Người Mặt trận trên mặt trận chống Covid - Bài 3: Thắp lên những hy vọng
Trong “cơn bão” Covid-19, ở vào giai đoạn thiết lập trạng thái bình thường mới, cả nước vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế, người Mặt trận lại tiếp tục hành trình của mình, tìm đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội để chia sẻ khó khăn và thắp lên những hy vọng.
Bệnh di truyền, nghèo cũng “di truyền”
Mục đích chính yếu của đời sống chúng ta là kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng đối với một số người, ngay cả khi họ hạnh phúc cũng khiến người khác không khỏi xót xa. Chúng tôi dừng chân trước hai ngôi nhà được gắn biển tên Nhà Đại đoàn kết ở sau cùng một cánh cổng tại thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Ở thôn này, ông Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Minh Tân có lẽ là người thấu hiểu nhất lịch sử của hai ngôi nhà cũng như thân phận của những người sống ở trong đó.
Theo ông Mạnh, ngôi nhà Đại đoàn kết thứ nhất được xây từ năm 2004 là tài sản của gia đình bà Đinh Thị Tráng - một hộ nghèo nhất xã. Bà Tráng là mẹ của anh Nguyễn Văn Thanh. Và ngôi nhà Đại đoàn kết thứ hai sát bên cạnh được xây từ năm 2017, là của gia đình anh Thanh, hiện cũng là hộ nghèo nhất xã.
Hai ngôi nhà Đại đoàn kết từ đời bố cho đến đời con được xây cất trên cùng một mảnh đất. Bố anh Thanh - một người tật nguyền đã qua đời, đẻ ra hai đứa con, cũng mắc bệnh teo cơ, liệt nửa người như ông. Đây là một đại gia đình nghèo “di truyền” và bệnh liệt cũng di truyền.
Trong ánh sáng leo lắt hắt qua khung cửa, anh Thanh ngồi lầm lũi ở góc nhà. Gương mặt anh khắc khoải một nỗi buồn tuyệt vọng.
Vốn sinh ra lành lặn, khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng đến năm 12 tuổi, căn bệnh lạ, khiến chân anh teo tóp dần, không đi lại được và chỉ ngồi một chỗ. Không chỉ có Thanh, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - chị gái của anh cũng bị liệt và phải ngồi một chỗ từ năm 8 tuổi.
Không có tiền chạy chữa nên hai chị em đành cam chịu số phận “ngồi một chỗ”. Từ khi bị liệt, Thanh phải nghỉ học, cuộc sống hoàn toàn dựa vào người mẹ vốn cũng mang trong mình đầy bệnh tật.
Nhưng ông Trời không lấy đi của ai tất cả. Hạnh phúc đến với anh như một điều kỳ diệu. Số phận sắp đặt để anh gặp được vợ mình bây giờ là chị Nguyễn Thị Hòa.
Chị Hoà – người phụ nữ tần tảo đầy nghị lực đã trở thành người thắp lửa và nuôi dưỡng hy vọng cho cả gia đình theo nhiều nghĩa. Nhưng đôi vai của người phụ nữ ấy, nào có được bình thường để gồng gánh những trách nhiệm lớn lao.
Chị Hoà bị bệnh vẹo cột sống bẩm sinh. Năm tháng trôi đi, nhọc nhằn đè xuống khiến cái u trên lưng càng lớn như muốn bẻ gãy thân hình chị. Dù vậy, ở trong hoàn cảnh này, người như chị vẫn được coi là khỏe mạnh hơn cả…
Trong câu chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng, chị lại bấu chặt hai bàn tay vào vạt áo, bàn tay gân guốc chốc chốc lại run rẩy khi những mảnh ký ức vui buồn được nhắc lại.
Đôi bàn tay ấy gồng lên những nhọc nhằn, từ kiếm tiền, chăm con, lo vệ sinh cá nhân cho chồng, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ rồi lại quán xuyến mọi việc trong cả gia đình.
Chị Hoà bảo nhiều lúc “muốn buông tất cả” nhưng “vì thương” nên gắng gượng vượt qua, vì thương mà ngược đường ngược nắng chạy việc ở xưởng thêu, lúc lại bươn chải việc đồng áng… chẳng nề hà bất cứ điều gì.
Bù lại, dù cuộc sống phải đối diện với muôn vàn khó khăn thì chưa bao giờ vợ chồng chị có tiếng cãi vã, mâu thuẫn. Hạnh phúc của đôi vợ chồng tật nguyền càng lớn hơn khi họ đón đứa con chào đời.
Thằng bé sinh ra khỏe mạnh như một trái ngọt gieo vào khung cảnh ảm đạm của ngôi nhà. Niềm vui lại tiếp tục nhân đôi khi chị Ngọc cũng có người thương, anh chồng là người khỏe mạnh, rồi vợ chồng chị cũng sinh được một mụn con gái xinh xắn đáng yêu.
Hạnh phúc trong bất hạnh
Tiếng cười của trẻ thơ lảnh lót khắp nhà, bà Tráng ngồi giữa chan chứa niềm vui nhìn hai đứa cháu, bên cạnh là bố mẹ chúng, ngồi bất động dưới nền nhà cũng dõi theo lũ trẻ đầy âu lo và hy vọng.
Cái tên “hộ nghèo đặc biệt khó khăn” của xã đã đeo đuổi gia đình bà hàng chục năm nay thì đến gia đình con trai cũng không thoát nổi, nay gia đình con gái cũng “không một tấc đất cắm dùi”. Hàng ngày chồng cõng vợ đi bán vé số nên gia đình anh Thanh đã nhường một gian nhà cho gia đình chị gái, đến bữa lại góp nồi, góp bát thổi cơm chung.
