Tiểu thuyết lịch sử và giới hạn của sự hư cấu
Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử phải có giới hạn, không mâu thuẫn với logic của các sự kiện và cốt truyện lịch sử; hư cấu phải đảm bảo tính chân thực của lịch sử.
Tiểu thuyết lịch sử tuy không phải là thể loại hấp dẫn nhiều nhà văn tên tuổi, nhưng vẫn luôn thấy sự dấn thân của các cây viết, đồng thời là đề tài quan tâm của nhiều thế hệ độc giả yêu văn chương Việt Nam. Thời gian gần đây với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới, dòng tiểu thuyết lịch sử đang được nhiều người chờ đón.
1. Quan sát đời sống văn học dễ nhận thấy một điều, mảng tiểu thuyết lịch sử kén người viết. Trong số những nhà văn đương đại được độc giả nhớ tên với các bộ tiểu thuyết lịch sử, trong các hội thảo người ta hay nhắc đến 2 bộ “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý” của nhà văn Hoàng Quốc Hải; các cuốn “Mẫu Thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; “Gươm thần Vạn Kiếp”, “Uy Viễn tướng công”, “Lý Công Uẩn” của nhà văn Ngô Văn Phú, “Hội thề” của nhà văn Nguyễn Quang Thân, và gần đây là “Thông reo Ngàn Hống” của Nguyễn Thế Quang, “Kim thiếp vũ môn” của Thâm Giang Trần Gia Ninh…
Đề tài lịch sử cũng thu hút một số nhà văn tạm gọi là trẻ hơn, như nhà văn Lưu Sơn Minh ít nhiều gây ấn tượng với những tiểu thuyết như “Trần Quốc Toản”, “Trần Khánh Dư”, thì những bộ tiểu thuyết mới như “Hồ Dương” của Trường An, “Thiệu Bảo bình nguyên” của Hồng Thái, và mới nhất là cuốn “Triệu Vương quốc phục” của Phùng Văn Khai… Nhiều người bày tỏ sự kỳ vọng vào những cây bút mới này…
Không thuộc thế hệ trẻ, cũng chẳng hẳn đã già, mấy năm trước, ở tuổi 63, nhà văn Trần Thùy Mai bắt tay viết bộ tiểu thuyết lịch sử gần 1.000 trang. “Từ Dụ Thái hậu”, tên bộ tiểu thuyết đó, khai thác giai đoạn lịch sử nhà Nguyễn - một triều đại mà theo các nhà nghiên cứu lịch sử, sử liệu còn ghi lại đầy đủ nhất. Tuy nhiên, Trần Thùy Mai lựa chọn con đường chênh vênh, một bên là ngọn núi cao - nơi những trang sử được ghi lại khá chi tiết và bên kia, là vực thẳm - nơi mà nhà văn thỏa sức hư cấu, sáng tạo.
2. Thông qua mục đích và tài năng của mình, mỗi nhà văn sẽ chọn một cách viết để biểu đạt được suy nghĩ về những câu chuyện của lịch sử. Thực tế cũng đã cho thấy, có nhiều cách viết tiểu thuyết lịch sử. Người viết theo lối chương hồi, lại có người viết như cách giải mã lịch sử…
Nhưng có vẻ như mọi người đều gặp nhau ở điểm, đó là giới hạn của sự tưởng tượng và hư cấu của nhà văn về những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử mình đề cập. Sẽ không còn là tiểu thuyết nếu những trang viết không có sự tưởng tượng, hư cấu của nhà văn. Ngay cả cho quan niệm “văn sử bất phân” mà ai đó từng đề cập, khi phóng chiều vào tiểu thuyết lịch sử, nó chỉ đúng ở một giới hạn nhất định. Nếu vắng bặt tính hư cấu, thiếu vắng cá tính sáng tạo của nhà văn thì tiểu thuyết lịch sử sẽ cực khô khan, như thế, cần gì đến tài năng và sự dấn thân của nhà văn.
