Gấp gáp cuộc đua vào Nhà Trắng
Cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới để chọn Tổng thống Mỹ đã rất gấp rút. Cả hai ứng viên, đương kim Tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden đã ở trong thế rượt đuổi.
Trong tư cách là nền kinh tế dẫn đầu thế giới, ông chủ mới của Nhà Trắng là ai không chỉ được người Mỹ quan tâm mà còn là sự quan tâm của nhiều quốc gia, bởi chính sách đối ngoại của nước Mỹ có thay đổi hay không, thay đổi thế nào và họ sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
Nhật Bản, với tư cách là một đồng minh quan trọng của Washington, đang dồn sự chú ý vào cuộc chạy đua này, trong khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ nhiệm.
Người ta nhận thấy rằng, trong một môi trường toàn cầu mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã xa lánh nhiều đồng minh truyền thống, Nhật Bản vẫn kiên quyết đứng về phía Mỹ. Và cách Nhật Bản tiếp nhận Tổng thống mới của Mỹ sẽ giống như cách nhận một món quà Giáng sinh theo cách so sánh của cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki: “Bạn sẽ không thể nói bất cứ điều gì cho đến khi bạn mở món quà ra và rồi nói đó chính là điều tôi muốn’”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dù ông Trump hay ông Biden thắng cử thì mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật vẫn sẽ bền chặt. Nhưng, giới quan sát chính trị Nhật Bản cho rằng nếu ông Biden thắng cử, nước Nhật sẽ cần một Thủ tướng mới để thiết lập lại các mối quan hệ Mỹ - Nhật nhằm thay thế mối quan hệ thân thiết “bất thường” đã có giữa ông Abe và ông Trump.
Ông Biden là người dày dặn kinh nghiệm trên chính trường Mỹ và thông thạo về chính sách đối ngoại, kinh nghiệm đặc biệt quan trọng đối với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản. Ông từng là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhiều năm trước khi trở thành phó tướng của cựu Tổng thống Obama và ông có quan điểm rõ ràng về chính sách đối ngoại. Người ta cũng nhận thấy rằng, trong đội ngũ điều hành chính sách đối ngoại của ông Biden hiện nay có bà Julie Smith - người ủng hộ mạnh mẽ hợp tác xuyên Đại Tây Dương; bên cạnh là ông Ely Ratner- phụ trách các vấn đề châu Á.
Tất nhiên là sợi dây Washington -Tokyo tốt hay không tốt không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa các nhà lãnh đạo, mà còn bởi tình bằng hữu thấm nhuần trong doanh nghiệp, con người và xã hội hai nước.
Ngay cả trước khi được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên Tổng thống, thì ông Donald Trump đã tự tin là mình sẽ chiến thắng trong cuộc đua.
Bằng chứng là ông Trump liên tục nhắc nhở mọi người rằng, đối thủ của ông - Joe Biden của đảng Dân chủ mãi vẫn là người thất bại vì đã “ngã ngựa quá nhiều lần”. Đương kim Tổng thống Mỹ còn “lấy làm ngạc nhiên” khi ông Biden chọn bà Kamara Harris trong liên danh tranh cử. “Họ lập ra một liên minh để thua chứ không phải để thắng”- một đại diện trong nhóm tham mưu tranh cử của ông Trump nói.
Tuy nhiên, ông Trump trong vai trò Tổng thống đương nhiệm cũng vấp phải những khó khăn lớn, đặ biệt là với những vấn đề trong nước. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 với quá nhiều người nhiễm virus cũng như số người chết đứng đầu thế giới. Phe đối thủ đã lợi dụng triệt để vấn đề này, tìm mọi cách đổ lỗi cho Tổng thống đã đẩy nước Mỹ đến tình trạng đầy khó khăn. Từ việc ông nói rằng không cần đeo khẩu trang, hay là dùng thuốc sốt rét để trị Covid, gây sức ép để các Thống đốc bang bỏ giãn cách… đều bị cho là đã khiến nước Mỹ lún sâu vào dịch bệnh.
Cùng đó, số người thất nghiệp gia tăng; nạn cướp bóc, biểu tình bạo lực… cũng bị cho là từ cách điều hành đất nước yếu kém của Tổng thống.
Gần đây, giới quan sát còn “ngó vào” cái gọi là “di sản” đối ngoại của ông Trump. Còn nhớ đầu năm 2016, ông Trump gây chú ý khi tuyên bố với cử tri rằng nếu được bầu vào Nhà Trắng, ông sẽ đánh giá lại mối quan hệ với NATO, từ bỏ thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Iran và rút quân Mỹ khỏi các cuộc chiến dai dẳng ở nước ngoài.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm, có lời hứa ông Trump thực hiện được nhưng cũng có những điều không, vì thực sự thì điều đó không chỉ phụ thuộc vào ông. Trong lần vận động tranh cử trước (năm 2016), ông Trump cáo buộc Trung Quốc trục lợi từ Mỹ. Ông “thề” sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại công bằng với Bắc Kinh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ, cũng như tạo thêm việc làm cho người dân nước này. Nhưng cho tới nay, cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa ngã ngũ, bất luận hai bên đã áp dụng chiến thuật “ăn miếng, trả miếng” lên lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.
