gương mặt thân thương của bản thân mình mà còn tìm được tình yêu thương, sự sẻ chia chân thành từ cộng đồng, điều mà trước kia ngay cả trong giấc mơ họ cũng không bao giờ dám nghĩ tới.
Những người bị mang tiếng “mặt quỷ”
Bắt đầu từ những clip ngắn chia sẻ trên mạng xã hội của bạn Bùi Hồ (32 tuổi, ở Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), hình ảnh “anh Mến mặt quỷ” đã gây xúc động hàng triệu người. Người đàn ông đó tên đầy đủ là Lê Văn Mến, 35 tuổi ngụ ở xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).
Anh Mến có gương mặt bị chảy xệ, nhìn vô cùng gớm ghiếc khiến bất cứ ai cũng phải rùng mình, thương xót và cảm thông. Những điều này trước kia anh Mến rất ít gặp ngoài đời thực bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có lẽ mặc cảm vì quá xấu xí, anh thường xuyên phải giấu khuôn mặt của mình mỗi khi đi ra ngoài.
Trong những lần gặp gỡ chúng tôi, anh Mến chia sẻ khá chân thành về cuộc sống của mình cũng như nguyên nhân khiến gương mặt như hiện nay. Theo anh, khoảng gần chục năm trước, trong một lần đi làm đồng, anh bất ngờ bị một cây ngải độc (giống cây dại) đâm vào mặt. Sau đó mặt bị sưng lên, đau nhức.
Ban đầu, vết sưng cũng không lớn, chỉ như cái mụn nên anh đã sử dụng những loại thuốc đơn thuần mà bác sỹ gần nhà kê đơn. Sau đó, vết thương không những không khỏi mà ngày càng lớn hơn, thậm chí phình to như cái mâm. Lúc này, gương mặt anh lớn đến nỗi cơ thể không thể đi lại được, phải nằm yên một chỗ. Bi kịch ấy khiến gia đình anh tan vỡ khi người vợ trẻ được chính anh Mến khuyên nên dời bỏ anh, đi tìm cuộc sống khác.
Lúc này, anh gần như chỉ còn nằm chờ chết. Rồi một cơ duyên đến khi có người quen bên ngoại báo tin cho gia đình có một thầy thuốc đông y rất giỏi gần đó. Nhờ thầy thuốc ấy mà anh giữ được mạng sống nhưng gương mặt biến dạng, bị chảy xệ rất nhiều. Tất cả các sinh hoạt, cuộc sống thường nhật của anh bị đảo lộn khi đi bất cứ đâu, anh đều phải đeo khẩu trang che kín gương mặt. Đôi khi bỏ khẩu trang ra, bọn trẻ con nhìn thấy anh thì chúng hét lên hoảng sợ, bỏ chạy ra xa.
Với một người nông dân nghèo, anh Mến đã mất đi hầu hết các cơ hội làm việc của mình. Dù sức khoẻ không bị ảnh hưởng nhiều nhưng rất ít người dám thuê anh làm việc, bởi lý do “sợ lây bệnh”. Khoảng 10 năm qua, anh gần như chấp nhận số phận nghiệt ngã của mình với những công việc bấp bênh ít người làm như phun thuốc trừ sâu, bón phân, vác lúa mướn…
Có lẽ còn mang nỗi mặc cảm lớn hơn anh Lê Văn Mến, một người phụ nữ khác là chị Hồ Nguyễn Thị Hương, thường gọi là Út Hương (31 tuổi, ngụ ở xã Bình Thuỷ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), một người phụ nữ trẻ cũng nhiều năm mang trong mình nỗi đau của khuôn mặt kỳ dị.
Nằm yên bình bên một nhánh nhỏ thượng nguồn sông Hậu, căn nhà nơi chị Út Hương đang sống cùng gia đình khá yên bình khi tôi tới thăm. Nhưng cuộc đời chị lại vô cùng nghiệt ngã và khổ đau. Bắt đầu từ lúc còn rất nhỏ, khi đang chơi đùa trước cửa nhà chị Út Hương bị một chiếc xe quẹt phải.
Vụ tai nạn không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Nhưng nó để lại trên mặt chị một vết sẹo nhỏ. Khi ấy, chị mới chưa tới 10 tuổi và gia đình lại nghèo nên không bao giờ nghĩ vết sẹo đó là khởi nguồn những bất hạnh đằng đẵng cuộc đời chị sau. Bởi theo thời gian, nó cứ lớn dần lên.
Khi chúng tôi gặp chị, khoảng 20 năm sau vụ tai nạn trên, vết sẹo gần như trùm kín gương mặt của chị, che mất luôn con mắt. Tất nhiên, mọi sinh hoạt, đời sống cũng như ước mơ bình thường của một cô thôn nữ miệt vườn bị tiêu tán hết.
Chị Út Hương gần như luôn phải giấu mặt mỗi khi ra đường bởi sự mặc cảm. Thậm chí, những dịp lễ tết, con cháu người thân ở trên thành phố về thấy chị Út Hương là sợ, bỏ chạy tán loạn. Tất nhiên, những người xa lạ không bao giờ dám lại gần chị. Về công việc, chị dù khoẻ mạnh nhưng không thể xin bất cứ công việc nào như mong muốn vì cũng như anh Lê Văn Mến, các công ty sợ “bị lây bệnh”.
May mắn hơn anh Mến một chút, chị có người thân họ hàng xa mở một xưởng chế biến mực tẩm ướp khô nho nhỏ, có chừng hơn chục công nhân làm việc mỗi ngày. Nhờ quan hệ huyết thống, chị có việc làm với mức lương cũng tạm đủ sống vài năm trước.