Song hư cấu đến đâu, tưởng tượng đến mức nào để tiểu thuyết lịch sử không đi sai đi lạc, không làm độc giả chệch hướng? Sự thật lịch sử có phải là sợi dây xích kìm hãm trí tưởng tượng của nhà văn? Đây là vấn đề không dễ trả lời thấu đáo, nếu không muốn nói, đó là vấn đề phức tạp, có nhiều ý kiến trái chiều…
Nhà văn Hoàng Quốc Hải từng chia sẻ rằng, trong quá trình viết ông phải hư cấu nên một số nhân vật mà bản thân người đời cũng không biết đấy chính là nhân vật không có thật trong lịch sử. Nhà văn lấy dẫn chứng trong bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý”, ông hư cấu một nhân vật mà sau khi sách in ra, có nhà phê bình nhận định rằng ông viết về nhân vật ấy hay quá, ngoài đời thực không hay được thế đâu.
Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhiệm vụ của những người viết tiểu thuyết lịch sử là phải giải mãi những gì đã diễn ra mấy trăm năm, mấy nghìn năm về trước mà chẳng ai biết những sự kiện ấy diễn ra như thế nào, nói năng, tính toán ra làm sao để dẫn từ nguyên nhân ấy đến kết quả ấy. Ông cho rằng, sự hư cấu là cần thiết để cho hợp tính logic và bản thân ông hư cấu đến mức chân thực, nghĩa là sự hư cấu ấy nhuần nhuyễn và hợp lý đến mức người đọc thấy được lịch sử như đang diễn ra trước mắt mình một cách đúng như nó diễn ra trong nhiều năm về trước.
Cũng từ góc độ của người viết nhiều tiểu thuyết lịch sử liên tục xuất bản trong mấy năm qua, nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng, người viết tiểu thuyết lịch sử vẫn phải giữ được sự thăng bằng, tỉnh táo của ngòi bút để không bị dẫn dụ vào các chiều hướng cực đoan của “tô hồng” hay sự thật lịch sử quá trần trụi.
Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tiểu thuyết lịch sử phải hư cấu trên lịch sử. “Nhưng hư cấu theo độ nào, bay bổng trên sự kiện ra sao là cảm quan của người viết. Quá trình viết tác phẩm, những tính cách, sự kiện lịch sử lớn thì tác giả phải trung thành. Ví dụ tính cách Minh Mạng là người quyết đoán thì phải viết ông ấy quyết đoán, Thiệu Trị là người tử tế thì nhà văn không thể biến ông thành người gian ác được. Dựa trên tính cách thật lịch sử, nhà văn để những tính cách này tương tác với nhau, đối đãi, nói năng với nhau”- nhà sử học nêu dẫn chứng, đồng thời khẳng định: “Văn học không thể ghi lại y chang đời thực được. Nếu điều gì xảy ra trong lịch sử mà đưa vào hết thì thừa thãi. Nhà văn phải lựa chọn, giữ lại những con người, tính cách cần thiết cho câu chuyện và nhào nặn nó trở nên hấp dẫn”.
Trong khi đó, theo TS Trần Trọng Dương, việc hư cấu lịch sử trong văn chương là điều cần thiết. Mỗi nhà văn khi viết một tác phẩm văn chương có chất liệu lịch sử thì điều quan trọng không phải là yếu tố hư cấu hay sự thực lịch sử, mà điều quan trọng nhất là nhà văn đó nhìn về lịch sử và viết về lịch sử ấy như thế nào sao cho thật tinh tế và khéo léo. Đồng thời, đọc giả khi đọc tiểu thuyết lịch sử cũng đừng quá khắt khe mà hãy nhìn sự thật chỉ là tương đối, như vậy để mở ra sự sáng tạo của văn chương...
Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử phải có giới hạn, không mâu thuẫn với logic của các sự kiện và cốt truyện lịch sử; hư cấu phải đảm bảo tính chân thực của lịch sử. Bởi nếu không sẽ không phải là tiểu thuyết lịch sử mà chỉ là tiểu thuyết hư cấu thuần túy dựa trên sự vay mượn một đề tài hoặc truyền thuyết lịch sử.