Người Mặt trận trên mặt trận chống Covid - Bài 1: Nghèo khó cũng ‘ra trận’
Có những người nghèo với thân phận đầy bi kịch nhưng gạt đi nỗi niềm riêng họ vẫn tìm đến Mặt trận để ủng hộ tiền bạc hay kỷ vật quý giá của mình cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bằng rất nhiều nỗ lực, về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Cùng với Đảng, Nhà nước, ngành Y tế, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, người Mặt trận một lần nữa thể hiện bản lĩnh xung kích, đoàn kết lòng người cùng vững tâm vượt khó.
Từ số này, báo Đại Đoàn kết giới thiệu loạt bài “Người Mặt trận trên mặt trận chống Covid”.
Có những người nghèo với thân phận đầy bi kịch nhưng gạt đi nỗi niềm riêng họ vẫn tìm đến Mặt trận để ủng hộ tiền bạc hay kỷ vật quý giá của mình cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Để thấy, Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống Covid-19 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chạm đến trái tim của mỗi người, mở đầu cho hàng loạt phong trào ủng hộ công tác phòng chống dịch trên toàn quốc trong gần 6 tháng qua.
Nhận lại để cho đi
Chúng tôi tìm về thị xã Phú Thọ giữa một chiều hè oi ả. Thị xã đã hơn 100 năm tuổi nằm nép mình bên bờ tả ngạn sông Hồng thật bình yên. Qua sân ga Phú Thọ chẳng một bóng người, chúng tôi đi bộ men theo con dốc nhỏ vào sâu trong ngõ tìm đến tổ 16 khu Phú An, phường Phong Châu để gặp chị Nguyễn Thị Thu Hoài.
Chị Hoài năm nay 43 tuổi, sẽ chẳng có gì để nói, nếu cuộc đời chị cũng yên bình như khung cảnh êm đềm của thị xã bên bờ sông kia. Chỉ là từ lúc chị chọn cho mình một lối đi riêng, làm mẹ đơn thân, sinh con trong khó nhọc, quạnh quẽ, chị đã hiểu, sóng gió của cuộc đời sẽ chẳng thể nào chấm dứt.
Một mình nuôi con với đồng lương 5 triệu của một công nhân may, chị bảo, dầu sao đời mình vẫn còn quá nhiều may mắn vì có sự đỡ đần chăm lo của bà con chòm xóm, bạn bè và các cơ quan ban ngành mà căn nhà mang tên “Mái ấm công đoàn” mẹ con chị đang ở đã được xây dựng bằng chính những yêu thương ấy.
Nhưng những biến cố của cuộc đời vẫn không dừng lại, nó giống như một phép thử cho sức hạn của con người. Năm 2019, bác sĩ thông báo cho chị biết mình bị ung thư vú, đã có dấu hiệu di căn, chị bảo, chưa từng thấy điều gì tuyệt vọng hơn thế.
Bầu trời sụp đổ. Biết bao mơ ước cũng sụp đổ. Rồi những ngày thiếp đi, chân như không chạm đất sau từng đợt xạ trị, sợi tóc cuối cùng cũng tuột xuống, chị chấp chới trong những cơn mê sảng ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Cơn mê đưa chị trở về căn nhà nhỏ nằm xéo bên sân ga Phú Thọ, nơi có tiếng cười hồn nhiên, có đôi mắt to tròn thơ ngây của cậu con trai bé nhỏ khắc khoải đợi mẹ về.
“Mẹ ơi, về với con”, tiếng thằng bé không biết bao lần vang lên trong tâm trí để như có một sức mạnh vô hình giúp chị vượt qua mọi đau đớn, mê man.
Thế là đằng đẵng gần 1 năm trời, bao tiền của dành dụm được, chị dốc hết cho những đợt chữa trị. Đợt chữa trị dài khiến chị phải nghỉ việc ở công ty. Thay vì được nghỉ ngơi thì chị lại ngày ngày xạ trị, tối đến kiếm việc để làm thêm, may quần áo, khẩu trang, bán hàng thực phẩm online, mà nói như chị thì “kiếm được việc gì cũng làm”. Vì nếu không làm thì không có tiền chữa trị, không có tiền nuôi con.
