Bài học từ vụ việc của ông Phạm Phú Quốc
Theo ThS Nguyễn Tuấn Anh, vi phạm của đại biểu Phạm Phú Quốc là dẫn chứng khiến cho dư luận nhân dân lo lắng, cần tạo dựng niềm tin trong dân bằng việc xử lý vi phạm một cách nghiêm minh và thiết lập cơ chế kiểm soát hiệu quả để tránh những trường hợp tương tự.
Sự việc ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội, mang hai quốc tịch mà không khai báo với tổ chức gây bức xúc dư luận những ngày qua đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý về mặt Đảng và chính quyền. Liên quan đến vấn đề trên, ThS Nguyễn Tuấn Anh, hiện công tác tại Sở Công Thương TP HCM, đồng thời là Học viên Chương trình Chính sách Công trường Đại học Fulbright đã chia sẻ với PV báo Đại Đoàn kết.
Thưa ông, có thể nói việc phát hiện vi phạm của đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM đã để lại nhiều bài học. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
ThS Nguyễn Tuấn Anh: Trong những ngày qua, dư luận tỏ ra bất bình trước việc ông Phạm Phú Quốc - đương kim ĐBQH, Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và là đảng viên, nhưng đã có Quốc tịch nước Cộng hòa Cyprus (Síp) kể từ năm 2018.
Theo quy định hiện hành, một đảng viên, cán bộ công chức, đặc biệt là đối với người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các đơn vị, cơ quan nhà nước, thì hàng năm đều phải kê khai những thay đổi nhân thân, tài sản trong lý lịch.
Rồi việc một đảng viên, cán bộ công chức trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đều phải làm đủ các quy trình: Tổ chức gặp gỡ để lắng nghe, trao đổi, nguyện vọng của người được bổ nhiệm hay bổ nhiệm lại; phải được đồng nghiệp, cấp ủy nơi công tác và cả địa phương của người đó nhận xét, đánh giá về quá trình công tác, tư cách đạo đức và lối sống sinh hoạt hàng ngày; rồi lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cấp trên phải nhận xét, chấp thuận. Chưa kể, thêm vào đó là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và chính quyền đều có những quy định chặt chẽ.
Nhưng trường hợp ông Phạm Phú Quốc, dường như tất cả những điều đó đều “miễn nhiễm” khiến dư luận nghi ngờ đối với một bộ phận không nhỏ là lãnh đạo, cán bộ công chức vẫn còn đương nhiệm. Do đó, sự việc là một bài học ở nhiều khía cạnh trong công tác cán bộ đối với một chính quyền đô thị lớn như TP HCM.
Sự việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Chứng tỏ người dân rất quan tâm đến công tác giám sát cán bộ của Đảng và các cấp chính quyền, nhất là những người đại diện cho dân?
- Điều đó là chắc chắn. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân, đẩy thuyền là dân và làm lật thuyền cũng là dân”. Có được lòng tin của dân là xã hội yên bình.
Việc phát hiện không ít cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, suy thoái đã cảnh báo công tác lựa chọn lựa cán bộ hiện nay?
- Tôi nghĩ rằng, sự việc vi phạm của đại biểu Phạm Phú Quốc là dẫn chứng khiến cho dư luận nhân dân lo lắng, cần tạo dựng niềm tin trong dân bằng việc xử lý vi phạm một cách nghiêm minh và thiết lập cơ chế kiểm soát hiệu quả để tránh những trường hợp tương tự. Người dân và xã hội cùng mong muốn, trông đợi và tin tưởng vào Đảng và Nhà nước thì trách nhiệm của đảng viên và cán bộ công chức là vun đắp, tạo dựng niềm tin đó ngày càng lớn mạnh, vững chãi hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!