Cáo buộc đầu độc Navalny và ‘số phận’ của Nord Stream 2
Sau khi Đức tuyên bố sẽ coi vụ việc của chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny là một "âm mưu giết người bằng cách đầu độc", một số nhà lập pháp Đức và các đồng minh châu Âu đã thúc ép Berlin chấm dứt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
Áp lực từ các đồng minh
Theo Sputnik, ngày 8/9, phát biểu tại cuộc họp kín của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) - Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), bà Angela Merkel cho biết, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề Nord Stream 2.
Bà Merkel nói thêm, mặc dù đã được "chứng minh một cách chắc chắn" rằng, Navalny bị đầu độc, nhưng phản ứng phải là của chung châu Âu chứ không chỉ là của Đức, bởi vì vụ đầu độc bị cáo buộc không phải nhằm vào Đức. Như vậy, Đức nên hoạt động như một quốc gia thành viên EU.
Tuần trước, kết quả phân tích mẫu của ông Navalny tại Bundeswehr do Đức công bố cho thấy, ông đã bị đầu độc bởi chất độc thần kinh từ nhóm 'Novichok', cùng một chất độc mà chính quyền Anh cáo buộc tình báo Nga sử dụng chống lại một cựu điệp viên hai mang ở miền Nam nước Anh vào năm 2018.
Bà Merkel cho rằng, Đức sẽ coi vụ “Navalny” là một vụ cố ý giết người bằng cách đầu độc và sẽ tham vấn với các đồng minh NATO và Liên minh châu Âu về phương án hành động.
Nga đã mạnh mẽ phủ nhận các cáo buộc đầu độc vì cho rằng thiếu bằng chứng. Phía Nga khẳng định, không có bất kỳ sự hợp tác nào giữa các bác sĩ Nga và Đức trong việc điều trị cho Navalny, đồng thời nhấn mạnh rằng, các cuộc kiểm tra của Nga không tìm thấy bằng chứng về chất độc trong người chính trị gia trước khi ông được chuyển đến một bệnh viện ở Berlin từ thành phố Omsk của Siberia vào ngày 22/8.
Cùng ngày 8/9, Bộ Ngoại giao Nga nhắc lại rằng, Moscow mong đợi Berlin chia sẻ tất cả các dữ liệu hiện có liên quan đến Navalny, bao gồm cả kết quả các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm của Bundeswehr và bằng chứng khác mà họ có thể có.
Tuần trước, Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga Sergei Naryshkin chia sẻ trên Sputnik, không thể loại trừ khả năng các cơ quan tình báo nước ngoài có liên quan đến tình huống xung quanh việc Navalny bị cáo buộc 'đầu độc', do sự xuất hiện đột ngột của “bằng chứng” sau khi ông được đưa ra nước ngoài.
Chưa đầy một ngày trước tuyên bố về vụ “đầu độc”, bà Merkel đã khẳng định trước cảnh báo trừng phạt từ Mỹ rằng, dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 sẽ được hoàn thành, bất kể mối đe dọa nào.
Ông Navalny phát bệnh vào ngày 20/8 trong một chuyến bay từ thành phố Tomsk của Siberia đến Moscow. Máy bay của ông đã hạ cánh khẩn cấp ở Omsk và các bác sĩ đã làm việc suốt hai ngày để cứu sống ông ấy trước khi được chuyển đến Đức trên một chuyến bay tư nhân.
Ngày 7/9, các bác sĩ người Đức đang điều trị cho Navalny thông báo rằng, ông đã thoát khỏi tình trạng hôn mê và đáp ứng với các kích thích bằng giọng nói, đồng thời được cai thở máy.
Tiếp tục hay từ bỏ?
Vụ "Navalny" đã khiến một số nhà lập pháp Đức gây áp lực buộc chính phủ phải hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 với Nga như một 'sự trừng phạt' đối với cáo buộc đầu độc của chính trị gia đối lập.
Tuy nhiên, một số người khác, trong đó có nhà lập pháp Die Linke Klaus Ernst, người đứng đầu Ủy ban Hạ viện về các vấn đề kinh tế và năng lượng Đức đã kêu gọi một cuộc điều tra chung kỹ lưỡng về các cáo buộc và lưu ý rằng, việc hủy bỏ dự án năng lượng sẽ chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho Mỹ, trong khi Đức, Nga và châu Âu sẽ bị thiệt hại.
Tuần trước, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg đã thúc giục Berlin tách vụ việc Navalny ra khỏi Nord Stream 2 và đề nghị, tất cả các cáo buộc phải được chứng minh.
Chia sẻ trên Izvestia, nhà lập pháp Bundestag từ liên minh CDU/CSU cầm quyền Manfred Grund cũng cho rằng, bà Merkel hiện đang chịu áp lực nặng nề từ phe đối lập, giới truyền thông và thậm chí là đại diện của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà.
Theo quan điểm của ông, nếu Đức quyết định không dừng Nord Stream 2, nước này sẽ không phải chống chọi được với các mối đe dọa từ Washington và gây thiệt hại cho nền kinh tế của chính mình trong khi, Đức và châu Âu cần thêm 55 tỷ mét khối khí đốt ngay bây giờ và trong vài năm tới, ông lưu ý
Nhà điều hành Nord Stream 2 AG cho biết trên Izvestia: "Các biện pháp trừng phạt đối với dự án sẽ gây nguy hiểm cho khoảng 12 tỷ euro đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng của EU. Cơ sở hạ tầng này được xây dựng để cung cấp khí đốt từ Nord Stream 2 đến các thị trường khí đốt trên khắp châu Âu".
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, người tiêu dùng châu Âu sẽ là những người đầu tiên bị ảnh hưởng nếu dự án Nord Stream 2 bị đình chỉ. Theo ông, họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt từ các nước khác, đặc biệt là từ Mỹ.
Nord Stream 2 là một dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga và các công ty năng lượng lớn ở Tây Âu bao gồm Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo, Engie của Pháp và tập đoàn Royal Dutch Shell của Anh-Hà Lan. Khi hoàn thành, dự án sẽ bổ sung thêm 55 tỷ mét khối công xuất hàng năm cho việc vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua Biển Baltic, qua đó tăng gấp đôi công suất của mạng lưới Nord Stream hiện có và biến Đức thành một trung tâm năng lượng lớn.