'Vá' lỗ hổng bản quyền âm nhạc
Việt Nam đã tham gia công ước Berne và trong nước đang có nhiều tổ chức đứng ra đại diện bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Thế nhưng thực tế các chế tài xử phạt vấn nạn “đạo”, “ăn cắp”, dùng “chùa”... các tác phẩm âm nhạc vẫn còn thấp.
Mới đây, không chỉ giới âm nhạc trong nước mà cả thế giới đã vô cùng xôn xao khi đại diện của Việt Nam là công ty VNG đã có đơn gửi lên TAND TP HCM yêu cầu TikTok xóa tất cả các đoạn nhạc lấy từ Zing khỏi ứng dụng và trang web TikTok, đồng thời bồi thường thiệt hại hơn 221 tỷ đồng (9,5 triệu USD).
Cụ thể, VNG cáo buộc nền tảng video ngắn lồng ghép nhạc này không có đầy đủ bản quyền cho các bài hát được sử dụng.
Cụ thể hơn, TikTok đang sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing, dịch vụ âm nhạc trực tuyến của VNG, mà không có sự đồng ý của công ty Việt Nam. Theo báo cáo ngày 11/3 của VNG cho thấy có tổng cộng 150 bản ghi Zing được sử dụng trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok.
Sau một thời gian ngắn du nhập, đến nay Việt Nam đã có hơn 10 triệu người đang sử dụng phần mềm này. Thậm chí với nhiều người giờ đây việc lồng ghép một đoạn nhạc vào trong video trên nền tảng TikTok còn “dễ hơn ăn cơm”. Nhưng giữa hành động và ý thức khi sử dụng TikTok thì lại là điều hoàn toàn trái ngược.
Thực tế, đại đa số người dùng không hề biết mình đang vi phạm bản quyền về âm nhạc, thậm chí có cả những người đang tham gia hoạt động nghệ thuật, âm nhạc. Bởi với nhiều người khi sử dụng đơn giản là “nhạc có sẵn, miễn phí, thì cứ dùng”.
Có lẽ, câu chuyện kiện TikTok sẽ còn cần một thời gian dài để “hạ hồi, phân giải”. Nhưng thực tế việc vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam nhiều năm qua dường như không còn là điều gì mới lạ.
Đơn cử, như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) mới đây đã vừa phải ra thông báo về việc nhiều cá nhân, tổ chức đang “vô tư, hồn nhiên” sử dụng các tác phẩm âm nhạc “Thôi em hãy về đi” (Chuyện tình dang dở) của tác giả Mộng Long.
Cụ thể, thông báo cho biết, theo phản ánh của yác giả Mộng Long (tên thật Nguyễn Mộng Long) là thành viên của VCPMC và qua rà soát của VCPMC trong thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm “Thôi em hãy về đi” (Chuyện tình dang dở) do tác giả Mộng Long sáng tác nhưng đề tên tác phẩm - tác giả chưa đúng là “Em hãy về đi” tác giả Vinh Sử hoặc “Anh hãy về đi” tác giả Vinh Sử.
Hay 2 ca khúc “Hoa nở không màu”, “Buồn làm chi em ơi” do ca sĩ Hoài Lâm hát, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường sáng tác ra mắt từ tháng 6/2020 đến nay đã có hàng loạt bản cover. Tuy nhiên, càng nhiều người cover, vấn đề bản quyền ca khúc càng được đặt ra khi xuất hiện nhiều sản phẩm đăng tải lên YouTube để kiếm tiền, thậm chí trình diễn nhưng lại quên “xin phép” nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, chủ sở hữu ca khúc...
Trước đó trong một tập phim của phim “Xin chào hạnh phúc” đã sử dụng bài hát trên để lồng nhạc nhưng cũng… quên xin phép. Khi nhạc sĩ phản ứng, sau 1 ngày, đại diện nhà sản xuất phim thay mặt ê kíp gửi lời xin lỗi đến nhạc sĩ.
Có thể thấy, ở Việt Nam chưa khi nào vấn đề bản quyền âm nhạc trở nên nhức nhối như trong thời gian qua. Đặc biệt, thời đại công nghệ phát triển với các phần mềm ứng dụng như Facebook, YouTube hay các kênh phát nhạc trực tuyến… trở thành sân chơi của các nghệ sĩ và cả những người đang “nuôi mộng” trở thành ca sĩ.
Ngoài việc có một môi trường “mở” kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả, những nền tảng này cũng trở thành một kênh kinh doanh của nghệ sĩ, nếu có nhiều người theo dõi, ủng hộ. Những người đăng tải các clip âm nhạc có thể có được một nguồn thu nhập đáng kể dựa trên các bài quảng cáo hay trở thành đại diện thương hiệu, doanh nghiệp nào đó…
Thậm chí, hiệu quả của sản phẩm sẽ gần như được đánh giá một cách dễ dàng qua số lượng lượt view, like và share…của người xem. Tuy nhiên, điều này cũng để lại rất nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề bản quyền tác phẩm.
Thực trạng này được thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau như cover ca khúc “hit” mà chưa xin phép tác giả hoặc ca sĩ có bản quyền sở hữu. Thậm chí nhiều cá nhân đã vượt “tường lửa” kiểm soát bằng cách sử dụng thủ thuật “hack nhạc” bằng cách lấy link có bản quyền về phối lại. Tuy nhiên, dù các vụ việc sau khi được phát giác thì hầu hết những người bị xâm phạm chỉ lên tiếng trên trang cá nhân, lên tiếng cùng báo chí, hoặc cùng lắm là gửi khiếu nại lên VCPMC nhờ can thiệp. Nhưng kết cục thì đại đa số các trường hợp này đều phải cố gắng giải quyết mọi chuyện theo lối “dĩ hoà vi quý”.
Tựu chung lại với một nền âm nhạc và công nghệ đang ngày một phát triển, những tác giả âm nhạc chân chính đang phải đối mặt với vô số những thách thức. Ở đó với các tác giả ngoài việc sáng tác còn phải xây dựng kỹ năng để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.
Còn với những người đang thụ hưởng đang sử dụng các phẩm âm nhạc đó hơn bao giờ hết cần phải hiểu và thực thi quyền sở hữu các tác phẩm âm nhạc một cách nghiêm túc. Chỉ có như vậy nền âm nhạc Việt Nam mới ngày một phát triển văn minh hơn. Và để làm được điều này, việc quản lý và thực thi bản quyền âm nhạc tại Việt Nam cần có các điều khoản rõ ràng, hợp lý, cùng những chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để vấn đề vi phạm bản quyền.