Quảng Nam: Sau khi kết thúc cách ly thị trường vẫn ổn định
Tại Quảng Nam sau khi kết thúc cách ly xã hội mọi hoạt động buôn bán ở các chợ địa phương đã trở lại bình thường, điều đáng ghi nhận là giá cả hàng hóa luôn ổn định và cung luôn đủ cầu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình kinh doanh một số chợ trên địa bàn tỉnh như tại huyện Thăng Bình, TP Hội An, thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên;... hàng hóa rất đa dạng, giá cả ổn định, thậm chí không tăng giá so với trước khi có dịch Covid-19 xảy ra.
Cụ thể, tại chợ Hội An (TP Hội An), chợ Quán Gò (huyện Thăng Bình), chợ Vườn Lài (TP Tam Kỳ) các mặt hàng như: rau củ, quả, thịt, cá, trứng, thịt gà;… đủ cung cấp đầy đến người tiêu dùng. Các mặt hàng giày dép, quần áo, trang sức, may mặc các hộ kinh doanh hoạt động trở lại giá cả vẫn ổn định, thậm chí còn được giảm giá so với trước đây.
Bà Lê Thị Thu Trang, tiểu thương bán ở Vườn Lài cho biết: “Sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, giá cả mặt hàng vẫn giữ ở mức bình thường như giá gạo ở mức 12.000 đến 15.000 đồng/kg; thịt heo ba chỉ và thịt mông ở mức 160.000 đến 170.000 đồng/kg; gà ta 130.000 đồng/kg, gà công nghiệp 70.000 đồng/kg; cá thu 250.000 đồng/kg, cá ngừ ở mức 90.000 đồng/kg. Nghĩa là không có mặt hàng nào khan hiếm và tăng giá so với thời chưa bùng phát dịch Covid-19”.
Không chỉ gạo, thịt, áo quần mà kể cả rau, củ, quả giá cả vẫn không tăng như dưa leo vẫn 10.000 đồng/kg, khổ qua 17.000 đồng/kg, rau ngót 7.000 đồng/1 bó, bí đao 17.000 đồng/kg, ớt 42.000 đồng/kg và chanh 20.000 đồng/kg, cà tím 12.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Anh (58 tuổi, buôn bán ở chợ TP Hội An) nói: “Sau khi hết cách ly xã hội, các mặt hàng rau, củ quả, thịt, trứng không thiếu để cung cấp cho người dân. Giá cả không tăng so với hồi trước. Như cá mối vẫn 50.000 đồng/kg, cá nục 50.000 đồng, nghêu 40.000 đồng/kg;... như trước đây”.
Không chỉ ở thành phố mà ở các chợ quê, vùng nông thôn giá cả các mặt hàng cũng luôn ổn định. Như tại chợ Tam Thái, huyện Phú Ninh, các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu hay rau, củ, quả vẫn giữ mức bình thường.
Bà Nguyễn Thị Anh là người chuyên buôn bán rau ở chợ Tam Thái chia sẻ: “Điều đáng mừng nhất là tình hình dịch đã được kiểm soát để người dân buôn bán làm ăn, càng mừng hơn khi thị trường không bị xáo động. Hiện tại giá rau xà lách 20.000 đồng/kg, rau muống 5.000 đồng/1 bó, rau má 15.000 đồng/kg, cà chua 17.000 đồng/kg. Các mặt hàng cũng vậy”.
Về các loại phân bón, thuốc trừ sâu, ông Nguyễn Văn Tín (54 tuổi, trú xã Tam Thái) cho biết: “Phân bón NPK 3 màu loại 200 g/gói có giá 10.000 đồng, phân bón NPK xanh có giá 28.000 đồng/kg, Ka Li có giá 9.000 đồng/kg, vôi 1 bao có giá 25.000 đồng, thuốc trừ sâu có giá 5.000 đồng;…. Như vậy giá các mặt hàng này vẫn giữ nguyên so với thời chưa có dịch xảy ra”.
Ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng quản lý thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Sau khi kết thúc cách ly xã hội, ở Quảng Nam không xảy ra tình trạng găm hàng, ép giá. Hiện nay, các mặt hàng vẫn giữ mức ổn định và nguồn hàng cung luôn đủ cầu và rất đa dạng về chủng loại”.
Nhưng có một thực tế đó là, hiện nay người dân đi mua sắm các mặt hàng hóa vẫn chưa đông đảo như trước đây. Nhiều người bày tỏ vẫn còn lo ngại ra đường hay đến các chốn đông người như chợ, trung tâm thương mại… vì sợ dịch bệnh.
Ghi nhận của chúng tôi, tại Quảng Nam không chỉ đáp ứng các mặt hàng theo nhu cầu mua sắm của người dân mà còn đảm bảo được giá cả, cùng với đó Quảng Nam vẫn tăng cường công tác phòng, chống dịch và làm rất tốt việc này.
Cụ thể, tại các nơi đông người như chợ, siêu thị,… tất cả đều bố trí các điểm rửa tay sát khuẩn, nhắc nhở đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19. Ban quản lý chợ luôn tuyên truyền nhắc nhở về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Như tại huyện Thăng Bình, ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện nay, hàng hóa trên địa bàn huyện đảm bảo cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân, giá cả vẫn giữ mức ổn định. Còn về công tác phòng, chống dịch Covid-19, địa phương vẫn duy trì 640 tổ tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những nơi đông người, mua sắm đều được bố trí điểm rửa tay sát khuẩn, các khẩu hiệu nhắc nhở người dân đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh, càng đáng mừng khi người dân rất ý thức thực hiện công tác này”.