“Nghèo khổ cực nhọc nhưng anh chị em chúng nó yêu thương đùm bọc nhau, đó là điều tôi hạnh phúc nhất”, bà Tráng nói trong sự xúc động.
Sống trong nghịch cảnh, vậy mà âu lo vẫn kéo đến. Cậu bé con anh Thanh đã học lớp 3, con gái chị Ngọc cũng lên 5 tuổi, giờ đây, lại là những tháng ngày đợi chờ trong sợ hãi vì căn bệnh di truyền.
Cho nên mấy năm nay, mỗi khi tích cóp được ít tiền, cùng với sự hỗ trợ của các bác sĩ chị Hòa lại đưa lũ trẻ về Hà Nội để làm các xét nghiệm sàng lọc. Cháu bé con chị Ngọc đã có kết quả theo gien của bố. Còn thằng bé con anh Thanh vẫn chưa có kết quả, mẫu máu của cháu đã được Bệnh viện Nhi Trung ương gửi sang bên Nga, bên Mỹ để làm các xét nghiệm cần thiết.
“Chưa biết kết quả thế nào nhưng bác sĩ khuyên vợ chồng tôi không nên sinh thêm con”, chị Hoà buồn bã chia sẻ.
Sự giằng xé, âu lo của chị Hoà nối tiếp như những cơn sóng, trào lên dội xuống nhấn chìm giấc mơ thoát nghèo. Ai cũng hiểu việc thoát nghèo đối với một gia đình hầu hết đều mất sức lao động, quanh năm chỉ biết trông chờ vào tiền trợ cấp, là một việc vô cùng khó.
Nhưng trong bế tắc ấy hy vọng vẫn được thắp lên.
Từ chiếc máy khâu của Mặt trận
Chị Hoà bảo, gia đình chị mang ơn Mặt trận vì từ đời bố cho đến đời con đều được Mặt trận hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, ngoài ra, hàng năm đều có sự hỗ trợ từ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể.
Năm trước, Mặt trận và các đoàn thể hỗ trợ cho gia đình chị một con bò. Nhắc tới con bò, giọng chị Hoà phấn chấn hơn khi kể chuyện nó đã đẻ được một con bê, sắp tới, gia đình sẽ bàn giao con bê này cho một hộ khó khăn khác.
Còn trong năm nay, vào đợt Covid-19, Mặt trận vừa hỗ trợ cho chị một chiếc máy khâu, kèm một số phần quà khác. Đối với chị Hoà mà nói, chiếc máy khâu là “món quà trong mơ” đã thành sự thật.
Nói rồi chị thể hiện ngay cho chúng tôi thấy những động tác khá chuyên nghiệp của mình khi cắt may một chiếc quần. Gương mặt chị tươi sáng ngập tràn khi ngồi bên chiếc máy khâu. Có những đêm, hăng say quá, thức trắng để may vá.
Rồi các bà, các cô ở trong xóm biết chị có máy khâu đã mang quần áo sang nhờ chị sửa chữa- cũng là cơ hội để chị “trau dồi” thêm kinh nghiệm cho một “ước mơ lớn ” đó là mở cửa hàng thiết kế, sửa chữa may vá quần áo trong tương lai.
Chị cũng khoe, trong đợt dịch vừa qua, nhờ có chiếc máy khâu mà gia đình có thêm thu nhập từ việc may khẩu trang.
Có lẽ, từ đầu câu chuyện đến giờ, chúng tôi mới bắt gặp nụ cười của chị. Chỉ khi ngồi bên chiếc máy khâu chị Hoà như được là chính mình, được sống với ước mơ. Ở đó có khao khát vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của một người đàn bà đầy nghị lực, để sống một cuộc đời không phải phụ thuộc, không trông chờ vào sự hỗ trợ.
Theo ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, để chung tay vì người nghèo - không bỏ ai ở lại phía sau, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, nhất là trong dịch Covid -19.
Mặt trận Bắc Ninh đã kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân giúp đỡ những địa chỉ cụ thể. Từ những địa chỉ đặc biệt khó khăn được Mặt trận cung cấp, các tổ chức, cá nhân tặng máy khâu, con bò, máy cày hay xe máy như những chiếc “cần câu” với mong muốn tiếp sức về sinh kế một cách thiết thực nhất, giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên đối với những người yếu thế, người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như gia đình chị Nguyễn Thị Hoà, việc thoát nghèo là bài toán khó.
“Chính vì vậy trong thời gian tới, Mặt trận tỉnh Bắc Ninh sẽ có kế hoạch thống kê lại những hộ nghèo khó thoát nghèo để có sự chăm sóc đặc biệt, tạo sinh kế để họ thực sự vươn lên”, ông Vũ Hùng khẳng định.
Cam kết của đại diện lãnh đạo Mặt trận tỉnh Bắc Ninh đã tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin về một tương lai không xa, từ chiếc máy khâu của Mặt trận, chị Hoà sẽ có cửa hàng may vá của riêng mình. Giấc mơ thoát nghèo sẽ không còn xa vời nữa.
Câu chuyện vừa kể ở Bắc Ninh chỉ là một ví dụ điển hình cho tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của hệ thống Mặt trận trên cả nước. Tinh thần ấy lan toả trên 63 tỉnh thành mà mỗi nơi đều có những cách làm chủ động, sáng tạo riêng để hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn trong “cơn bão” Covid-19.
“Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là một hành động giàu tính nhân văn mà còn là yêu cầu, là mục tiêu của phát triển bền vững. Cho nên “Vì người nghèo” là một cuộc vận động mà Mặt trận đã thực hiện trong suốt 20 năm qua. “Vì người nghèo” vẫn đang là đích đến để Mặt trận góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ lo cho người nghèo nhất là trong lúc đất nước gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
(Còn nữa)