Vì sao giá thịt lợn vẫn giảm chậm?
Gần 1 tháng qua, giá lợn hơi có xu hướng giảm sâu, nhưng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn đắt đỏ. Bộ NNPTNT thừa nhận giá thịt lợn cao vì phần phân phối còn chiếm chi phí rất lớn. Do đó, cần phải thiết lập lại bằng cơ chế chính sách.
Hiện giá lợn hơi miền Bắc đang dao động từ 74.000 - 80.000 đồng/kg, chủ yếu xoay quanh ngưỡng 75.000 đồng/kg; miền Trung 77.000 - 79.000 đồng/kg; Đông Nam Bộ 78.000 - 80.000 đồng/kg; Tây Nam Bộ 75.000 - 80.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi giảm kéo theo giá bán thịt thành phẩm tại các chợ cũng hạ theo. Tuy nhiên, so với giá lợn hơi đang xuống mạnh thì giá thịt lợn tại hệ thống siêu thị và chợ truyền thống lại giảm không đáng kể khi vẫn dao động từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, tùy loại.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá lợn hơi giảm vừa qua do nhập khẩu lợn hơi và thịt lợn tăng, lượng lợn tái đàn cũng tăng đáng kể trong thời gian ngắn. Số liệu của cơ quan chăn nuôi cũng cho thấy, Việt Nam nhập khẩu gần 100.000 tấn thịt lợn các loại trong 7 tháng đầu năm. Do đó cung cầu thịt lợn sẽ cân đối vào cuối quý III hoặc đầu quý IV, và khi đó giá lợn hơi sẽ cơ bản ổn định.
Hiện nay, nhiều người chăn nuôi đang lo lắng vì giá lợn hơi giảm mạnh trong khi giá thành sản xuất ở mức cao sẽ không có lãi. Như quý I-2020, giá con giống lên tới 3 - 3,5 triệu đồng/con. Nhưng theo hạch toán của Cục Chăn nuôi, nếu người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, còn nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi. “Thời gian tới, giá con giống giảm thì chi phí giá thành ở mức 60.000 - 61.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá lợn hơi như hiện nay, nông dân vẫn đảm bảo có lãi” - ông Nguyễn Văn Trọng tính toán.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng nhận định giá lợn giống sắp tới chắc chắn sẽ giảm, khi đó giá thành sẽ giảm và giá bán trên thị trường sẽ giảm theo.
Tuy nhiên, báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos vừa công bố lại nhận định rằng: Do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, dự kiến đến tháng 10/2020, Việt Nam vẫn thiếu 1 triệu con lợn. Bước sang năm 2021, khoảng cách cung cầu dần thu hẹp nhưng tình hình vẫn khó. Dự báo đến tháng 4, lượng lợn thiếu hụt vẫn ở mức 720.000 con và tháng 10/2021 là 200.000 con. Bởi vậy nguồn cung thịt lợn vẫn chưa bình thường như trước đây nên giá thịt lợn neo ở mức cao là điều dễ hiểu. Ngoài yếu tố cung cầu, do dịch bệnh, chi phí chăn nuôi lợn cao hơn trước cũng dẫn đến việc giá lợn cao, chưa thể về mức bình thường như trước đây trong ngắn hạn được.
Ở một diễn biến khác, giá lợn tăng cao trong thời gian dài đã giúp nhiều DN chăn nuôi ghi nhận kết quả kinh doanh hết sức khả quan. Tháng 7 và 8 vừa qua, Dabaco vẫn lãi ròng hơn 260 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng năm 2020 đạt doanh thu gần 9.000 tỷ đồng và mức lãi ròng 1.011 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh của Dabaco nằm ở hệ thống chăn nuôi lợn thịt và cung cấp sản lượng lợn ra thị trường. Hay như Công ty Phát triển chăn nuôi Hòa Phát thuộc Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu từ chăn nuôi và nông nghiệp đạt 5.043 tỷ đồng, tăng trưởng 42%...
Lý giải việc giá lợn hơi giảm nhưng thịt lợn tới tay người tiêu dùng vẫn đắt đỏ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, hiện nay có nhiều thành phần kinh tế tham gia nên việc điều hành giá xuống phải có lộ trình và Bộ Công Thương đang có đợt kiểm tra.
“Thời gian tới, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia ra đời và có thiết chế, sẽ lập lại trật tự trong phân phối. Giá lợn hơi đến giá thịt lợn bán ở quầy là từ 1,7 - 1,9 lần, như vậy phần phân phối còn chiếm chi phí rất lớn, do đó, cần phải thiết lập lại bằng cơ chế chính sách”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.