Thủ tướng Anh quyết chi 100 tỷ bảng xét nghiệm Covid-19

Khánh Duy 12/09/2020 06:37

Giới truyền thông Anh hôm 11/9 cho hay, kế hoạch xét nghiệm Covid-19 diện rộng có tên gọi “Moonshot” mà Thủ tướng Boris Johnson đề xuất hiện đang gây tranh cãi trong dư luận nước này do khoản tiền chi phí lên tới hơn 100 tỷ bảng.

Nhân viên y tế London trong dịch Covid-19. Ảnh: AFP.
Nhân viên y tế London trong dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

Gây tranh cãi

Kế hoạch mà Chính phủ Anh đưa ra nhằm thực hiện 10 triệu xét nghiệm virus corona chủng mới mỗi ngày, bắt đầu từ đầu năm 2021. Đây là sự mở rộng của chương trình xét nghiệm sẵn có với 350.000 xét nghiệm/ngày.

Kế hoạch trên được tiết lộ trong cuộc họp báo được tổ chức hôm 10/9, trong đó Thủ tướng Johnson chỉ thị ngừng mọi hoạt động lễ hội mừng Lễ Giáng sinh năm nay, cùng lúc cảnh báo rằng các lệnh hạn chế tụ tập trên 6 người có thể kéo dài trong nhiều tháng tới.

Phát biểu tại Số 10 Phố Downing, trong lần họp báo đầu tiên kể từ tháng 7, ông Johnson nói rằng sự gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 trong tuần qua khiến cho ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thắt chặt phong tỏa trên toàn lãnh thổ Anh, lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Chính phủ Anh mỗi năm chi cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) nguồn ngân sách 130 tỷ bảng/năm, bởi vậy mà chi phí cho kế hoạch xét nghiệm diện rộng “Moonshot” cao gần bằng nguồn vốn một năm dành cho cơ quan này, tương đương 20% tổng chi tiêu công. Chi phí dành cho chiến dịch “Moonshot” cũng tương đương ngân sách dành cho ngành Giáo dục, và kế hoạch này vượt quá 30 lần khả năng xét nghiệm hiện tại của nước Anh – vốn chỉ ở mức 350.000 cuộc xét nghiệm/ngày.

Tuy nhiên, kế hoạch lập tức làm dấy lên nhiều lo ngại về gánh nặng tài chính, trong khi khoản nợ tính trên % GDP của Anh hiện đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 1960. Giới chuyên gia cảnh báo rằng nhìn vào khả năng vận hành của phòng thí nghiệm của Anh hiện tại thì có thể thấy kế hoạch này bất khả thi.

2 trong số những cố vấn khoa học có tầm ảnh hưởng nhất của Chính phủ Anh cũng tỏ rõ sự hoài nghi, lo ngại rằng hàng chục triệu người có thể bị cách ly nhầm.

Giáo sư Chris Whitty đã “dội gáo nước lạnh” vào kế hoạch này, cho rằng hàng triệu người được xét nghiệm mỗi ngày là điều khó đạt được; trong khi Trưởng Cố vấn khoa học Chính phủ Anh Patrick Vallance nói rằng kế hoạch này không thể thực hiện nổi.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thực hiện được kiểu xét nghiệm này vào thời điểm nào đó không xa trong tương lai, nhưng không xa trong tương lai ở đây cũng là một khoảng thời gian lớn”- ông Whitty nói.

Kế hoạch đồ sộ

Theo kế hoạch “Moonshot”, những nơi công sở, trường học, sân vận động, địa điểm giải trí, phòng phẫu thuật và quầy bán thuốc đều có thể trở thành địa điểm xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Hộ chiếu miễn dịch số cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính cũng sẽ được cấp để cho phép họ di chuyển an toàn, trở lại làm việc và nhiều hoạt động khác.

Kế hoạch làm dấy lên quan ngại rằng phần lớn công nghệ liên quan tới “Moonshot” không tồn tại, đó là chưa kể tới vấn đề hậu cần khi phải thực hiện 10 triệu ca xét nghiệm mỗi ngày. Hiện nay chỉ thực hiện có vài trăm nghìn ca xét nghiệm đã đủ khiến giới chức y tế Anh đau đầu.

Theo tờ The Guardian, số lượng các cuộc xét nghiệm Covid-19 hàng ngày sẽ tăng dần theo từng giai đoạn, và con số hiện nay (350.000 cuộc/ngày) sẽ tăng tới 2 – 4 triệu trong tháng 12/2020, trước khi tăng đến mức như mục tiêu đặt ra là 10 triệu/ngày vào đầu năm 2021.

Thêm vào đó, chi phí cho chiến dịch “Moonshot” là quá lớn, và ngay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Khoản nợ khổng lồ của Anh hiện đã vượt qua GDP của nước này, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, do tác động của đại dịch Covid-19.

Các nhà kinh tế học cho rằng, chi thêm 100 tỷ bảng cho chiến dịch “Moonshot” trong bối cảnh hiện tại chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công, trong khi hiệu quả của chiến dịch vẫn chưa rõ ràng.

Thủ tướng Boris Johnson cho hay các biện pháp thắt chặt mới sẽ được khởi động tại Salford trong tháng tới. Và nếu nhận thấy sự thành công bước đầu, các biện pháp mới sẽ được thực thi trên phạm vi toàn quốc, như một phần trong chiến dịch “Moonshot” mà Chính phủ Anh hy vọng sẽ giúp tiến tới gỡ bỏ giãn cách xã hội ở nước này.

Khánh Duy