Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: Thơ với tôi là nghiệp!
Đọc “Sau bão” và “Thu không” của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, luôn hiển hiện lên tâm trạng người phụ nữ cô đơn và đôi chút lạc lõng. Ở đó, có nhiều hình ảnh của cuộc sống hiện đại, đầy cảm giác về một xã hội càng phát triển, nhu cầu vật chất tăng cao, trong khi tinh thần con người thì dần chìm vào hoang mang, cô quạnh.
“Có lẽ từ rất nhỏ, tôi cũng không nhớ chính xác những vần thơ tập tễnh của mình được bắt đầu từ khi nào, ngày đó không có những công cụ để lưu. Trong ký ức của tôi có hình ảnh những trang vở ô li với những câu thơ mực tím chữ rất xấu…”- nhà thơ Đoàn Ngọc Thu chia sẻ về việc chị bắt đầu đến với thi ca như vậy.
Tuổi thơ Thu trôi qua khá êm đềm. Theo cách của một đứa trẻ ở phố, con nhà cán bộ. Quán Thánh, nơi chị cùng gia đình định cư, là con phố khá lớn với những ngôi nhà kiểu Pháp, ngõ rộng và thưa thớt hàng quán: “Một quán nước nhỏ, một hàng dưa cà, một tiệm may, một cửa hàng văn phòng phẩm… Cách nhà tôi chừng 200m là phố Yên Ninh, có một quán mì vằn thắn của gia đình một Hoa kiều, sau năm 1979 thì không còn nữa, một hàng phở gánh chỉ mở buổi tối, một cái máy nước công cộng lúc nào cũng đông thùng xô chậu…”
Ký ức đẹp nhất mà chị coi đó giống như sự khởi đầu của nghề viết, đưa chị vào con đường với văn học, là tiệm văn phòng phẩm của bà Khang. Bà ở cách nhà chị ba số nhà: “Căn nhà mặt đường có cổng bên cạnh bằng sắt, chỗ bán văn phòng phẩm là một cửa ngách trổ như dạng cửa sổ, có bậc tam cấp để người mua dễ dàng nhìn thấy hàng bày bên trong. Với một đứa trẻ năm, bảy tuổi thì ngôi nhà đó có một sự bí ẩn kỳ lạ khi mà chính xác một cách đặc biệt, vào bốn giờ chiều hàng ngày, cánh cửa sắt mở, một ông cụ tóc bạc, dắt chiếc xe đạp mi ni, trên giỏ xe có một chú chó nhỏ, thủng thẳng đạp đi… cũng là lúc tiệm văn phòng phẩm mở. Tôi thường ngồi ở bậc tam cấp, đợi cái thời khắc đó, để nghe trộm tiếng piano vẳng ra… sau khoảng một tiếng thì sẽ đến tiếng catsette với những bản nhạc trữ tình mà tôi nhớ nhất đó là bản “Mây lang thang”…”
Trong tuổi thơ ấy, lúc là có, lúc là không cho dự cảm của Đoàn Ngọc Thu về việc văn chương sẽ luôn đeo đẳng suốt cuộc đời chị như đang diễn ra.
Vài năm sau, lớn hơn, Đoàn Ngọc Thu mới biết ông cụ đạp xe mini là họa sĩ thiền sư Trịnh Hữu Ngọc, bà Khang - cách gọi giản dị của chị và các bạn mỗi khi cần mua nhãn vở, ngòi bút là phu nhân của ông - họa sĩ Nguyễn Thị Khang. Tiếng đàn piano chị thường trộm nghe là của nghệ sĩ dương cầm Trịnh Thị Nhàn.
Sau này, như cái duyên, khi đã đi sâu vào nghề viết, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu lại thân thiết với họa sĩ Trịnh Tú, người nhiều năm nay, mỗi lần chị in thơ, đều đều viết lời phi lộ và có những minh họa.
Vào thời gian này- một thời gian cuộc sống của cả thế giới biến động vì đại dịch Covid-19, tưởng chừng đang rất bận rộn với việc chăm nom gia đình, đảm đương trách nhiệm là Phó tổng Biên tập của Báo Vietnamplus, vậy mà nhà thơ Đoàn Ngọc Thu quyết định cho ra mắt cùng lúc hai tập thơ, sau sáu năm vắng bóng tác phẩm mới trên văn đàn.
“Đúng hơn là cùng lúc tôi cho ra mắt combo gồm “Sau bão” (NXB Hội Nhà văn) và “Thu không” (NXB Văn học). Với một người sáng tác thì lâu quá không ra ấn phẩm thì sốt ruột cho cả mình lẫn độc giả. “Sau bão” là những sáng tác mới, còn “Thu không” thì tôi dự định thực hiện một tinh tuyển những bài thơ ưng ý nhất của mình trong gần ba mươi năm qua, tính từ cuốn thơ đầu tiên được xuất bản năm 1992, sẽ ra sau “Sau bão”. Tuy nhiên, cũng vì ít thời gian, nên tôi quyết định làm luôn hai cuốn một lúc.
Thêm nữa, ở “Thu không” và “Sau bão”, tôi và anh Lê Thiết Cương quyết định làm một trăm cuốn đặc biệt, có đánh số, bìa và ruột in trên giấy nghệ thuật, thiết kế và gia công cũng đặc biệt, minh họa màu có chữ ký và đóng triện của cả tôi và anh Cương.
Khoe một chút, dù là cuốn đặc biệt này bán với giá rất cao, một triệu đồng cho combo đặc biệt và nhưng đến nay, sau một tuần ra mắt, tôi chỉ còn chưa đầy chục cuốn. Combo “Sau bão” và “Thu không” bản thường, cũng được độc giả đón nhận khá nhiệt thành… hy vọng rằng, thơ sẽ không bị ế…”.