Cơ duyên cuộc đời
Như nói ở trên, sau khi những hình ảnh về gương mặt, cuộc sống, tâm sự của những người mang gương mặt chảy xệ gớm ghiếc được chia sẻ trên mạng xã hội, hàng triệu người đã bị xúc động mạnh.
Trong số ấy may mắn có bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung (Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc, TP HCM), một người chuyên thực hiện các cuộc phẫu thuật chỉnh hình. Ban đầu, bác sỹ Tú Dung đã gọi điện và hẹn gặp anh Mến với mong muốn tái tạo lại gương mặt cho anh, cắt bớt hết những phần thừa. Tuy nhiên, từ mong muốn tới thực tế không chỉ là vài câu nói.
Rất nhiều những lần chuẩn đoán, khám, xét nghiệm và thậm chí còn truyền hình ảnh trực tiếp của anh Mến cho các bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài để có những phán đoán chuyên môn chính xác hơn.
Điều đáng quý là toàn bộ quá trình này đều được miễn phí hoàn toàn với anh Mến. Nhưng thứ mà anh cảm thấy xúc động lại không chỉ là những tình cảm xuất phát từ phía bệnh viện mà còn là cộng đồng.
Thông qua những clip chia sẻ về cuộc sống, nhiều người đã gửi cho anh Mến những món quà nho nhỏ, thường là vài ba trăm ngàn đồng để anh có lộ phí đi từ quê lên TP HCM, ăn ở chờ đợi phẫu thuật.
Từ một người luôn phải giấu mặt, sống trong bóng tối của sự mặc cảm nhiều năm, anh Mến gần như rơi lệ trước những ân tình từ cộng đồng xa lạ mà thân thuộc. Nó không chỉ giúp anh tiếp tục hành trình thay đổi gương mặt mà còn giúp anh vững bước trên đường đời sau này.
Cách đây chừng một tuần, cuộc phẫu thuật quan trọng nhất là cắt bớt phần thịt thừa trên gương mặt anh đã được bác sỹ Tú Dung thực hiện. Dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng hành trình đi tìm gương mặt của anh Mến đã có những kết quả ban đầu cực kỳ tốt đẹp.
Cuộc phẫu thuật khó khăn nhất đã hoàn thành, gương mặt chảy xệ của anh hiện nay đã khá gọn gàng, nhưng vẫn tiếp tục chờ và thực hiện thêm một số cuộc tiểu phẫu khác.
Tương tự như anh Lê Văn Mến, từ những clip chia sẻ trên mạng xã hội và hiệu ứng của cộng đồng, “Hành trình lột xác”, một chương trình đã phẫu thuật cho hàng trăm người dị dạng tìm tới gặp chị Út Hương. Sau khi khám và chuẩn đoán, chương trình cũng tài trợ toàn bộ quá trình phẫu thuật cho chị Út Hương, bao gồm cả việc ăn ở và vé máy bay thực hiện việc phẫu thuật ở ngoài Hà Nội.
Chia sẻ với chúng tôi ít ngày trước qua điện thoại, chị Út Hương bảo do bệnh của chị quá nặng, khối u trên mặt quá lớn nên cần phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cũng như chẩn đoán. Thời gian có thể kéo dài tới vài tháng. Hiện chị vẫn đang ở bệnh viện ngoài Hà Nội tiếp tục chờ đợi để tìm được gương mặt tốt hơn cho bản thân mình với những tín hiệu rất tích cực từ đội ngũ y bác sỹ.
Thực tế, những con người có khối u, bị dị dạng trên cơ thể và đặc biệt là gương mặt cũng không quá hiếm trong cộng đồng. Nhưng những người có gương mặt quá đặc biệt như anh Mến, chị Út Hương thì quả lá hiếm hoi. Và hành trình họ đi tìm gương mặt tốt hơn của mình không chỉ giúp cho chính họ mà còn đang tạo ra tín hiệu tích cực cho nhiều người khác. Đó là những người vì lý do nào đấy cũng gặp bất hạnh với gương mặt mình. Điều đáng buồn hơn, đa số họ là người nghèo và cũng đang tiếp tục chờ đợi, mong những cơ duyên như một phép màu tiếp theo sẽ đến với mình, như với anh Mến và chị Út Hương vậy.
Lúc nhỏ, khi đang chơi đùa trước cửa nhà chị Út Hương bị một chiếc quẹt phải. Vụ tai nạn không ảnh 3 nhiều đến sức khoẻ, nhưng nó đã để lại trên mặt chị một vết sẹo nhỏ. Khi ấy, chị mới chưa tới 10 tuổi và gia đình lại nghèo nên không bao giờ nghĩ vết sẹo đó là khởi nguồn những bất hạnh đằng đẵng cuộc đời chị sau. Bởi theo thời gian, nó cứ lớn dần lên. Khi chúng tôi gặp chị, khoảng 20 năm sau vụ tai nạn, vết sẹo gần như trùm kín gương mặt của chị, che mất luôn con mắt. Ước mơ bình thường của một cô thôn nữ miệt vườn bị tiêu tán hết. Chị Út Hương gần như luôn phải giấu mặt mỗi khi ra đường bởi sự mặc cảm. Thậm chí, những dịp lễ tết, con cháu người thân ở trên thành phố về thấy chị Út Hương là những đứa trẻ rất sợ, bỏ chạy tán loạn…