Bộ Công an thống nhất ba lực lượng, giảm chi ngân sách với 500 nghìn người
Theo lãnh đạo Bộ Công an, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thì có thể cắt giảm chi ngân sách cho khoảng gần 500.000 người, tương đương với việc cắt giảm chi 375 tỷ đồng/tháng cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tờ trình về dự án Luật của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, luật ra đời nhằm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong. Đồng thời giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.
Theo đó, mỗi thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương chỉ bố trí không quá 3 người hoạt động không chuyên trách và được hưởng phụ cấp hàng tháng. Bên cạnh đó, việc nhập 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng thống nhất sẽ cắt giảm được khoảng 500 nghìn người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Việc giảm chi từ ngân sách nhà nước sẽ phục vụ cho việc chi trả phụ cấp và chi hỗ trợ. Theo dự kiến trong dự thảo Luật, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ, bỏ chi trả phụ cấp hàng tháng và như vậy sẽ giảm chi ngân sách nhà nước để chi trả phụ cấp hàng tháng.
Bộ Công an cho biết, hiện toàn quốc có 72.456 thành viên thuộc lực lượng bảo vệ dân phố, nếu tính trung bình 1 thành viên/tháng được hưởng mức phụ cấp bằng mức lương cơ sở (tương đương 1.490.000 đồng/tháng) thì ngân sách nhà nước 1 tháng phải bảo đảm khoảng 100 tỷ đồng. Trung bình 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng để chi trả. Theo dự thảo Luật, các địa phương sẽ cắt giảm được khoản kinh phí hàng tháng này.
Cũng theo tờ trình của Bộ Công an, đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nếu nhập lực lượng này vào cùng với lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng để thành một lực lượng chung, bỏ quy định chi trả phụ cấp hàng tháng cho các chức danh Công an xã bán chuyên trách thì sẽ cắt giảm được kinh phí từ ngân sách nhà nước để chi trả phụ cấp hàng tháng;
Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay, toàn quốc có 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách. Khi tiếp tục sử dụng lực lượng này, nếu tính trung bình 1 người/tháng được hưởng mức phụ cấp bằng mức lương cơ sở (tương đương 1.490.000 đồng/tháng) thì ngân sách 1 tháng phải bảo đảm khoảng 180 tỷ đồng để chi trả phụ cấp. Trung bình 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm khoảng 2,8 tỷ đồng/tháng để bảo đảm chi trả. Như vậy, theo quy định của dự thảo Luật, hàng tháng các địa phương có thể cắt giảm khoản kinh phí này.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Công an, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thì có thể cắt giảm chi ngân sách cho khoảng gần 500.000 người, tương đương với việc cắt giảm chi 375 tỷ đồng/tháng cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Như vậy, Bộ Công an khẳng định, việc đề xuất xây dựng, ban hành Luật không làm phát sinh tăng biên chế, không tăng chi ngân sách nhà nước mà góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, việc xây dựng Luật này phải đáp ứng mục tiêu vừa bảo đảm an ninh trật tự cơ sở, vừa giảm biên chế và giảm chi ngân sách. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể hơn về dự kiến tổng số người tham gia lực lượng này sau khi thành lập; nguồn kinh phí cần thiết để đảm bảo cho lực lượng này hoạt động làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến.
Cũng theo ông Việt, một số ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện hoạt động cho lực lượng này có thể làm phát sinh chi phí, ngân sách nhà nước, nhất là các quy định về bố trí nơi làm việc, phương tiện hoạt động, thanh toán công tác phí, hỗ trợ thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, chỉ quy định một số điều kiện và chế độ, chính sách thực sự cần thiết, có lộ trình cụ thể cho phù hợp với khả năng bố trí kinh phí của trung ương và từng địa phương, nhất là các địa phương khó khăn; nghiên cứu quy định một số chính sách xã hội hóa nguồn lực bảo đảm, hỗ trợ hoạt động của lực lượng này.