Chung sống khôn ngoan trong 'mùa' Covid
Chung sống với Covid-19 một cách khôn ngoan thay vì “đóng băng” tất cả các hoạt động là cách mà Việt Nam lựa chọn khi đại dịch Covid-19 bước vào “làn sóng thứ hai”. Điều ấy cũng thể hiện rõ ở những chỉ đạo của Chính phủ, mà hôm 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta xác địch chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh”.
1. Sau gần 100 ngày được kiểm soát ở Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã quay trở lại. Cụ thể, sáng 25/7, bệnh nhân ở Đà Nẵng được công bố dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành ca bệnh số 416. Đó là bệnh nhân nam, 57 tuổi, thường trú tại tổ 51, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Những ngày sau đó, không chỉ ở Đà Nẵng, Covid-19 tiếp tục làm chao đảo nhiều tỉnh, thành, trong đó có Quảng Nam, Hải Dương, Hà Nội, TP HCM…
Tính đến ngày 22/8, cả nước ghi nhận 1.007 trường hợp mắc Covid-19, 27 trường hợp tử vong. Nếu ca tử vong đầu tiên ở Việt Nam hôm 31/7 khiến nhiều người mất ăn mất ngủ, thì đến nay, người ta đã chuẩn bị tâm lý tốt hơn để đón nhận những “tin xấu” do Covid-19 gây ra.
Quan sát ở các đô thị lớn có thể nhận ra sự khác biệt rất lớn trong sinh hoạt, kinh doanh của người dân. Nếu ở làn sóng thứ nhất, với biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc khiến các phương tiện vận tải phải nằm bất động, các dịch vụ phải đóng cửa (trừ siêu thị và cửa hàng bán các nhu yếu phẩm cần thiết) thì khi làn sóng thứ hai đến, người ta đã có sự chủ động hơn. Ở Hà Nội, dù đã xuất hiện một số ca mắc Covid-19 nhưng chiều chiều vẫn thấy người dân tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm. Các cửa hàng cà phê, ăn uống vẫn mở cửa, thậm chí hàng rong vẫn xuất hiện trên phố. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các cơ quan có trách nhiệm lơ là, hay buông lỏng quản lý.
Trái lại, công tác phòng, chống Covid-19 ở Hà Nội vẫn được quan tâm sát sao, nhưng theo một chiều hướng khác. Theo đó, ngay sau yêu cầu của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý: Từ 0h ngày 19/8, các quán cà phê, nhà hàng ăn uống phải đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn và giãn cách tối thiểu 1m, đã thấy sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Các tổ giám sát cộng đồng các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân… và lực lượng chức năng đồng loạt ra quân làm nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, quận có 4 tổ công tác liên ngành và 120 tổ giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch tại cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn quận đã dừng hoạt động 20 quán karaoke và 221 quán trà đá, quán nước vỉa hè; 483 nhà hàng, quán ăn, quán cà phê cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Còn công an quận Hoàn Kiếm cho biết, đến nay, lực lượng chức năng của quận đã xử phạt hơn 200 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Bên cạnh đó, nhiều quán cà phê ở Hà Nội ngoài thực hiện giãn cách bàn ghế theo quy định còn phát phiếu cho khách để ghi lại họ tên, số điện thoại cũng như thời gian ngồi uống cà phê. Một số quán ăn, quán bia đã lắp vách ngăn để hạn chế lây nhiễm. Từ ngày 21/8, phố đi bộ Hồ Gươm cũng đã tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, từ chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu kiểm tra phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, bệnh viện "nơi nào không đảm bảo an toàn thì kiên quyết cho dừng hoạt động”, ngày 22/8, Hà Nội đã tạm dừng khám bệnh 3 bệnh viện không an toàn về phòng Covid-19. Đó là Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội (77 Nguyễn Du), Bệnh viện Mắt Việt Nhật (122 phố Triệu Việt Vương), Bệnh viện Mắt Hitec (55 phố Hàm Long).
Ngoài ra, ý thức người dân cũng đã được nâng cao. Nhiều người đi qua các vùng dịch khi về đã chủ động cách ly tại nhà và thông báo với khu dân cư...
2. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các địa phương vào cuộc một cách chủ động, áp dụng những biện pháp riêng phù hợp với điều khiện của từng nơi đã khiến cho nhịp sống xã hội đỡ bị đảo lộn hơn. Thêm vào đó, ý thức người dân cũng đã được nâng cao hơn trước. Theo báo cáo của ngành y tế, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Tại Hải Dương, tình hình dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại nhà số 36 phố Ngô Quyền, thành phố Hải Dương với 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.
Kinh nghiêm đáp ứng phòng, chống dịch với ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương và một số tỉnh, thành phố cho thấy khi phát hiện trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, chính quyền địa phương thống nhất, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế để triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Bộ Y tế cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương được triển khai từ sớm, kịp thời ngay từ khi có những trường hợp mắc bệnh đầu tiên và được thực hiện phù hợp, có chọn lọc theo các khu vực nguy cơ, không giãn cách trên diện rộng, liên tỉnh như trước đây, đồng thời thực hiện giám sát, khoanh vùng dập dịch quyết liệt, yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc với các trường hợp tiếp xúc gần (Fl) đã hạn chế lây lan trong cộng đồng, góp phần làm giảm tác động của dịch đối với việc phát triển kinh tế để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Mặc dù có vậy, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 vào chiều 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn. “Qua đợt dịch này, chúng ta rút ra nhiều bài học trong quá trình chỉ đạo, trong đó có tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chỉ đạo, thực hiện; xét nghiệm nhanh, rộng, ứng dụng các phần mềm như Bluezone, truyền thông thông tin kịp thời, người dân ủng hộ, nhất là hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Trung ương và địa phương chỉ đạo quyết liệt nhưng linh hoạt, bảo đảm an toàn, kiểm soát nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kép”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Mục tiêu kép” mà Thủ tướng nhắc tới, đó là vừa đề phòng, khống chế bằng được Covid-19, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây ở các ổ dịch; vừa phải duy trì hoạt động kinh tế-xã hội ở mức độ cần thiết. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phải cương quyết, sát sao, tỉnh táo chỉ đạo 2 nhiệm vụ này để làm sao đạt hiệu quả tối ưu. Không được để dịch bệnh lây lan bùng phát, đồng thời không để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu, nước ta hội nhập sâu rộng, do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, các cấp, các ngành, đặc biệt ngành y tế không được chủ quan, không được coi thường trong quá trình chỉ đạo mà phải tập trung, làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng. “Chúng ta xác địch chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuẩn bị kịch bản cho du lịch TP HCM
Mới đây, Sở Du lịch TP HCM cho biết, đã hoàn thành hai kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới, dựa trên cơ sở diễn biến dịch bệnh Covid-19. Theo kịch bản 1, trong trường hợp Covid-19 được khống chế trong tháng 9, TP HCM sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành, vận chuyển các điểm tham quan để có những sản phẩm mới hấp dẫn. TP cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh thành đã ký kết như 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long và ký kết hợp tác liên kết phát triển với các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Trung Bộ...
Ở kịch bản thứ 2, nếu dịch kéo dài đến hết năm 2020, đồng nghĩa hoạt động du lịch, lữ hành sẽ bị ngưng trệ, các hoạt động xúc tiến sẽ được tập trung bằng giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Sở sẽ có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.