Vậy mà, ở trong “cơn bĩ cực” nhất của cuộc đời, chị Hoài lại làm một việc không phải ai ở hoàn cảnh của chị cũng làm được. Đó là sau một ngày xạ trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, chị đi thẳng đến Ủy ban MTTQ thành phố Việt Trì để ủng hộ 1 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Điều gì khiến chị làm như vậy?”, câu hỏi của chúng tôi vuột đến khiến chị lặng im, lau giọt nước mắt trực trào, chị bảo, “tôi đã nhận được rất nhiều yêu thương của mọi người nên khi xem trên mạng thấy MTTQ kêu gọi người dân ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch, tôi đã nghĩ ngay rằng, mình phải làm một việc gì đó. Lúc ấy vét trong người còn đúng 1 triệu đồng tôi gửi hết các bác ở Mặt trận”.
Chúng tôi hiểu rằng, với chị Hoài, số tiền trao đi nhiều hay ít không còn quan trọng. Vì hơn tất cả, sự trao đi này với chị lại là niềm hạnh phúc khi được sẻ chia, được góp một phần nhỏ bé của mình cho đất nước.
Bây giờ, trở về sau đợt điều trị, mái tóc đã mọc trở lại, nhưng cùng với nỗi đau thể xác vẫn là lo lắng mưu sinh để chăm lo cho cậu con trai bé nhỏ. Thế nhưng chính tấm lòng và tinh thần lạc quan của chị Hoài đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh, như chị nói “tôi không mong người khác cho tôi tiền, chỉ cần tạo cho tôi việc làm” để vững tin là chị sẽ vượt qua những ngày dài ở phía trước.
20 nghìn đồng và những câu chuyện đẫm nước mắt
Có những người với thân phận đầy bi kịch nhưng sự tử tế của họ lại làm cho đời sống của chính chúng ta thấy ý nghĩa hơn như câu chuyện mà chúng tôi tìm thấy ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Bảo Thắng là một huyện nghèo của Lào Cai, nhưng trong đợt ủng hộ phòng chống Covid vừa qua, đã có hơn 4.000 hộ nghèo tự nguyện tham gia ủng hộ.
Đó là chị Hoàng Thị Sắc (49 tuổi) người dân tộc Tày ở thôn Nhuần 1 xã Phú Nhuận. Một hộ nghèo nhất thôn nhưng lại là người đầu tiên ở thôn tìm đến Ban Công tác Mặt trận để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 20.000 đồng.
20.000 đồng với phần đông chúng ta chẳng là gì nhưng khi tìm đến căn nhà xiêu vẹo nằm bên sườn núi, chúng tôi mới thấm thía số tiền ấy với chị Sắc có giá trị như thế nào.
Chị Sắc tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng chừng 20 mét vuông không có vật dụng gì đáng giá, ngoài chiếc ban thờ chỏng chơ mỗi bát hương thì có vài tấm gỗ được kê lại thành giường làm chỗ ngủ.
Nói là nhà nhưng thực ra chỉ là những tấm vách tre thủng lỗ chỗ được vá víu khắp nơi. Vài miếng bao tải đã cũ mục rữa không đủ che nắng, mưa. Gió lùa mạnh cũng có thể tắt ngọn lửa trong bếp. Nhiều hôm, trời mưa to, gió lớn, những cây cột mục nghiêng ngả, nhà dột khắp nơi. Sợ nhà đổ sập mấy mẹ con phải chạy trốn xuống túp lều mái tranh sát nhà ngủ tạm.
Lau vội mồ hôi đẫm trên khuôn mặt khắc khổ già nua trước tuổi, người góa phụ nghèo kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình. Chồng mất sớm do bạo bệnh, một mình nuôi con hai con khiến cuộc sống của gia đình chị mãi luẩn quẩn trong nghèo túng, thiếu thốn.