Người ta cũng “tính sổ” với Thỏa thuận hạt nhân Iran, khi mà vào năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã xé bỏ thỏa thuận hạt nhân quốc tế ký kết 3 năm trước đó giữa Iran và các cường quốc thế giới. Tuy nhiên, dù đã gần 2 năm giáng đòn trừng phạt và cấm vận, Washington vẫn chưa thể buộc Tehran thay đổi cách ứng xử và quay trở lại bàn đàm phán. Thay vào đó, căng thẳng leo thang đã đẩy hai nước đến bờ vực chiến tranh.
Đối với đồng minh chiến lược NATO, hình như ông Trump cũng chưa giành được lợi thế, khi yêu cầu quốc gia trong khối phải đóng góp tiền nhiều hơn. Ông Trump không ít lần tỏ ra hoài nghi về tổ chức được thành lập từ năm 1949, thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh Lạnh giữa Mỹ với Liên Xô, cho rằng nó đã “lạc hậu”. Cũng chính vì thế, người ta cho rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã trở nên lỏng lẻo do chính sách đối ngoại quốc phòng của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của ông Trump chính là việc rút nhước Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Theo ông Trump, Thỏa thuận đã đặt gánh nặng kinh tế và tài chính nghiêm trọng lên vai Mỹ. Trong khi đó, ông Biden- đối thủ của ông Trump lại tuyên bố nếu thắng cử thì việc đầu tiên sẽ đưa Mỹ tái tham gia Thỏa thuận Paris và đi đầu trong những nỗ lực buộc các quốc gia lớn tăng cường những mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhìn chung, nếu như ông Trump luôn giương cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” thì ông Biden lại muốn nước Mỹ “thân thiện hơn với phần còn lại của thế giới”. Chính vì thế, giới quan sát chính trị cho rằng, trong trường hợp ông Biden đắc cử thì chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ đảo ngược. Và tất nhiên, ông Biden sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để giải quyết “gánh nặng di sản đối ngoại” của vị Tổng thống tiền nhiệm.
Tuy nhiên, ông Trump đã mạnh mẽ phản công. Chiến thuật quan trọng nhất giúp ông Trump giành chiến thắng kỳ bầu cử 4 năm trước chính là tấn công trực diện vào đối thủ và tranh thủ lấy thêm phiếu từ bộ phận cử tri còn do dự trong lựa chọn.
Lần này, ông Trump cũng đã lại dùng chiến thuật đó tấn công ông Biden, ít nhất là cho tới lúc này.
Ngày 20/8, phát biểu tại Old Forge, bang Pennsylvania, ông Trump nói: “Nửa thế kỷ của ông ta (chỉ ông Biden) ở Washington chỉ dành cho việc bán rẻ đất nước này. Ông ta sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của người Mỹ. Biden sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của người Mỹ nếu lên nắm quyền”.
Phát biểu của ông Trump được Hãng thông tấn AFP coi là là “cực kỳ u ám”, khi nó được phát đi từ nơi chỉ cách quê nhà của ông Biden vài cây số. Pennsylvania là một trong những bang chiến địa quan trọng, có thể quyết định ai sẽ ngồi ở phòng Bầu dục vào tháng 1 năm tới. “Nếu các bạn muốn biết cuộc đời mình dưới thời Tổng thống Biden ra sao, hãy nghĩ đến những tàn tích âm ỉ ở Minneapolis, tình trạng vô chính phủ bạo lực ở Portland, những vỉa hè nhuốm máu ở Chicago và tưởng tượng cảnh hỗn loạn đang ập đến thị trấn của bạn”- ông Trump nói.
Tuy nhiên, nói như Giáo sư Terry Madonna (Đại học Franklin và Marshall thì ông Trump có nguy cơ bị các cử tri Scranton xa lánh vì “quá khắt khe” với ông Biden. Dù ông Biden chuyển đi nơi khác khi còn nhỏ, dân Scranton vẫn cảm thấy tự hào là nơi chôn nhau cắt rốn của một chính trị gia nổi tiếng.
Ở thời điểm này, cuộc đua vào Nhà Trắng đã rất nóng. Cả đương kim Tổng thống Donald Trump lẫn đối thủ Joe Biden đều đang tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cử tri cũng như Thống đốc các bang. Cho dù những thăm dò dư luận vừa qua cho thấy sự ủng hộ có nhỉnh hơn chút ít cho ông Biden thì cũng không đủ để nói lên bất cứ điều gì!
Ai sẽ điều khiển các cuộc tranh luận Tổng thống?
Hai ứng cử viên Trump và Biden sẽ có 3 cuộc tranh luận tổng thống được trực tiếp truyền hình. Cũng sẽ có một cuộc tranh luận cho các ứng cử viên phó tổng thống Mike Pence và Kamala Harris. Người dẫn chương trình Chủ nhật của Fox News, Chris Wallace (ảnh) sẽ chủ trì cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên ngày 29/9, tại Cleveland. Miami sẽ là thành phố được đăng cai cho cuộc tranh luận thứ hai, một cuộc tranh luận kiểu tòa thị chính vào ngày 15/10, do Steve Scully của C-SPAN điều phối. Kristen Welker của NBC sẽ điều khiển cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng vào ngày 22/10 tại Nashville.
Cuộc tranh luận duy nhất dành cho ứng cử viên phó tổng thống, giữa Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ và Mike Pence của đảng Cộng hòa, sẽ diễn ra tại Thành phố Salt Lake, Utah ngày 7/10, do Giám đốc Văn phòng USA Today Washington, Susan Page điều khiển.