Xử phạt cơ sở sản xuất pate Minh Chay
Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 8/9, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết: Sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Chi cục QLTT đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới và đã phát hiện ra nhiều lỗi sai phạm.
Thành phố đã ra văn bản chỉ đạo xử lý kịp thời vụ việc nghiêm trọng về việc người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm sau khi mua và sử dụng sản phẩm pate Minh Chay do Công ty Lối Sống Mới, trụ sở tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh TP Hà Nội.
Đội Quản lý thị trường số 9, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của tổ chức trên. UBND huyện Đông Anh đã ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền là 17,5 triệu đồng với Công ty Lối Sống Mới do không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm (ATTP).
Cụ thể, Công ty này bị phát hiện có 3 lỗi sai phạm, bao gồm sử dụng người tiếp xúc với sản phẩm không đeo khẩu trang, dụng cụ để thu gom chất thải rắn không có nắp đậy và hàng hóa là nguyên liệu đầu vào có nhãn ghi không đủ nội dung các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. UBND huyện Đông Anh đã ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền 17,5 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới do không đảm bảo quy định về ATTP.
Vẫn theo ông Hùng, Công ty Lối Sống Mới được thành lập năm 2018 nhưng đến tháng 1/2020 mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên đến tháng 7/2020, doanh nghiệp mới bắt đầu đầu hoạt động. Từ đó cho đến ngày phát hiện vụ việc, Công ty đã đưa ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm với phương thức bán trên mạng internet chứ không có cửa hàng hay hệ thống phân phối.
Ông Hùng cũng cho biết, Nghị định 15 phân công rõ trách nhiệm 3 bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Y tế. Vấn đề là cần sự vào cuộc, phối hợp các bộ ngành, các cơ quan nhà nước, địa phương, UBND các cấp.
“Nếu lĩnh vực này không có cơ chế phối hợp khó xử lý và sót lọt vi phạm. Quản lý cũng phải tránh cho được việc “đá quả bóng trách nhiệm”. Do vậy các bộ ban ngành, địa phương được phân công đều phải có trách nhiệm với mặt hàng sản xuất và lưu thông trên thị trường - theo ông Hùng.