Độc tố botulinum có trong pate Minh Chay được sử dụng để… làm đẹp
Là chất độc có thể gây chết người nhưng botulinum lại đang được sử dụng trong thẩm mỹ. Chất độc này có an toàn với người làm đẹp hay không là câu hỏi được đặt ra.
Món pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống mới (địa chỉ tại Hà Nội) đã gây ngộ độc khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì chứa độc tố botulinum đang khiến cộng đồng hoang mang.
Trong lúc cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp thu hồi sản phẩm, ngăn chặn nguy cơ ngộ độc và nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân thì các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ lại lên tiếng về việc độc tố này đang được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực làm đẹp. Thông tin trên khiến nhiều người nghi ngờ đặt ra câu hỏi liệu chất độc này sử dụng trong thẩm mỹ có an toàn cho bệnh nhân?
Trước vấn đề trên, chiều 7/9, Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm Mỹ Da, Bệnh viện Da Liễu TP HCM xác nhận, bệnh viện đang sử dụng botulinum trong một số kỹ thuật thẩm mỹ, chăm sóc da cho bệnh nhân. Botulinum đã được đưa vào sử dụng từ lâu chứ không phải mới xuất hiện sau thông tin các ca ngộ độc xảy ra.
Hơn 30 năm qua, botulinum được ứng dụng trong y học giúp điều trị một số bệnh lý về mắt, nội thần kinh, niệu khoa, da liễu… Để trở thành thuốc, botulinum đã được phân lập, tinh chế và cố định với quy trình nghiêm ngặt. Từ năm 2002, botulinum lần đầu tiên được chính thức sử dụng trong xóa nếp nhăn vùng mặt.
Hiện nay, tiêm botulinum trở thành kỹ thuật được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất trong ngành thẩm mỹ trên thế giới nhờ tính an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện và chi phí hợp lý. Tại Việt Nam, botulinum đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thẩm mỹ và một số chuyên ngành khác từ nhiều năm qua.
Theo phân tích chuyên môn của BS Ánh Tú, thực phẩm nhiễm khuẩn chứa botulinum (0,004μg/kg cân nặng) có thể gây ngộ độc, dẫn đến tử vong cho con người. Tuy nhiên, botulinum khi sử dụng trong thẩm mỹ mang lại cho hiệu quả rất tốt giúp làm giảm nếp nhăn giữa 2 cung mày, nếp nhăn đuôi mắt, nếp nhăn vùng trán, điều trị tăng tiết mồ hôi, trẻ hóa làn da, làm thon gọn khuôn mặt…
Khác với tác hại khi cơ thể hấp lượng lớn botulinum qua đường tiêu hóa gây ngộ độc toàn thân, các chỉ định trong thẩm mỹ sử dụng đường tiêm tại chỗ với liều lượng rất thấp. Sau khi tiêm cơ thể hầu như chỉ bị botulinum tác động đến lớp cơ và các tuyến tại chỗ, không ảnh hưởng toàn thân.
Mặt khác, khoảng an toàn của botulinum sử dụng trong thẩm mỹ khá cao, liều tiêm thường không vượt quá 1/30 liều gây ngộ độc. Vì vậy việc sử dụng chất này trong thẩm mỹ được đánh giá là khá an toàn.
Tuy nhiên, kỹ thuật tiêm botulinum của bác sĩ thẩm mỹ phải chuẩn xác, liều lượng tại mỗi vị trí tiêm phải được tính toán kỹ lưỡng để có kết quả tốt. Nếu không tuân thủ chuyên môn, không nắm vững kỹ thuật, người tiêm có thể khiến bệnh nhân đối mặt với các biến chứng như bầm tím, phù nề hoặc đau tại chỗ tiêm. Nặng hơn có thể khiến người bệnh nhìn mờ, sưng nề, đau đầu, buồn nôn hoặc sa mí mắt, sa chân mày…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Ánh Tú, các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng botulinum thường mang tính tạm thời, sẽ phục hồi sau vài tuần đến vài tháng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tác dụng phụ hoặc tai biến khi tiêm botulinum chủ yếu do người thực hiện chưa được huấn luyện bài bản, không nắm vững cấu trúc giải phẫu của cơ thể.
Để tránh tác dụng không mong muốn khi tiêm botulinum với mục đích làm đẹp, BS Ánh Tú khuyến cáo cộng đồng cần chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín có bác sĩ được đào tạo chính quy và được phép thực hiện kỹ thuật.