Tổ công tác kiểm tra 7 tỉnh về xây dựng Chính phủ điện tử
Thời gian từ nay đến hết năm 2020 không còn nhiều nhưng còn nhiều việc rất lớn liên quan cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị 7 địa phương quyết liệt hơn, sâu sát hơn, thay đổi tư duy đã sử dụng văn bản điện tử thì không kèm văn bản giấy bởi như vậy sẽ tốn kém gấp đôi.
Chiều 11/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc 7 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình về tình hình cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp...
Quyết tâm sử dụng văn bản điện tử thay văn bản giấy
Trước khi diễn ra buổi làm việc, các đại biểu đã tham quan, nghe giới thiệu về Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt trụ sở tại VPCP và được khai trương ngày 19/8.
Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, cuộc làm việc nhằm rà soát lại công tác gửi, nhận văn bản điện tử của các địa phương với quyết tâm sử dụng văn bản điện tử thay vì văn bản giấy, việc cấp chữ ký số cho các địa phương... Đồng thời, đề nghị các địa phương báo cáo, đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC; nêu rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất hướng giải quyết.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, nhiều địa phương thực hiện rất tốt gửi nhận văn bản điện tử, tuy nhiên, một số địa phương còn ở mức độ khiêm tốn.
Về việc triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), sau hơn 9 tháng khai trương, đã có 1.094 dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; trên 16,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 505.000 tài khoản đăng nhập một lần. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay cuối năm 2020 sẽ đưa 30% số dịch vụ công của địa phương phải đưa lên Cổng DVCQG.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, để thực hiện được mục tiêu này không phải đơn giản vì các địa phương phải cấu trúc lại quy trình TTHC; bên cạnh đó là tiếp tục kết nối thanh toán trực tuyến để theo dự kiến ngày 15/9 sẽ kết nối, tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG về nộp thuế, lệ phí và các nội dung liên quan thanh toán trực tuyến. Vì vậy, các địa phương cần nêu rõ những thuận lợi và những khó khăn còn vướng để có giải pháp tháo gỡ.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm kết nối để hoàn thành 100% kết nối với các bộ, địa phương để trở thành Trung tâm báo cáo quốc gia, phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Gửi, nhận văn bản điện tử tăng ở các địa phương
Kết quả kiểm tra của Tổ công tác cho thấy, về tình hình triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đã có 7/7 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Giang.
Một số tỉnh đạt tỉ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử như Bắc Giang 98%, Bắc Ninh 95%.
Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Một số tỉnh có số lượng xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử nhiều như Thái Bình (92%), tuy nhiên cũng còn một số tỉnh có tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trương điện tử chưa cao.
Hiện nay, các tỉnh như Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử, còn Thái Bình, Bắc Ninh đang triển khai, thử nghiệm áp dụng chữ ký số cá nhân.
Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG, hiện tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ. Bắc Ninh, Hà Nam là 2 tỉnh có nhiều hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng DVCQG.
Đã có 5/7 tỉnh đã tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ trên Cổng DVCQG; 6/7 tỉnh đã tích hợp với nền tảng thanh toán trên Cổng DVCQG, trong đó chỉ có Vĩnh Phúc, Bắc Ninh có số lượng giao dịch thành công phát sinh nhiều, các tỉnh còn lại chỉ dừng ở hoàn thành kết nối kỹ thuật, chưa phát sinh giao dịch hoặc số lượng giao dịch rất ít. Việc triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG của các tỉnh đều rất chậm. Thêm vào đó, còn nhiều dịch vụ công/TTHC đã quá hạn hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG.
Đối với triển khai chuẩn hóa chế độ báo cáo; xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hiện các địa phương đã thực hiện rà soát, chuẩn hóa chế độ báo cáo và có 5/7 địa phương ban hành các quyết định quy định chế độ báo cáo.
Về xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hầu hết các tỉnh đã triển khai hoặc đang triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang đang thử nghiệm kết nối 9 chỉ tiêu kinh tế-xã hội với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Bắc Ninh, Bắc Giang đã kết nối Hệ thống camera giám sát Trung tâm phục vụ hành chính công với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với triển khai cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, các tỉnh đã thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC, rà soát, công bố, công khai TTHC; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Bắc Ninh là tỉnh 2 năm liên tiếp duy trì kết quả trong top 10 các tỉnh, thành phố về Chỉ số thành phần cải cách TTHC theo PAR Index các năm 2018, 2019. Một số địa phương có tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao như Bắc Ninh (99,97%), Hà Nam (99,7%), Thái Bình (99,1%).
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá đánh giá cao và ủng hộ tỉnh Bắc Ninh đăng ký thực hiện cấp bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, sau đó đồng bộ kết quả và dữ liệu lên Cổng DVCQG nhằm tạo thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Chủ động đưa dịch vụ công lên Cổng DVCQG
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu ý kiến nhìn chung các địa phương tích cực, chủ động thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về gửi, nhận văn bản điện tử, quan tâm cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, qua đánh giá tại các địa phương còn nhiều vướng mắc trong triển khai; kết quả triển khai có chất lượng chưa đồng đều; với dịch vụ công trực tuyến, qua kết quả chung cả về số lượng, chất lượng còn hạn chế.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn, sâu sát hơn trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử, cần xây dựng kế hoạch chi tiết, tham mưu cho cấp ủy có chỉ đạo về thời gian, thời hạn và có sản phẩm cụ thể; bố trí phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ lãnh đạo cấp sở. Vên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về công chức, viên chức.
Kết luận tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao các địa phương đã phối hợp VPCP thực hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh thời gian đến cuối năm không còn dài, vì vậy Tổ công tác đề nghị các địa phương tích cực, quyết liệt để đẩy mạnh những thực hiện những nội dung Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC. Cụ thể, tập trung vào tái cấu trúc, quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, ứng dụng CNTT vào công tác cải cách cải cách, tập trung mạnh mẽ vào các TTHC liên quan dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Về kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị 7 địa phương đến hết tháng 11/2020 hoàn thành việc kết nối để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm được mục tiêu kết nối 70% ở cấp tỉnh, 60% cấp huyện, 30% cấp xã, phường, thị trấn.
Nhấn mạnh về việc kết nối dịch vụ công với Cổng DVCQG, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị đến hết năm 2020, có 30% dịch vụ công ở các địa phương kết nối với Cổng DVCQG. Để hoàn thành chỉ tiêu này, VPCP sẽ cùng Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ. Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị các địa phương chủ động đưa dịch vụ công lên Cổng DVCQG; tổ chức tập huấn, tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các dịch vụ công liên quan đến bản thân và gia đình trên Cổng DVCQG.