Đừng để người dân 'cõng phí'
Hệ thống thoát nước được TP HCM tăng ngân sách đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng trong gần 10 năm qua nhưng tỏ ra kém hiệu quả. Mới đây, việc Sở Xây dựng TP HCM tiếp tục có tờ trình đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước năm 2020 càng làm cho người dân không khỏi băn khoăn, lo ngại…
Dân “cõng” thêm phí thoát nước
Với mức phí áp cho mỗi m3 nước đề xuất là 1.430 đồng/m3, mục đích để dùng vào công tác đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước. Theo tờ trình về ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TP HCM giai đoạn 2020-2024 của Sở Xây dựng thành phố, dẫn giải là kết quả của việc sau khi lấy ý kiến nhiều Sở ngành liên quan, để gửi tham mưu cho UBND TP HCM xem xét.
Nếu áp dụng theo mức giá giá dịch vụ thoát nước kể trên thì bình quân mỗi năm sẽ tăng lên. Cụ thể, năm 2020 tính mức 1.430 đồng/m3 (chưa gồm thuế GTGT); 2.033 đồng/m3 (năm 2021); 2694 đồng/m3 (năm 2022); 3.426 đồng/m3 (năm 2023) và tới năm 2024 áp mức 4.237 đồng/m3.
Trong tờ trình gửi UBND TP HCM, Sở Xây dựng nêu đối tượng áp dụng thu phí thoát nước là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố. Các hộ đã đóng dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường. Việc này sẽ giao cho Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) tính toán căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của từng hộ dân, cơ quan, tổ chức (thông qua hóa đơn - PV).
Theo Sở Xây dựng TP HCM, đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước của Sawaco cung cấp thì vẫn phải tiếp tục đóng phí bảo vệ môi trường.
Theo đề xuất thì nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải sẽ phải để lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có); Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố.
Phải tính toán kỹ lợi ích của người dân
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, giá nước sạch của TP HCM đã tăng trung bình là 5-7% (theo chính báo cáo của các ngành chức năng). Trong khi đó, việc đầu tư cho hệ thống thoát nước của thành phố vốn tốn kém nhiều tiền bạc, hàng chục tỷ đồng mỗi kỳ giải ngân, thế nhưng hiệu quả thực tế đem lại thì tỷ lệ nghịch. Hiện nay, nhiệm vụ quản lý hệ thống thoát nước do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố (trực thuộc Sở Xây dựng thành phố) đảm nhiệm.
Tuy nhiên, theo ông Ninh, để một đề xuất đảm bảo công khai, minh bạch thì các số liệu về tiền giải ngân cho các dự án đầu tư hệ thống thoát nước của thành phố qua từng giai đoạn cũng phải công khai để người dân và các đối tượng áp dụng đề xuất (theo tờ trình) cùng giám sát và đóng góp ý kiến. Việc chỉ lấy ý kiến sơ sài từ các Sở ngành theo như tờ trình của Sở Xây dựng TP HCM là chưa đảm bảo lấy ý kiến của đại đa số đối tượng được áp dụng. Do đó, thiếu tính khách quan.
Còn tại một cuộc họp gần đây, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án chống ngập của TP HCM giai đoạn 2016-2020 là vào khoảng gần 26.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước, vấn đề chính khiến TP HCM đã chi hàng năm nguồn vốn khổng lồ cho công tác thoát nước và chống ngập nhưng chưa hiệu quả. Nhiều nơi dù được đầu tư hệ thống cống thoát nước mới song ngập úng nghiêm trọng vẫn xảy ra.
Một phần nguyên nhân do hệ thống lòng cống, hầm ga, cửa xả bị bít hoặc việc kết nối đang có vấn đề. Các dự án được đầu tư, lắp đặt cống to, hiện đại nhưng việc đấu nối giữa hệ thống các đường ống, kết nối dẫn nước đổ ra kênh rạch, sông Sài Gòn chưa đảm bảo nên nước không thoát được và ngập úng vẫn cứ tái diễn hàng năm. Bên cạnh đó, nhiều khu vực vùng ven, ngoại thành của thành phố cũng chưa có quy hoạch và việc thực hiện chống ngập theo quy hoạch giao thông, đô thị, nhưng lại không theo quy hoạch chuyên ngành thoát nước, dẫn đến các bất cập không thể tháo gỡ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù việc quy hoạch thoát nước của TP HCM trong tương lai được dự kiến mở rộng diện tích lên gần 2.100 km2, tăng gấp 3 lần so với quy hoạch cũ, và dự kiến nguồn kinh phí rất lớn sẽ gây áp lực đối với ngân sách. Tuy nhiên, không vì thế mà thành phố lại đề xuất triển khai việc thu phí đánh vào “túi tiền” của người dân.