Nhà báo Cao MạnhTuấn: Gia đình là dấu mốc để trưởng thành

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/09/2020 11:00

Cao Mạnh Tuấn lại sẵn sàng chọn làm việc tại nhà, nhận trách nhiệm chăm sóc con cái, là hậu phương cho vợ.

Nhà báo Cao MạnhTuấn.

Là một nhà báo năng động và ưa thích khám phá, giới thiệu những nơi phong cảnh đẹp còn hoang vu cũng như nhiệt thành trong bảo vệ môi trường, phụ trách nhiều trang tin điện tử, trang mạng xã hội có lượng bạn đọc theo dõi lớn… nhưng rồi Cao Mạnh Tuấn lại sẵn sàng chọn làm việc tại nhà, nhận trách nhiệm chăm sóc con cái, là hậu phương cho vợ.

Thời còn đi học, Cao Mạnh Tuấn kể lại, anh rất hay bị trêu là “hội trưởng hội phụ nữ” vì hay bảo vệ chị em. Mặc dù không giỏi lắm trong việc bếp núc, chăm sóc gia đình, nhưng anh thấy đồng cảm, sẻ chia với trách nhiệm của những người mẹ trong việc chăm lo cho con cái, nấu nướng, dọn dẹp…: “Tôi biết đàn ông hoàn toàn có thể làm được những công việc đó. Thường thì hoặc là họ coi đó là việc của phụ nữ nên không làm. Hoặc chính người phụ nữ tự nhận việc đó là của riêng mình nên cũng không đến lượt đàn ông làm”.

Với cá nhân anh, không chỉ từ những suy nghĩ từ thủa nhỏ, khi bé Mèo, con đầu của vợ chồng anh không may ra đi sớm, nên với gia đình hiện tại anh hiểu rằng: “Gia đình chỉ cần một người lao lên chiến đấu, một người phải ở lại hậu phương, giữ mọi thứ được cân bằng. Tôi có thể không chăm con tốt như vợ, dọn dẹp nhà cửa không sạch như vợ nhưng tôi làm được cơ bản. Tôi chắc chắn mình không thể làm kinh tế giỏi như vợ, trong khi vợ lại không chỉ giỏi mà rất hào hứng với việc đó. Vậy thì tôi chọn việc lùi lại, cố gắng làm tốt hơn một chút việc mình không giỏi, để vợ làm tốt nhất việc vợ giỏi. Tôi nghĩ thế sẽ ổn hơn nếu chọn hướng xông pha nhưng kết quả lại toàn làm những việc phải vác tiền nhà đi”.

Những lúc chăm sóc bỉm sữa cho con, Cao Mạnh Tuấn tìm thấy niềm hạnh phúc. Như có những việc rất nhỏ như bé đi nặng sau vài ngày không đi cũng đã là niềm hạnh phúc. Có những việc lớn hơn khi các con trải qua từng giai đoạn phát triển, nhận ra điều này là đúng, điều kia là hợp lý, khi con trai biết tranh luận những chuyện mà anh cũng không trả lời được, phải tìm hiểu thêm và giải quyết được. Anh cũng cảm thấy đó chính là hạnh phúc.

Hạnh phúc với anh, là biết hài lòng với những gì mình đang có.

Để các con có thể phát triển theo cách tốt nhất, nhà báo Cao Mạnh Tuấn không đồng tình với quan điểm chọn nuôi con một mình và tự tin con sẽ phát triển bình thường: “Tôi quan điểm mọi thứ cần sự cân bằng. Bố hay mẹ thì cũng cần biết tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển, trưởng thành của con. Ví như mẹ thích con học thì bố tìm cách cho con chơi. Bố thích con trải nghiệm, mẹ cần biết cho con tĩnh lại bằng những hoạt động trí não. Tất nhiên là rất khó để mọi thứ hoàn hảo, tốt đẹp, cũng không thể lúc nào cũng có được cặp vợ chồng hài hoà như thế, nhưng bố hoặc mẹ phải có người làm cân bằng mọi thứ trong nhà”.

