Để mọi người, mọi nhà cùng an tâm
Những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên loa của nhà thờ xứ Liêu Ngạn văng vẳng lời cha xứ kêu mời mọi người chấp hành các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan chức năng.
LTS: Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 72 năm vẫn được truyền đi như một lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào, chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc ra sức thi đua, đóng góp sức người sức của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hành trình vẻ vang ấy luôn có sứ mệnh của người Mặt trận.
Để làm sâu sắc hơn phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua, kể từ số báo này, Đại Đoàn kết mở chuyên mục “Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” nhằm tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, nhân rộng những bài học kinh nghiệm thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam phát động.
Những bài viết, câu chuyện được sẻ chia với mong muốn góp phần cổ vũ cho tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp thêm những bông hoa tươi thắm chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Trong hình dung của tôi, linh mục là những người thường gắn với hình ảnh bận lễ phục, đứng ở nơi trang trọng nhất trong những ngôi thánh đường, truyền giảng những lời dạy của Đức Chúa đến con chiên, mang nhiều sắc thái thần bí…
Vậy nên, cách đây chưa lâu, theo Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam về thăm linh mục chánh xứ và bà con giáo dân giáo xứ Liêu Ngạn (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), cá nhân tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông trung niên, trong trang phục đời thường, giản dị hồ hởi bước từ phòng mục vụ ra cổng nhà thờ xứ để đón khách. Tay bắt, mặt mừng, thăm hỏi sức khỏe, công tác từng người. Nếu không được giới thiệu từ trước người đó là Linh mục Phêrô Trần Đức Hoàn, Chánh xứ Liêu Ngạn, có lẽ tôi đã ngỡ đó là một vị trưởng thôn nào đó đang hân hoan đón người thân trở về.
Sau lần ấy, tôi còn một số lần gặp lại ông, khi ở một hội nghị bàn về vấn đề bảo vệ môi trường do MTTQ tỉnh tổ chức, khi tại diễn đàn của Công an tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những lần như vậy, thấy linh mục cũng như bao người khác về dự, rất đời thường, giản dị, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, lúc giải lao cũng tranh thủ chuyện trò vài ba câu chuyện.
Hỏi ra mới biết Linh mục Trần Đức Hoàn sinh năm 1968. Tác phong nhanh nhẹn, xởi lởi, gần gũi ấy ông rèn được khi còn là một anh Bộ đội Cụ Hồ. Như ông chia sẻ, ông bước vào tuổi thanh niên cũng là lúc cả nước đang phải dốc sức bảo vệ biên giới phía Bắc, đánh đuổi quân xâm lược. Cùng nhiều thanh niên quê xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng, Nam Định) khi ấy, ở tuổi 19, chàng thanh niên Trần Đức Hoàn hăng hái nhập ngũ, ra trận, chiến đấu ở mặt trận Lạng Sơn.
Đến năm 1989 ông may mắn được lành lặn trở về quê; bắt đầu con đường học hành, tu tập, lần lượt phục vụ tại Tòa Giám mục Bùi Chu (Xuân Trường), làm chánh xứ tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy của tỉnh Nam Định; đến năm 2015 thì được bề trên giao nhiệm vụ Chánh xứ giáo xứ Liêu Ngạn ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng.
10 năm qua, cùng với cả nước, khắp các làng quê, xứ đạo ở tỉnh Nam Định đều tích cực thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Như xã Nghĩa Sơn - nơi Linh mục Trần Đức Hoàn đang làm chánh xứ- là một trong những xã đầu tiên của tỉnh làm thí điểm cũng là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đang hướng đến đích xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Linh mục Trần Đức Hoàn, xây dựng nông thôn mới có rất nhiều công trình, phần việc phải làm, có việc chỉ cần có tiền là thực hiện được, có việc không có sự chung tay, góp sức, ý thức, trách nhiệm của mọi người, mọi nhà thì không thành công.
Hiểu được điều đó, với vai trò là linh mục chánh xứ, trong các hoạt động của nhà thờ, ông luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động, động viên bà con giáo dân thực hiện những việc cụ thể, thiết thực như giữ gìn vệ sinh môi trường- một trong những yêu cầu quan trọng của nông thôn mới; đóng góp tiền của, công sức mở rộng, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, lắp điện chiếu sáng vào ban đêm, qua đó đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và toàn thể nhân dân xây dựng làng quê, xứ đạo khang trang, sạch đẹp.
