Không nên bẻ khớp ngón tay
Bẻ khớp tay thường xuyên làm tổn thương các mô nang liên kết xung quanh, làm khớp ngón tay bạn to lên trông thấy. Đồng thời, hệ lụy kéo theo là nó sẽ làm giảm sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.
Theo TS. BS Vũ Hoàng Phương (BV ĐH Y Hà Nội), dù không trực tiếp gây ra bệnh khớp nhưng đây là thói quen xấu gián tiếp đẩy nhanh quá trình thoái hóa hoặc viêm khớp.
Khi bẻ các khớp ngón tay như vậy sẽ phát ra tiếng kêu rắc rắc, bởi vì tại các khớp xương đều có cấu trúc túi, gồm nhiều các túi nhỏ hoặc khoảng trống chứa chất hoạt dịch khớp. Chất lỏng này có tác dụng bôi trơn và giảm sự va chạm của các đoạn xương khi bạn vận động.
Khi bạn bẻ khớp ngón tay hoặc mọi bộ phận khác trong cơ thể để “giãn gân giãn cốt”, không gian trống giữa các khớp xương giãn ra, áp suất giảm khiến chất hoạt dịch bị hút vào các khoảng trống gây ra tiếng rắc rắc mà chúng ta thường nghe.
Thông thường, phải sau 25 - 30 phút kể từ khi bẻ các khớp kêu như vậy, bạn mới có thể bẻ lại được lần nữa. Lý do là bởi, các hạt khí bong bóng này cần 1 khoảng thời gian nhất định mới hình thành trở lại như cũ - vì dịch khớp cần thời gian để bôi trơn trở lại trạng thái cũ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho biết, tiếng “rắc”, “khục” phát ra là do dây chằng bị kéo dãn quá nhanh hay do sự chà xát mạnh giữa hai khớp xương gây ra. Bẻ khớp tay thường xuyên làm tổn thương các mô nang liên kết xung quanh, làm khớp ngón tay bạn to lên trông thấy. Đồng thời, hệ lụy kéo theo là nó sẽ làm giảm sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.