“Sau bão” gồm 65 bài tình, chọn từ những sáng tác của chị, từ sau “Vé một lượt” (2014). “Sau bão”, như thường khi, được họa sĩ Trịnh Tú viết lời phi lộ, chị Phạm Thanh Hà cho Lời bạt. Vẫn là minh họa, trình bày, thiết kế của họa sĩ Lê Thiết Cương. Bên cạnh đó, trong tập thơ còn có mười minh họa rất đẹp của các họa sĩ danh tiếng: Hoàng Phượng Vỹ, Tào Linh, Trần Quân, Quốc Thắng, Bình Nhi.
“Thu không” với 56 bài, tinh tuyển những bài tình được yêu thích từ: “Thầm thì sông trăng” (1992); “Khúc hoang tưởng chiều mưa” (1998); “Muộn” (2001); “Quá giang” (2003); “Vé một lượt” (2013), những khúc Vĩ thanh và một số bài mới được chọn với tinh thần “Thu không”. Trong tập còn in thêm phụ bản là những bài Phi lộ, Lời mở sách, Lời cuối sách, bài bình những tập trước của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Đặng Huy Giang, nhà báo Đỗ Thu Hà, nhà báo Phạm Hà, họa sĩ Trịnh Tú… Đồng thời, có những bản nhạc của các nhạc sĩ đã đưa thơ Đoàn Ngọc Thu vào như: nhạc sĩ Phan Long (ca khúc “Mẹ”); nhạc sĩ Xuân Oanh (ca khúc “Anh có còn yêu em như ngày xưa”); nhạc sĩ- nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (ca khúc “Heo may sớm”); nhạc sĩ - nhà báo Hà Quang Minh (ca khúc “Đừng nhớ nhau nữa được không”); nhạc sĩ Trần Anh Linh (ca khúc “Vọng vườn châu” và ca khúc “Có một ngày 17 tháng 2 năm 1979”). Và người trình bày, minh họa, thiết kế toàn bộ tập thơ là người có duyên nợ với chị suốt mười chín năm qua cùng năm đầu sách, một video thơ “Bão” - họa sĩ Lê Thiết Cương.
Dù đảm đương nhiều trách nhiệm, Đoàn Ngọc Thu vẫn dành thời gian cho sự mơ mộng là thơ. Thơ là nơi giúp chị cân bằng giữa những xáo trộn đời thường. Phải chăng đó cũng là lý do thơ chị thường rất buồn?
“Thơ với tôi là nghiệp”. Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu trò chuyện cùng tôi sau buổi ra mắt hai tập thơ đầy ấm cúng và tình thân gia đình, bè bạn tại Hà Nội. “Tôi để những tâm tư ngổn ngang, những nốt lặng, tình yêu, niềm say mê, sự trăn trở trong các quan hệ, trong công việc… vào thơ. Và thơ thì nó bật ra mọi lúc, kể cả lúc bận rộn nhất… Thực tế thì đúng là thơ giúp tôi cân bằng, khi có gì không vui, hay khi có điều vui tôi đều có thơ để “trút”. Và dĩ nhiên thì “trút buồn vào thơ” luôn có tỷ lệ cao hơn là “đổ vui”. Thơ vốn là người bạn đồng hành của những nỗi buồn, sự hoài niệm, nỗi nhớ nhung khi xa, những đớn đau khi mất mát… Khi hạnh phúc, khi vui sướng ít người nhớ đến thơ lắm, tôi cũng vậy.
Nhiều độc giả, cũng như bạn bè, những người rất thân của tôi đều thường có nhận xét rằng, thơ của tôi và con người mà họ gặp, tiếp xúc, quen biết hàng ngày hầu như không có sự tương đồng. Tôi ngoài đời náo nhiệt, ồn ào, lạc quan và khá cực đoan yêu cũng hay yêu quá, ghét cũng hay ghét nhiều… Nhưng thơ thì lại buồn, nhiều khi nó như những tiếng thở dài, như những ngấn lệ không dừng lại… miên man từ nỗi buồn này sang nỗi buồn khác… Có đôi khi, nó là nỗi buồn của những câu chuyện tình, những số phận, cuộc chia ly của những người mà tôi chứng kiến… hoặc là của chính tôi, nhưng là một phần khuất lấp. Sao cũng vậy, thơ là đời, đời đi vào thơ… mà cuộc đời thì rộng lớn biết bao!”
Chia sẻ về cuộc sống thường nhật của mình trong thời gian này, Đoàn Ngọc Thu cho biết: “Mỗi ngày trôi qua là một ngày ‘bận rộn một cách nhàm chán, nhất là ở cái thời điểm dịch Covid-19 đang tràn lan cả thế giới này”.
Sáng chị dậy chuẩn bị cho hai con còn nhỏ đi học, rồi đến cơ quan, bắt đầu công việc của báo điện tử, đầy ắp các thông tin trong nước, ngoài nước… cho đến tận chiều muộn. “Tối sau bữa cơm thì ngó qua việc học hành của các con (qua loa thôi, vì việc đó được phân công cho ông xã), rồi lại cắm đầu vào smartphone để theo dõi tin tức cho kịp thời, không để sót, cùng với đó là lướt mạng xã hội, giao lưu online với bạn bè…
Khuya thì viết lách chút hoặc đọc sách, hôm nào có trận bóng đá của câu lạc bộ yêu thích thì xem… Hầu như ngày nào cũng chỉ vậy thôi. Chẳng có dư thời gian cho tập tành vận động, cũng hầu như không có lúc nào đi thăm hỏi bạn bè họ hàng dù là đều không quá xa…
Ngày cuối tuần thú vui nhất của tôi là chăm sóc cây cối, hoa lá và cố xem một bộ phim…”.