Để mưu sinh, cả nhà chị Sắc chỉ trông vào một sào ruộng nhỏ, nhưng lúa ở vùng cao năng suất thấp cũng chẳng đủ ăn, cho nên chị phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, lúc làm cho xưởng gỗ, khi thì đi hái chè...
“Nếu có việc, thu nhập một ngày của tôi cũng chỉ hơn trăm ngàn đồng, như vậy là đủ sống rồi. Còn những lúc không có việc, mấy mẹ con chỉ rau cháo qua ngày thôi”- chị Sắc chia sẻ.
Những lời tâm sự của chị làm chúng tôi đau đáu tự hỏi, điều gì khiến một phụ nữ nghèo khó, khắc khổ lại vẫn quyết định mang những đồng tiền quý giá của mình để ủng hộ cho công tác phòng chống dịch?
Chị Phùng Thị Thoa nấc nghẹn kể về những bi kịch đã qua.
Trong lúc đi tìm câu trả lời, chúng tôi gặp chị Phùng Thị Thoa ở thôn Phú An 1, xã Phú Nhuận.
Với chị Thoa “số phận là những bi kịch nối dài.” Cho nên, câu chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt, cơn nấc nghẹn và cả những điều không dễ gì nói ra được.
Gia đình nghèo, không có điều kiện nên Thoa chỉ học hết lớp 6 để phụ giúp gia đình. Nhưng trong ký ức của chị, đó vẫn là những ngày bình yên nhất.
Sóng gió bắt đầu khi Thoa tròn 18 tuổi. Cô gái trẻ đồng ý theo lời hứa hẹn có một công việc tốt ở Sa Pa để những mong giúp cha mẹ bớt khó nhọc. Từ đây, một người phụ nữ tên Lý đã đưa Thoa sang thẳng Trung Quốc bán.
Không biết tiếng, một mình nơi xứ người, Thoa đành cam chịu sống trong tủi nhục. Bốn năm sau khi bị bán, với sự giúp đỡ của một người đàn ông tốt bụng, Thoa đã tìm được cơ hội để trốn thoát về Việt Nam.
Trở về, Thoa sống trong cô quạnh, tủi hổ. Nhưng dần dần bằng sự cảm thông chia sẻ của hàng xóm, láng giềng, Thoa đã trở lại với cuộc sống, hạnh phúc cũng tìm đến và lễ cưới được diễn ra với một người đàn ông quê ở Phú Thọ.
Nhưng kết hôn được vài tháng người chồng nói về quê có việc rồi bỏ đi luôn, để lại cái thai trong bụng Thoa ngày một lớn dần. Một mình sinh con rồi hai mẹ con Thoa lại trở về nhà sống trong sự cưu mang của gia đình. 5 năm sau, Thoa gặp người đàn ông thứ hai và kết hôn.
Người đàn ông này mồ côi cha mẹ nên được một gia đình người dân tộc Giáy nhận nuôi. Hai số phận bất hạnh tìm đến với nhau, nhưng cũng từ đây cuộc sống với Thoa đã khó lại càng khó hơn. Có với nhau thêm hai mặt con, người chồng lại vướng bệnh tật, thường xuyên đau ốm, mọi việc lại dồn tất cả lên vai chị.
Để cáng đáng gia đình, chị Thoa phải bươn chải làm đủ thứ nghề, từ phụ hồ đến làm thuê ở thành phố Lào Cai. “Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi nhưng không làm được vì còn tương lai của 3 đứa trẻ” Thoa nói trong nấc nghẹn và chúng tôi hiểu mong ước lớn nhất của chị lúc này là có công việc ổn định để lo cho gia đình.
Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng theo như chia sẻ của Chủ tịch Mặt trận xã Phú Nhuận Nguyễn Hữu Nhủ, chị Thoa cũng là một trong số những hộ nghèo đầu tiên tìm đến Mặt trận để tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.