Với Cao Mạnh Tuấn, do đã trải qua một tuổi thơ quá phức tạp nên anh chỉ muốn mình là người chia sẻ lại sự khó khăn trong từng giai đoạn trưởng thành của con. Anh chọn cách cố gắng để không can thiệp vào các lựa chọn hay quyết định của con nếu chuyện đó chưa có gì quá hệ trọng. Nhưng khi con không giải quyết được, anh phối hợp giải quyết để con nhận ra rằng, mỗi người có một khả năng riêng, và sẽ có những cái cần người khác, hoặc một nhóm mới giải quyết được. Giá trị của một người bố, theo anh, sẽ rất linh hoạt, tuỳ theo sự phát triển và mong muốn của con: “Giá trị đàn ông cuối cùng cũng chỉ là một khái niệm mơ hồ, phụ thuộc vào vùng miền, quan niệm, thời đại, thậm chí là phụ thuộc vào vợ. Nếu tôi ôm lấy khái niệm đàn ông phải là người kiếm tiền chính, là “trụ cột” theo khái niệm cũ thì tôi một phần làm giảm giá trị, khả năng của vợ tôi. Phần khác, tự làm suy yếu gia đình vì tôi không giỏi những chuyện đó”.

Dù chọn cuộc sống nội trợ chăm sóc gia đình, nhưng nhà báo Cao Mạnh Tuấn cũng nhanh chóng đưa vợ con cùng hòa nhập với những chuyến khám phá vùng đất mới của anh, cả khi các con còn nhỏ: “Khi đi với tôi vài lần, vợ tôi không còn quanh quẩn trong resort mà sẽ quay chụp bơi thuyền, lặn biển. Con tôi sẽ biết chỉ có ở Ninh Vân thì mới có loài voọc quý hiếm mò vào tận bể bơi để uống nước. Côn Đảo mất cả tháng vẫn chưa đi hết các bãi biển, khám phá rạn san hô, đỡ đẻ cho rùa, khám phá rừng núi…

Tôi đang hướng mục tiêu đến thế hệ tiếp theo, những đứa trẻ với tâm hồn trong trắng, lương thiện mà mục đích cuối cùng là mong chúng sẽ thay đổi những điều chưa được tốt đẹp mà thế hệ tôi đã để lại”.
Du lịch đúng “mùa” Covid và bị mắc kẹt tại Côn Đảo đến hai tháng, là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với gia đình anh.

Các thành viên được ở bên nhau toàn bộ thời gian. Hai vợ chồng cùng trông con, chơi với con, khám phá hòn đảo mỗi ngày: “Vợ tôi được thể hiện lại khả năng nấu nướng và thật tuyệt vời khi nhận được lời khen của con. Thay vì giao tiếp với mọi người qua mạng xã hội, giờ đây vợ tôi được gặp và nói chuyện trực tiếp với những người bạn mới, tìm ra những điều thú vị mà vợ tôi chưa từng được làm. Còn tôi, được đưa con đi khám phá nhiều nơi trên đảo, dạy thêm được vài điều nho nhỏ trong từng tình huống. Được thể hiện với vợ một chút về các mối quan hệ mà không tiền nào mua được. Chúng tôi vẫn làm việc, vẫn có thu nhập, nhưng mọi thứ giống như một cặp vợ chồng già đã về hưu, có gì đó thật an hưởng”.

Tôi chưa bao giờ nghĩ quá xa, kiểu như tương lai sẽ thế nào. Tôi thường cố gắng thích ứng với thực tại, với thời điểm. Chính vì vậy gia đình đối với tôi giống như một dấu mốc để mình trưởng thành hơn. Nếu có những khúc mắc trong gia đình, tôi thường không thể giải quyết ngay nên tôi thường chọn cách đi đường dài. Lúc này chưa giải quyết được tôi sẽ phải tìm cách chứng minh và giải quyết trong thời gian tiếp theo, trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Chuyến đi 2 tháng ở Côn Đảo mùa Covid là ví dụ rõ ràng nhất để từng thành viên gia đình hiểu nhau hơn, có hướng đi đúng hơn”.

Việt Quỳnh (thực hiện)