‘Làm xiếc’ cả với người mù
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Hồng Vân, Kế toán Hội Người mù của tỉnh này, để điều tra về hành vi tham ô tài sản.
Cơ quan Công an xác định, do kinh doanh tiền ảo (Bitcoin) bị thua lỗ, Hồng Vân đã lập khống chứng từ rồi rút hơn 1,1 tỷ đồng của cơ quan để trả nợ. Hành vi tham ô tài sản để chơi chứng khoán, tiền ảo đã là không thể chấp nhận, đằng này bị can Vân còn đang tâm “thăn” cả tiền của người mù thì quả là táng tận lương tâm.
Theo điều tra của cơ quan công an, ông Phạm Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa do bị khiếm thị không thể ký “tươi” được nên phải khắc con dấu có sẵn chữ ký. Lợi dụng điều đó, Nguyễn Thị Hồng Vân đã lập khống chứng từ, “cốp” dấu có sẵn chữ ký của ông Quyết rồi mang ra kho bạc để rút tiền về trả nợ do thua lỗ khi chơi tiền ảo. Ngoài ra, Hồng Vân còn lập các hợp đồng khống, chuyển tiền cho một số tập thể, cá nhân và nhờ rút tiền chuyển lại cho mình sau khi đã trừ tiền thuế trên hóa đơn.
Số tiền hơn 1,1 tỷ đồng đối với một tổ chức hội của người bình thường đã là không hề nhỏ, nhưng đối với Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa thì đó là một khoản tiền rất lớn; cả về mặt con số và cả về mặt ý nghĩa. Hơn nữa, trong đó có cả số tiền kiếm được bằng chính mồ hôi nước mắt của người mù làm sao có thể không đau.
Xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những người khuyết tật, trong đó có người mù. Đó là lý do mà ở các bến tàu, bến xe, thang máy, nơi công cộng khác, người ta luôn thiết kế những đường lăn dành cho người khuyết tật. Riêng đối với người mù cũng đã có nhiều cuốn sách chữ nổi ra đời để đảm bảo nhu cầu học tập, làm việc, nghiên cứu... cho họ. Có không ít doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đóng góp, chia sẻ về vật chất, tinh thần nhằm động viên, giúp đỡ người khuyết tật, trong đó có người mù.
Vậy mà thay vì làm tốt công tác chuyên môn của bản thân, cố gắng hơn nữa để giúp đỡ Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Thị Hồng Vân lại “làm xiếc” với người mù. Thông tin kế toán của Hội Người mù tham ô hơn 1,1 tỷ đồng khiến dư luận xã hội rất bức xúc. Làm sao có thể không phẫn nộ khi mà một người lành lặn được nhận vào làm việc ở Hội Người mù lại chiếm đoạt những đồng tiền ít ỏi từ mồ hôi nước mắt của người mù.
Việc Nguyễn Thị Hồng Vân bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam âu cũng là cái giá phải trả cho hành vi bất lương. Ngoài việc phải chịu một bản án nghiêm khắc của pháp luật, Nguyễn Thị Hồng Vân còn phải chịu sự khinh bỉ từ cộng đồng xã hội, bởi hành vi tham ô tiền của người mù.
Buồn ở chỗ, Nguyễn Thị Hồng Vân lại không phải là trường hợp đầu tiên có hành vi “ăn chặn” của người khuyết tật, người yếm thế. Mới chỉ cuối năm 2019 thôi, ngay tại Thủ đô, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (xã Thụy An, huyện Ba Vì) có hành vi ăn chặn hàng từ thiện. Lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội thanh minh rằng, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng thử hỏi còn có bao nhiêu “con sâu” như vậy?
Đến tháng 5/2020, Thanh tra TP Hồ Chí Minh cũng công bố thông tin Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè để ngoài sổ sách tiền, hiện vật nhận từ thiện trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. Trong các năm 2018-2019, Trung tâm này đã chia chác cho cán bộ, nhân viên ở đây số tiền gần 800 triệu đồng, lấy từ nguồn từ thiện dành cho trẻ khuyết tật, mồ côi. Nhiều người đã phải thốt lên: Đến cả tiền cho trẻ tàn tật, mồ côi mà cũng ăn chặn thì lương tâm đâu mất rồi?
Điểm sơ cũng đã thấy không ít cá nhân, tổ chức có hành vi bớt xén, ăn chặn tiền của người khuyết tật, trẻ mồ côi. Do vậy, các cơ quan chức năng cần siết thật chặt hoạt động của những cơ sở này để không tái diễn những hành vi bất lương đối với người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi… những người yếm thế. Phải thật sự “chọn mặt gửi vàng” khi tuyển cán bộ, nhân viên, không thể giao trứng cho ác.