Với đặc thù là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặc dù địa phương không có chủ trương kêu gọi, vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng theo ông Giàng Seo Vần- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, đã có gần 5.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo như chị Sắc, chị Thoa vẫn tự nguyện tham gia ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 thông qua hệ thống Mặt trận các cấp.
“Đối với người nghèo, đời sống còn khó khăn, số tiền ủng hộ chỉ là 10 ngàn, 20 ngàn đồng thôi, nhưng chúng tôi hiểu đó là cả tấm lòng của bà con. Chính những tấm lòng đó đã lan tỏa tinh thần yêu nước, tiếp thêm sức mạnh để đất nước ta, dân tộc ta chiến thắng, đẩy lùi đại dịch”- ông Giàng Seo Vần khẳng định.
Tin vào Mặt trận
Mỗi câu chuyện là một thân phận nhưng mỗi thân phận lại cho chúng ta thấy được giá trị của những nghĩa cử yêu thương. Để thấy, Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống Covid-19 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chạm đến giá trị tốt đẹp căn cốt nhất trong mỗi người, đó là sự tử tế và sẻ chia.
Cho đến thời điểm này, số tiền ủng hộ thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới các địa phương là hơn 2.200 tỷ đồng. Một con số ủng hộ lớn nhất từ trước tới nay.
Có những tập đoàn, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ủng hộ từ hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng, có những người là Việt kiều xa quê hương nhờ người thân đến ủng hộ, cũng có những cụ già, em nhỏ gom góp số tiền dành dụm của mình để mang đến Mặt trận… Và ở đó có cả sự chắt chiu của chị Hoài, cùng những tờ tiền 10.000, 20.000 quý giá của chị Sắc, chị Thoa mà chúng tôi vừa kể.
Khi hỏi chị Sắc, chị Thoa lý do để các chị hành động như vậy, chúng tôi chỉ nhận về sự lặng im. Nhưng khi hỏi, tại sao lại tìm đến Mặt trận, thì đều nhận được câu trả lời: “Tin vào Mặt trận”.
Niềm tin giống như một món quà của cuộc sống. Điều này khiến chúng tôi nhớ tới cuộc hạnh ngộ ấm áp với cụ bà nông dân Triệu Thị Hải, ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Cụ Hải năm nay đã 90 tuổi, cụ bảo, ngày xưa cả dân tộc đoàn kết đứng lên đánh thắng quân xâm lược thì nay giặc”Covid đến nhà, noi gương con cháu Vua Hùng, nghèo thì nghèo cũng phải “ra trận”.
Có mấy triệu đồng dành dụm từ tiền nhận Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba tính đem ra Mặt trận ủng hộ nhưng cụ Hải lại mang hai kỷ vật quý giá nhất của mình là đôi khuyên tai bằng vàng và 1 đồng bạc hoa xoè là của hồi môn của cha mẹ cho từ năm 1953 khi bà đi lấy chồng.
“Vì đất nước, chúng tôi chả tiếc điều gì. Sở dĩ tôi mang kỷ vật quý giá của mình ủng hộ cho công tác phòng chống dịch là muốn thể hiện niềm tin của tôi vào Đảng, Chính phủ và Mặt trận trong cuộc chiến này”- cụ Hải hồn hậu nói.
Đâu đó ngoài kia, vẫn không thiếu những câu chuyện làm ta bận lòng. Vì cuộc đời này vẫn còn nhiều ưu tư lắm. Nhưng đâu là điểm chung giữa những người như chị Hoài, chị Sắc, chị Thoa và cụ Hải? Đó chính là sợi dây đoàn kết, tinh thần cố kết cộng đồng được kêu gọi từ tinh thần của Mặt trận.
Đó là thứ ADN quý giá của dân tộc. Khi những người yếu thế như chị Sắc, chị Thoa vẫn nghĩ đến cộng đồng, khi những người nghèo khó, bệnh tật như cụ Hải, chị Hoài vẫn nghĩ đến sẻ chia thì chắc chắn ta thêm vững tin vào những điều tốt đẹp, vững tin vào chiến thắng, dù cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 vẫn còn nhiều gian nan.
(Còn nữa)