Xóm làng, xứ đạo khang trang, sạch đẹp thôi chưa đủ. Như lời linh mục, nông thôn mới thì cần phải bình yên. Ông kể, ở xứ Liêu Ngạn, hầu hết bà con giáo dân đều chăm chỉ, chí thú làm ăn. Tuy nhiên, cũng có người này người kia ra ngoài, mắc tật nọ tật kia đưa về giáo xứ. Chính vì vậy linh mục thường xuyên nhắc nhở, mời gọi mọi người tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bình yên xóm làng, xứ đạo thông qua việc thực hành “5 không”, “3 có”, gồm: Không cờ bạc, không rượu chè bê tha, không hút xách, không đánh cãi chửi nhau; có đi lễ nhà thờ, có xưng tội rước lễ, có đọc kinh.
Ngắn gọn, gần gũi, cụ thể, thiết thực, phù hợp với nội dung, mục đích của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nên những lời mời gọi của linh mục được mọi người, mọi nhà trong giáo xứ lắng nghe, hưởng ứng, thực thi, ngày càng thấm sâu, lan tỏa.
“Qua theo dõi thì thấy số người vi phạm giảm bớt, những người lầm lỗi mà sám hối thay vì bị dị nghị, đàm tiếu được tha thứ, được yêu thương. Từ chỗ mặc cảm, xa lánh đã trở lại hòa nhập với cộng đồng, tích cực tham gia các công việc chung của giáo xứ”, Linh mục Trần Đức Hoàn chia sẻ.
Nói về những đóng góp của Linh mục Trần Đức Hoàn trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Nguyễn Xuân Trường, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nghĩa Hưng kể, vì nhiều lý do, có thời gian nhiều người dân địa phương ngại, không chủ động mua bảo hiểm y tế tự nguyện, dẫn đến việc địa phương không đạt được tiêu chí tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trong xây dựng nông thôn mới; với người dân mỗi khi ốm đau, bệnh tật, phải đến bệnh viện lại phải tự chi trả toàn bộ chi phí, rất tốn kém.
Biết được việc này, Linh mục Trần Đức Hoàn đã rất sốt sắng. Không chỉ tuyên truyền, giảng giải, giúp người dân nhận thức được lợi ích thiết thực của việc mua bảo hiểm y tế, ông còn động viên, khuyến khích bà con giáo dân bằng việc nếu ai khó khăn, khi mua bảo hiểm y tế ông sẽ vận động, hỗ trợ 50% chi phí mua thẻ.
Những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, số đông người dân đều có phần hoang mang, lo lắng, trên loa của nhà thờ xứ Liêu Ngạn văng vẳng lời cha xứ kêu mời mọi người chấp hành các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan chức năng. Giáo dân đến nhà thờ được linh mục cấp phát đầy đủ nước sát khuẩn, khẩu trang y tế.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nói về “việc đời”, Linh mục Trần Đức Hoàn chia sẻ, hiện nay ở các vùng nông thôn có rất nhiều phong trào xã hội tích cực, như phong trào bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, tệ nạn; khuyến học, khuyến tài, phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế...
Để nhân rộng, phát huy hiệu quả các phong trào, theo linh mục cần có đội ngũ cán bộ làm phong trào tận tâm, tận lực, gắn bó; phát huy vai trò của các ngành, các đoàn thể, các tôn giáo, các giới; các phong trào có sự liên thông, gắn kết, tương hỗ nhau.
Ông cũng nhìn nhận, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tôn giáo cùng có chung mục đích quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Do vậy, sự hiểu biết, cộng tác, phối hợp thường xuyên giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tôn giáo trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là rất cần thiết, trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng nhau.
“Tôi mong muốn, những cán bộ làm công tác tôn giáo có sự hiểu biết về tôn giáo, đồng cảm, gần gũi với đồng bào để hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Và tôi cũng tha thiết mong muốn Nhà nước quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, qua đó giúp người dân nông thôn, trong đó bà con giáo dân xứ Liêu Ngạn có công ăn việc làm, có cuộc sống đủ đầy ngay tại chính làng quê, xứ đạo của mình, giúp bà con được an tâm”, Linh mục Trần Đức Hoàn bộc bạch.
Vẫn mạch tâm sự ấy, Linh mục Trần Đức Hoàn chia sẻ, tháng 5/2019, ông và bà con giáo dân giáo xứ Liêu Ngạn được đón Giáo sư Hoàng Chí Bảo về thăm, kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
“Rất nhiều câu chuyện xúc động lần đầu tiên chúng tôi được nghe, thấy thấm thía hơn cuộc đời hy sinh vì nước, vì dân cũng như tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác; giúp chúng tôi ý thức hơn được trong cuộc sống tu trì cũng như cuộc sống hằng ngày phải luôn đề cao lợi ích của dân tộc, của cộng đồng, sống sao cho tốt đời - đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc”, Linh mục Trần Đức Hoàn tâm sự.