Đưa Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao gấp 1,3 lần bình quân chung cả nước

Mai Loan 10/09/2020 19:30

Sáng 10/9, ông Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị làm việc với các cơ quan, đơn vị về các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2020 của Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, qua 8 tháng đầu năm 2020, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, các cấp uỷ, chính quyền và sở, ngành của thành phố Hà Nội đã sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế thành phố khởi sắc, quý sau tốt hơn quý trước, tháng sau tốt hơn tháng trước.

Ưu tiên số 1 hiện nay của thành phố vẫn là tập trung phòng chống hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, đồng thời chuẩn bị thật tốt cho các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ thành phố. Cùng với cả nước, Thủ đô cũng thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế với quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao gấp 1,3 lần bình quân chung của cả nước. Trong đó, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách nhà nước,...

Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn, 8 tháng qua, số phát sinh thu tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ (trong đó phát sinh thu của 30 quận huyện – thị xã khoảng 67.450 tỷ, đạt 65,6% dự toán, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019). Nếu trừ số thuế và tiền thuê đất phải nộp 8 tháng đầu năm nhưng được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP (ước thu khoảng hơn 20.000 tỷ đồng) thì tổng thu lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 thực hiện 147.042 tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán, bằng 89,4% là khả quan so với một số địa phương lớn trên nước.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cũng chưa bảo đảm tiến độ khi mới chỉ đạt 45,41%, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế và tác động tới việc bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước của thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ thống nhất với tình hình kinh tế- xã hội nói chung của thành phố, đồng thời khẳng định quyết tâm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục thực hiện các hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh để giảm tác động từ dịch Covid-19, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay, thành phố đã phê duyệt 122/124 dự án của năm 2020, trong đó đã khởi công 76 dự án. 25/30 quận, huyện, thị xã cam kết về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Biểu dương nỗ lực của UBND, HĐND, các sở, ngành và quận, huyện, thị xã của thành phố trong những tháng qua trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho rằng, các địa phương của Hà Nội đã thể hiện rõ tinh thần chia sẻ khó khăn, “góp gió thành bão” trong giải ngân vốn đầu tư công để thành phố từng bước đạt được các kết quả tích cực. Qua tính toán bước đầu, GRDP của thành phố trong 8 tháng qua ước tăng 3,49%, cao hơn 1,92 lần so với bình quân chung của cả nước.

Xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố của năm 2020 là từ 4,5 đến 5%, Bí thư Thành uỷ đề nghị UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rà soát lại các kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực với các kịch bản cụ thể của quý IV và cả năm, phấn đấu mục tiêu cao nhất.

Về thu ngân sách, Bí thư Thành uỷ quán triệt tinh thần giảm thu thì giảm chi, nhất là chi thường xuyên, giao thành phố hoàn thành dự toán thu ngân sách trung ương và của cả thành phố, ở mức 260.400 tỷ đồng, góp phần bảo đảm nguồn lực cho an sinh xã hội và đầu tư phát triển. UBND thành phố rà soát các khoản thu từ bán vốn, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, các khoản thu khác về chênh lệch thu chi của các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn.

Về đầu tư công, Bí thư Thành uỷ giao các quận, huyện triển khai quyết liệt Nghị quyết số 22/NQ-HĐND của thành phố, kiên quyết giải ngân hết số vốn đã giao, bao gồm cả nguồn chuyển dự toán từ năm trước; tăng cường phân cấp quyết định chủ trương đầu tư.

“Chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao hơn, giải pháp quyết liệt hơn, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, ban quản lý dự án”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.

Mai Loan